Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giải pháp nào khắc phục tình trạng thừa-thiếu giáo viên
Bài 3: Chính sách thay đổi, thiếu giáo viên nhưng không thể tuyển
Thứ bảy: 10:17 ngày 09/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ba bốn năm về trước, chính sách tinh giản và tạm dừng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp sư phạm mầm non đã khiến cho những cô giáo trẻ này tìm việc làm khác hoặc tìm đến tỉnh, thành phố khác để được theo nghề. Đến khi được cấp có thẩm quyền cho phép tuyển dụng trở lại, số sinh viên kia đã ổn định công việc, không muốn trở về nữa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong lần gặp gỡ, làm việc với cán bộ quản lý ngành Giáo dục Tây Ninh (ảnh chụp năm 2019)

Về mặt chính sách, Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ tháng 7.2020 quy định giáo viên mầm non tối thiểu phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên hoặc một bằng cao đẳng khác nhưng có chứng chỉ sư phạm. Điều này dẫn đến, nhiều sinh viên hệ trung cấp sư phạm mầm non phải tiếp tục học thêm một năm để học lên cao đẳng, hai năm để lấy bằng đại học hoặc tìm việc khác để làm.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ VĂN BẰNG

Tháng 10.2020, sau hai năm theo học trung cấp sư phạm mầm non, chị H (ngụ huyện Dương Minh Châu) cùng hàng chục bạn bè chung lớp không tìm được việc làm. Hiện chị H làm nhân viên cho một công ty tư nhân, lương tháng 4 triệu đồng. Trước khi năm học 2020-2021 bắt đầu, chị H có liên hệ với một phòng giáo dục để nộp hồ sơ ứng tuyển nhưng bị từ chối, dù địa phương này đang thiếu giáo viên mầm non. Cơ quan tuyển dụng cho biết, theo quy định mới, bằng cấp của chị không đủ chuẩn, do đó không thể tuyển dụng.

Tại huyện Gò Dầu, để bổ sung giáo viên cho bậc học này, Phòng Giáo dục và Đào tạo ra thông báo tuyển dụng với số lượng gần 30 chỉ tiêu. Hết thời hạn, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nhận được 15 hồ sơ dự tuyển, sau đó có một trường hợp rút hồ sơ. Trong số 14 ứng viên còn lại, có 8 người tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non.

Theo quy định, các địa phương sau khi lập kế hoạch tuyển dụng phải nộp hồ sơ cho cấp có thẩm quyền xem xét về tính hợp lý, hợp lệ, hợp pháp. Kết quả, trong số 14 ứng viên nêu trên, 8 người không thể tuyển dụng vì không đủ chuẩn văn bằng theo quy định.

Tương tự, tại huyện Tân Châu, địa phương này ra thông báo tuyển dụng giáo viên mầm non nhưng số hồ sơ nhận được rất ít và chỉ nhận hồ sơ đối với những trường hợp ứng viên đủ chuẩn về văn bằng theo quy định hiện hành. Để bù đắp số giáo viên đang thiếu, ngành Giáo dục huyện này có một động thái mạnh dạn, tích cực, đó là ra thông báo nhận hồ sơ của sinh viên sư phạm mầm non (người ngoài tỉnh) nhưng cũng không nhận được.

Vì sao ngành đang thiếu giáo viên mầm non nhưng không thể tuyển? Sự bất cập nêu trên xuất hiện kể từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1.7.2020. Điều 72 của luật này quy định trình độ chuẩn (văn bằng) được đào tạo của nhà giáo như sau: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp”.

Điều 72 cũng quy định: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quy định việc sử dụng nhà giáo trong trường hợp không đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này”.

Như vậy, dễ dàng nhận thấy, nguyên nhân chính các địa phương gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên mầm non là do Luật Giáo dục năm 2019 quy định, giáo viên bậc học mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên.

Điều này có nghĩa, sinh viên ngành học mầm non nếu chỉ có bằng trung cấp sư phạm thì không được tuyển dụng. Một vị quản lý có nhiều kinh nghiệm trong ngành Giáo dục tỉnh nhà nhìn nhận, luật có hiệu lực thì phải tuân thủ nhưng thực tế cũng cho thấy không phải không có những bất hợp lý.

“Luật quy định như vậy nhưng tôi thấy, đối với bậc học mầm non, người có bằng trung cấp sư phạm vẫn hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về nhiệm vụ, vì bậc học này phần lớn là chăm sóc, nuôi dưỡng. Về chuyên môn, điều này không phải không quan trọng nhưng bậc học mầm non chưa đặt nặng vấn đề này”- vị cán bộ bình luận.

Điều 72 của Luật Giáo dục năm 2019 có ghi: “Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở...”, điều này cần hiểu rằng, lộ trình nâng chuẩn ở đây là dành cho những giáo viên đang công tác trong ngành nhưng chưa đủ chuẩn văn bằng sẽ được tạo điều kiện học nâng chuẩn chứ không phải dành cho sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp.

Quy định như trên là đúng nhưng thật ra chưa đủ. Nhiều cán bộ quản lý và cả các cơ sở đào tạo giáo viên đã chỉ ra, đáng lý cần quy định lộ trình vẫn tiếp tục thực hiện tuyển dụng sinh viên trung cấp sư phạm mầm non trong một giai đoạn nhất định. Làm như vậy, vừa không lãng phí nguồn nhân lực đã đào tạo lại vừa giúp cho cơ quan tuyển dụng tuyển đủ số giáo viên mầm non cho bậc học này.

