Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cảnh giác với tội phạm công nghệ cao
Bài 2: "Xử lý sim “rác” - giải pháp đẩy lùi nạn lừa đảo trực tuyến
Thứ tư: 21:52 ngày 04/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sim “rác” thường được sử dụng với mục đích gửi tin nhắn, thực hiện cuộc gọi để quảng cáo và spam (làm phiền người dùng khác); thực hiện các hành vi lừa đảo như giả mạo cơ quan chức năng, đòi nợ, chiếm đoạt tài sản...

Với sự nỗ lực vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều đường dây lừa đảo trực tuyến đã bị triệt phá. Tuy nhiên, nhận thấy tội phạm thường sử dụng số thuê bao điện thoại không chính chủ để liên hệ, nhiều người cho rằng, cần có những giải pháp hữu hiệu, mạnh hơn nữa trong việc rà soát, xử lý và quản lý sim rác, xoá bỏ những công cụ, phương tiện mà các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.

Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và đại lý bán sim.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, sim “rác” là thuật ngữ dùng để chỉ các sim điện thoại di động đã được kích hoạt, đăng ký thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ hoặc giả mạo. Đây thường là các sim không gắn liền với danh tính thực của người sử dụng; được đăng ký bằng thông tin giả như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân không hợp lệ hoặc thông tin của người khác mà không có sự đồng ý của người bị sử dụng thông tin cá nhân; được các đại lý hoặc cá nhân kích hoạt sẵn bán cho người dùng mà không yêu cầu đăng ký lại thông tin cá nhân.

Sử dụng sim “rác” để lừa đảo

Sim “rác” thường được sử dụng với mục đích gửi tin nhắn, thực hiện cuộc gọi để quảng cáo và spam (làm phiền người dùng khác); thực hiện các hành vi lừa đảo như giả mạo cơ quan chức năng, đòi nợ, chiếm đoạt tài sản...

Ông Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số đối tượng sử dụng sim “rác” giả danh cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn thay đổi tem đăng kiểm; giả danh Công an các cấp gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin để cập nhật lại thông tin căn cước công dân; giả danh cán bộ Bảo hiểm xã hội cập nhật lại thông tin trong hồ sơ bảo hiểm; giả danh lãnh đạo, công chức các sở, ngành, địa phương gọi đến số điện thoại di động của một số lãnh đạo, cán bộ cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân để thông báo số điện thoại của người nghe có liên quan đến vụ án, vụ việc do cơ quan Công an đang điều tra, nếu muốn được xem xét, tạo điều kiện, giúp đỡ thì phải làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Sau đó chúng dẫn dắt, hướng dẫn người nghe thực hiện theo yêu cầu để thực hiện mục đích lừa đảo. Nếu không được đáp ứng theo yêu cầu, chúng sẽ lăng mạ, xúc phạm người nghe điện thoại.

Trước tình hình trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý sim rác, ngăn chặn hành vi lừa đảo qua điện thoại. Đơn vị rà soát và chuẩn hoá thông tin thuê bao, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông rà soát, đối chiếu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những thuê bao có thông tin không trùng khớp hoặc không chính xác sẽ bị yêu cầu cập nhật hoặc bị khoá dịch vụ. Từ ngày 15.4.2024, các sim có thông tin không trùng khớp đã bị cắt dịch vụ.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tây Ninh đăng thông tin cảnh báo/khuyến cáo khách hàng các hình thức lừa đảo công nghệ cao tại khu vực giao dịch trực tiếp

Sở tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và đại lý bán sim. Những trường hợp vi phạm kích hoạt sẵn sim hoặc bán sim không đăng ký thông tin chính xác sẽ bị xử phạt nghiêm. Đơn vị đã ban hành công văn cảnh báo các cuộc gọi giả danh với mục đích lừa đảo; đề nghị các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, cơ quan thông tấn, báo chí, doanh nghiệp viễn thông phối hợp tuyên truyền cho mọi người nâng cao tinh thần cảnh giác với cuộc gọi, tin nhắn có nghi vấn, tuyệt đối không làm theo yêu cầu của đối tượng nghi vấn mạo danh, lừa đảo.

Các doanh nghiệp viễn thông tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các thuê bao đăng ký, sử dụng dịch vụ thông tin di động thuộc phạm vi cung cấp của doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện quy định về đăng ký thông tin thuê bao di động, đặc biệt là thuê bao di động trả trước; thường xuyên rà soát, đối chiếu, chuẩn hoá, làm sạch thông tin thuê bao trên hệ thống của đơn vị bảo đảm trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xử lý triệt để tình trạng sim rác.

Nâng cao hiệu quả quản lý thông tin thuê bao di động

Sở Thông tin và Truyền thông đang triển khai công tác tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến một cách đồng bộ trên nhiều nền tảng do Sở quản lý như: Cổng thông tin điện tử của Sở, Fanpage 1022 Tây Ninh... Đơn vị phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội để chia sẻ thông tin, xử lý các vụ việc, hướng dẫn người dân cách tự bảo vệ bản thân cũng như nâng cao nhận thức để nhận diện các hình thức lừa đảo trực tuyến mới.

Năm 2024, Sở phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số và an toàn thông tin cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn. Thông qua những buổi tập huấn về an toàn thông tin trong thời gian gần đây cho thấy hơn 90% người dân tại địa phương đã nhận biết được các phương thức lừa đảo phổ biến như: giả mạo cơ quan chức năng, lừa đảo qua tin nhắn hoặc mạo danh thương hiệu lớn.

Người dân cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân để làm bất cứ nội dung gì (định danh cá nhân, điều tra vụ án, vi phạm giao thông...).

Mọi người cần chủ động ghi lại các thông tin tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại của đối tượng để cung cấp cho cơ quan Công an xác minh khi có yêu cầu; không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch. Trường hợp nghi ngờ về hoạt động phạm tội công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và giải quyết.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Quốc Hùng, thời gian tới, Sở tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý thông tin thuê bao di động. Trong đó, đơn vị tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cập nhật, ứng dụng các giải pháp công nghệ trong việc chủ động phát hiện, xử lý sim không chính chủ; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm của bản thân trong việc bảo đảm sim chính chủ; chủ động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp viễn thông, nếu phát hiện sim có thông tin không đúng quy định sẽ xử lý nghiêm; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng (Công an và Quản lý thị trường) kiểm tra xử lý hoạt động mua bán sim kích hoạt sẵn trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng khuyến cáo người dân khi nhận cuộc gọi hoặc tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo cần bình tĩnh lưu lại số điện thoại để làm chứng cứ, thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng. Mọi người có thể phản ánh tới số tổng đài 156 hoặc 5656 (tổng đài tiếp nhận thông tin về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo) bằng cách gửi tin nhắn (miễn phí) theo cú pháp: LD (số điện thoại lừa đảo)(Nội dung phản ánh) gửi 156 hoặc 5656 hay gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin theo hướng dẫn của điện thoại viên. Người dân cũng có thể phản ánh đến các cơ quan Công an ở địa phương hoặc Thanh tra Sở (số 6 Trần Quốc Toản, phường 2, thành phố Tây Ninh - điện thoại 0276.3631168).

An Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh