Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Năm 2025, Đại hội đảng bộ các cấp và năm 2026 diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của Đảng nói chung và của Đảng bộ tỉnh nói riêng để từ đó tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.
![google news](/assets/images/gg-news-v2.png)
Một số khái niệm
Theo giải thích trong chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Trường Chính trị tỉnh biên soạn, năng lực lãnh đạo của Đảng được biểu hiện ở trình độ hoạch định cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương, chính sách một cách đúng đắn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Năng lực lãnh đạo thể hiện ở chỗ đề ra những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng; định hướng sự hoạt động của Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng như quần chúng nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội nhằm hiện thực hoá đường lối nghị quyết trong thực tiễn cuộc sống.
Năng lực cầm quyền của Đảng là khả năng xác định và cụ thể hoá cương lĩnh, đường lối chính trị trên cơ sở nắm vững chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tình hình thế giới và đất nước. Năng lực cầm quyền còn thể hiện ở điểm trình độ nhận thức và thực hành dân chủ cũng như khả năng phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối chính trị.
Sức chiến đấu của Đảng là sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là sự thống nhất về ý chí và hành động, nhằm tạo nên sức mạnh, sức bền nội tại của Đảng, là ý chí vượt lên trong mọi hoàn cảnh, những tiêu cực trong xã hội, trong nội bộ nhân dân, thậm chí trong nội bộ Đảng và cả những khó khăn, thách thức của đất nước, của tình hình kinh tế - xã hội để thực hiện nhiệm vụ chính trị. Sức chiến đấu của Đảng được thể hiện qua hành động của các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, biểu hiện trước hết ở trình độ giác ngộ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng của tổ chức cơ sở đảng trước mọi biến động của tình hình chính trị - xã hội. Sức chiến đấu còn minh chứng qua khả năng khắc phục những biểu hiện tiêu cực, sai trái, hạn chế, khuyết điểm của bản thân tổ chức cơ sở đảng và của cơ quan, đơn vị. Sức chiến đấu thể hiện ở chỗ nhạy bén về chính trị, kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm, hành động thù địch, ngăn chặn tác động tiêu cực từ bên ngoài của cấp uỷ, đảng viên. Điều đó còn thể hiện ở việc ủng hộ cái đúng, cái mới, cái tiến bộ, bảo vệ chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, sự nghiệp đổi mới đất nước. Sức chiến đấu thể hiện ở sự đoàn kết, kỷ luật nghiêm và chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Sức chiến đấu của Đảng thể hiện ở tính tiên phong gương mẫu, ý chí quyết tâm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ.
Năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng là những điều kiện cần và đủ để Đảng có thể thực hiện có hiệu quả sự lãnh đạo, cầm quyền của mình. Năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng là vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng, có mối quan hệ mật thiết với nhau, là yếu tố cơ bản tạo nên chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đảng. Năng lực lãnh đạo của Đảng tác động mạnh mẽ, tạo thuận lợi và đòi hỏi Đảng phải nâng cao sức chiến đấu của mình. Năng lực cầm quyền tác động rất lớn đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Ngược lại, sức chiến đấu của Đảng là cơ sở bảo đảm năng lực lãnh đạo của Đảng. Sức chiến đấu của Đảng được củng cố và mạnh lên thì năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng được nâng lên.
Năng lực cầm quyền của Đảng phải để cho nhân dân tự giác thừa nhận, tin tưởng và ủng hộ. “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Đại hội XIII của Đảng xác định rõ nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Phương thức lãnh đạo, cầm quyền có tầm quan trọng đặc biệt. Đại hội XIII nêu rõ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đó chính là quyền làm chủ thực sự của nhân dân, mục đích vì dân đồng thời cũng là điểm quan trọng trong phương pháp, phương thức lãnh đạo.
Không nên hiểu máy móc, xơ cứng
Trong ba khái niệm nêu trong chuyên đề, khái niệm “sức chiến đấu” xưa nay có nhiều người hiểu một cách máy móc, rằng chiến đấu có nghĩa là… đánh nhau. Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của tác giả - cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập đến khái niệm nêu trên. “Khi chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, thảo luận trong Hội đồng Lý luận Trung ương (năm 2004) cũng có đồng chí nói là lúc này “đánh đấm” gì mà nêu tính chiến đấu. Nâng cao năng lực lãnh đạo thì đúng, nhưng chiến đấu với ai, mình có hung hăng quá không? Chủ đề của Đại hội X là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới để đưa nước ta sớm ra khỏi tình trạng kém phát triển. Bộ Chính trị đã giải trình một lần nữa là: phải nói cả hai vế nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đương nhiên trong năng lực lãnh đạo cũng phải có sức chiến đấu, trong sức chiến đấu cũng phải có năng lực lãnh đạo thì mới chiến đấu được. Chiến đấu ở đây không phải chỉ hiểu đơn thuần là chiến đấu với kẻ thù, mà chiến đấu với tình trạng trì trệ, không phát triển, chiến đấu với việc làm sai trái, chiến đấu với chính bản thân mình để vượt lên những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chiến đấu chống lại những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Không phải chỉ từng cá nhân cán bộ, đảng viên chiến đấu mà cả tổ chức cũng phải nâng cao tính chiến đấu.“Chúng ta đã nói nhiều về chống tham nhũng nhưng có thấy mấy chi bộ phát hiện ra đâu. Khi bình chọn cuối năm thì hầu hết đảng viên là đủ tiêu chuẩn và chi bộ trong sạch, vững mạnh, nhưng đơn thư tố cáo thì rất nhiều và tình trạng tham nhũng có cả ở đấy. Điều đó có nghĩa gì? Do vậy, đòi hỏi một phẩm chất chính trị, năng lực lãnh đạo nhưng phải có dũng khí chiến đấu”- cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết trong sách.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng có thể khái quát trong mấy điểm sau:
Đảng đề ra đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đất nước và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, đồng thời phải tổ chức thi hành cho đúng. Người luôn nhắc nhở, Đảng phải luôn xét lại những nghị quyết và chỉ thị của mình đã thi hành như thế nào, phải chú ý kiểm tra công tác của các tổ chức đảng cấp dưới, phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Bởi, “kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân”. Nếu không như vậy, những nghị quyết, chỉ thị của Đảng sẽ hoá ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng.
Bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng: Bản lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện ở sự vững vàng về tư tưởng, kiên định lập trường cách mạng, tạo nên sức mạnh, uy tín, sự thống nhất ý chí, hành động của Đảng, bảo đảm cho Đảng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững niềm tin vào lý tưởng cách mạng, vào con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Việt Đông
(còn tiếp)