Thực tế cho thấy, Luật Giáo dục ban hành năm 2019 và có hiệu lực tháng 7.2020, trong thời gian này, nhiều cơ sở đang đào tạo sinh viên trung cấp sư phạm mầm non. Sau khi khoá học kết thúc cũng là lúc luật có hiệu lực nên những trường hợp này không đáp ứng được yêu cầu về văn bằng.

Từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực đến nay, Chính phủ mới chỉ ban hành một nghị định để hướng dẫn thi hành nhưng nghị định này không đề cập đến lộ trình nâng chuẩn, không quy định một giai đoạn chuyển tiếp để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non.

Cũng tại thời điểm đó, trong một hội nghị trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với các địa phương, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục cho phép tuyển dụng giáo viên mầm non có bằng trung cấp sư phạm, sau đó tạo điều kiện cho giáo viên đi học nâng cao bằng cấp, trình độ. Tuy nhiên, đề nghị này không thể thực hiện, vì trái luật.

Tại thời điểm này, một vị cán bộ có thâm niên làm công tác tổ chức trong ngành Giáo dục Tây Ninh cho biết, có giai đoạn, sinh viên mầm non tốt nghiệp nhưng tại thời điểm đó chủ trương tạm dừng tuyển dụng, số sinh viên này đi tìm việc ở các tỉnh, thành phố khác, hoặc xin vào làm trong cơ sở giáo dục mầm non tư thục. Trong mấy năm qua, hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập phát triển khá mạnh, điều này thu hút số lượng đáng kể giáo viên mầm non.

“Một giáo viên mầm non kể với tôi, sau khi được một cơ sở giáo dục mầm non nhận vào làm việc, em đã quen dần môi trường ở đây, chế độ cũng khá, bảo hiểm được đóng đầy đủ, vì thế nay trường công lập có tuyển dụng, em cũng không muốn dự tuyển nữa.

Giáo viên mầm non làm việc ở cơ sở mầm non tư thục có vẻ ổn hơn, ít áp lực hành chính hơn trong khi thu nhập ban đầu khá hơn trường công. Sinh viên mầm non tốt nghiệp, làm ở trường ngoài công lập, mỗi tháng mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng, có trường trả 6 triệu đồng, trong khi nếu làm ở trường công lập, chỉ 3 triệu đồng ”.

“SINH SAU ĐẺ MUỘN”

Bậc học mầm non- một bậc học “sinh sau đẻ muộn” bởi mãi cho đến những năm 2010, bậc học này mới chính thức đứng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trước đó chỉ là nhà trẻ. Từ năm 2010-2015, bậc học này bắt đầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đồng thời huy động trẻ từ đủ ba tuổi trở lên đến trường để được chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn.

Cũng từ đây, bậc học này được đầu tư mạnh mẽ về quy mô trường lớp cũng như huy động số lượng trẻ em đến trường dẫn đến nhu cầu giáo viên dành cho bậc học này tăng mạnh. Sau một thời gian phát triển tốt, bậc học này vấp phải một số vấn đề cả thực tế trong nhà trường cũng như về chính sách. Ở trong nhà trường, số học sinh trong một lớp học, đặc biệt ở khu đô thị, khu công nghiệp, quá đông dẫn đến chất lượng chăm sóc, nuôi dạy trẻ ảnh hưởng chất lượng.

Từ thực tế này, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, chính quyền địa phương quyết định xây thêm trường mầm non, mẫu giáo để “giãn cách” số lượng trẻ trong từng lớp học. Để thực hiện được chủ trương này, ngoài những điều kiện tiên quyết như ngân sách, quỹ đất để xây trường, đội ngũ giáo viên là điều kiện “cần và đủ” để cơ sở mầm non, mẫu giáo hoạt động.

Tuy nhiên, ba bốn năm về trước, chính sách tinh giản và tạm dừng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp sư phạm mầm non đã khiến cho những cô giáo trẻ này tìm việc làm khác hoặc tìm đến tỉnh, thành phố khác để được theo nghề. Đến khi được cấp có thẩm quyền cho phép tuyển dụng trở lại, số sinh viên kia đã ổn định công việc, không muốn trở về nữa. Cùng với đó, đúng như vị cán bộ phân tích ở phần trên, xã hội hoá giáo dục đã xuất hiện nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập khiến nhu cầu giáo viên bậc học này càng tăng cao.

Trường công lập hay ngoài công lập thì cũng có chức năng giáo dục, nuôi dạy trẻ nhưng thực tế cũng chứng minh một cách hiển nhiên: có trường thì phải có thầy cô giáo. Về mặt chính sách, Luật Giáo dục năm 2019, có hiệu lực từ tháng 7.2020 quy định giáo viên mầm non tối thiểu phải có bằng cao đẳng sư phạm trở lên hoặc một bằng cao đẳng khác nhưng có chứng chỉ sư phạm.

Điều này dẫn đến nhiều sinh viên hệ trung cấp sư phạm mầm non phải tiếp tục học mất thêm một năm để học lên cao đẳng, hai năm để lấy bằng đại học hoặc tìm việc khác để làm. Từ khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, Chính phủ mới chỉ ban hành một nghị định để hướng dẫn thi hành, nhưng nghị định này không đề cập đến lộ trình nâng chuẩn, không quy định một giai đoạn chuyển tiếp để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non. Thực tế sau đó chứng minh, nhiều địa phương tuyển dụng giáo viên mầm non nhưng số người nộp đơn ít hơn nhiều so với chỉ tiêu cần tuyển.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục