BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn hoá đọc thời kỹ thuật số

Bài 3: Đọc sách để trở thành người tốt hơn 

Cập nhật ngày: 26/03/2022 - 00:36

BTN - Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi người, mỗi năm, nhưng trong đó 2 - 3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách, và thuộc nhóm thấp trên thế giới.

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong trong thư viện nhà trường.

“Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại.

Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy ngàn năm trước.

Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu. Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích luỹ mấy ngàn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi, là một mình hưởng thụ các kiến thức, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Có được sự chuẩn bị như thế thì một con người mới có thể làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới”.

Chu Quang Tiềm - Bàn về đọc sách (SGK Ngữ văn 9)

Thông tin trong hai bài viết trước, văn hoá đọc vẫn được duy trì nhưng đã chuyển sang một hình thức khác. Điều này được diễn giải đơn giản: sự phát triển thần kỳ của công nghệ thông tin làm thay đổi nhiều hoạt động, hành vi của con người, kể cả việc đọc sách. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ bình quân về người đọc sách ở Việt Nam thấp hơn khu vực và thế giới.

TỶ LỆ NGƯỜI ĐỌC SÁCH THẤP

Hơn 5 năm trước, một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Cũng theo kết quả khảo sát này, thời gian dành cho đọc sách hằng tuần, cao nhất là Ấn Độ (gần 11 giờ); một số nước, vùng lãnh thổ châu Á như đảo Đài Loan (Trung Quốc) là 5 giờ, xếp thứ 27; Nhật Bản là 4 giờ, xếp thứ 28; Hàn Quốc 3 giờ, xếp thứ 29. Việt Nam khoảng 1 giờ.

Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi người, mỗi năm, nhưng trong đó 2 - 3 cuốn là sách giáo khoa. Như vậy, mỗi người mỗi năm chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách, và thuộc nhóm thấp trên thế giới. Malaysia, một nước gần chúng ta và trong khối ASEAN, người dân nước này đọc 12 cuốn sách mỗi năm, gấp 3 lần Việt Nam.

Hiện nay, ở các nước phát triển như Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. Các nước trong khu vực như Singapore, số sách người dân đọc trung bình 14 cuốn/năm. Một thống kê khác cũng cho thấy, năm 2015, Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đưa ra con số: tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc 44%, đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%.

Trong một dịp bàn về văn hoá đọc, ông Mai Liêm Trực- nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) nhìn nhận, hiện nay giới trẻ đọc báo mạng nhiều hơn báo giấy, hằng ngày, hàng chục triệu người tiếp cận đọc báo mạng, nhưng đọc sách lại chưa được nhiều. Internet thực sự đã và đang thay đổi mạnh mẽ cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. “Để có được một thế hệ vàng ham thích đọc sách, ngay từ bây giờ, mỗi người lớn hãy bớt thời gian “ôm” điện thoại, máy tính mà dành thời gian đi nhà sách, chọn sách và đọc sách cùng con, cháu mình. Chứ nếu vẫn tiếp diễn tình trạng này, tỷ lệ người đọc sách ở Việt Nam sẽ ngày càng giảm xuống”- ông Mai Liêm Trực phát biểu.

Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (gọi tắt là Cục Xuất bản), trong giai đoạn từ năm 2014-2019, tỷ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do dịch bệnh, con số này giảm xuống 4,13 đầu sách/người. Như vậy sau 7 năm, tỷ lệ đọc của người Việt chỉ tăng vỏn vẹn 12%. Hơn 400 triệu bản sách phát hành đã có hơn 300 triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân Việt Nam, phần sách phổ thông có lẽ chỉ 1 đầu sách/người. Chỉ số này nói lên rằng sức đọc của người Việt rất thấp.

Trong Top 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, không có Việt Nam. Theo ý kiến của nhiều người  làm trong lĩnh vực văn hoá, xuất bản, tỷ lệ đọc của một số quốc gia Đông Nam Á cao vì có chính sách phát triển thói quen đọc. Ở Malaysia, học sinh tiểu học luôn đọc sách 15 phút trước khi vào giờ học. Tại Hàn Quốc, cha mẹ đọc sách cùng con ít nhất 3 ngày/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Ở Thái Lan, một khảo sát trên 55.000 người chỉ ra thời gian đọc trung bình ở các độ tuổi lần lượt là 71 phút/tuần với trẻ em, 94 phút/tuần với thanh niên, 61 phút/tuần với người lao động... Cập nhật mới nhất, tỷ lệ đọc của người Malaysia đã lên đến 17 đầu sách/năm.

Năm 2017, doanh thu sách chia theo đầu người của người Việt đạt 2 USD/người/năm (hơn 45 ngàn đồng). Doanh thu của Malaysia hơn 4,64 lần dù dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam. Doanh thu của Thái Lan hơn 5,33 lần với dân số chỉ hơn 1/2 Việt Nam. Doanh thu của Hàn Quốc hơn 52 lần với dân số bằng 1/2 Việt Nam.

Kho sách Trường THPT Nguyễn Chí Thanh phục vụ học sinh.

SÁCH TÔN VINH, SÁCH CẢI TẠO CON NGƯỜI

Trong một lần trò chuyện với báo giới, ông Lê Doãn Hợp- nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có nói, đọc báo có thể giúp chúng ta làm giàu tốt hơn, tạp chí có thể giúp làm nghề giỏi hơn nhưng chỉ có sách mới đủ khả năng giúp chúng ta trở thành người tốt hơn. “Ai chăm đọc sách thì sách vừa tôn vinh, vừa cải tạo chính họ”.

Theo ông, những người ít đọc sách, chắc chắn là người bảo thủ nhất. Ngược lại, những ai tân tiến, thông minh nhất cũng chính là người đọc sách nhiều nhất.  “Một cô gái đẹp có thể làm cho chúng ta vui lòng nhưng chỉ có một cô gái thông minh mới cho ta niềm tin cậy. Muốn được mọi người tin cậy thì phải thông minh, muốn thông minh thì phải đọc sách. Tôi mong mọi người đọc sách để trở thành người thông minh.

Đó chính là cách đóng góp tốt cho đất nước và cũng là cách cải tạo mình tốt nhất”. Ông Lê Doãn Hợp dẫn lại ý kiến của Tổng Giám đốc Google từng nói: “Toàn bộ sự nghiệp của Google chẳng qua chỉ làm một việc duy nhất là tập hợp ánh sáng văn minh của loài người rồi đưa đến độc giả một cách nhanh nhất”. Ánh sáng văn minh ấy không gì khác chính là tri thứ mà tri thức lại thường được đúc rút từ những cuốn sách.

Về giáo dục và đọc sách trong nhà trường, ông Lê Doãn Hợp bình luận, giáo dục ở thế kỷ 21 có rất nhiều điểm khác biệt với thế kỷ 20. Nếu thế kỷ 20, người ta quen với cách học thụ động thì thế kỷ 21 là học chủ động, học để tìm và tạo ra việc làm.

Thời phong kiến, sĩ tử học để làm quan thì thế kỷ 21, chúng ta học để làm giàu. Con đường học làm quan rất chông gai vì số lượng mũ áo chỉ có hạn, trong khi đó, con đường học làm giàu lại rất rộng mở bởi không ai giới hạn số lượng người giàu.

Thế kỷ cũ, học sinh học theo cách lắng nghe, vâng lời, còn ở thế kỷ mới, học sinh cần được trang bị kỹ năng, khả năng phản biện. Muốn có được tất cả những tâm thế chủ động, phản biện và hướng đến việc làm giàu… một trong những nền tảng quan trọng nhất là phải có tri thức, mà tri thức hầu hết sẽ bắt nguồn từ việc đọc sách.

NGÀY SÁCH VÀ VĂN HOÁ ĐỌC VIỆT NAM

Để phát triển văn hoá đọc, Điều 30 Luật Thư viện năm 2019 quy định, ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Phát triển văn hoá đọc thông qua các hoạt động sau: tổ chức hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức trong phạm vi cả nước; hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc, khai thác tài nguyên thông tin cho trẻ em tại thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông; phát triển kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin, mở rộng tri thức cho người sử dụng thư viện; đẩy mạnh liên thông giữa thư viện công cộng với thư viện khác trên địa bàn; truy cập và khai thác thông tin, tri thức từ thư viện số dùng chung thông qua thiết bị điện tử; sử dụng dịch vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin.

Phát triển thư viện số, Điều 31 Luật Thư viện quy định, xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hoá tài liệu của thư viện. Xử lý, lưu giữ, bảo quản tài nguyên thông tin số phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện. Sử dụng phần mềm tiên tiến trong quản trị thư viện số, thiết kế giao diện thông minh; bảo đảm tính mở, liên thông trong tra cứu, khai thác và chuyển đổi dữ liệu giữa các hệ thống lưu trữ dữ liệu; hỗ trợ cấp quyền truy cập, khai thác tài nguyên thông tin số cho người sử dụng thư viện. Cung cấp quyền truy cập tài nguyên thông tin số và các dạng khác.

“Đọc báo có thể giúp chúng ta làm giàu tốt hơn, tạp chí có thể giúp làm nghề giỏi hơn nhưng chỉ có sách mới đủ khả năng giúp chúng ta trở thành người tốt hơn”.

Ông Lê Doãn Hợp-nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Việt Đông

Tin liên quan
  • Bài 1: Không nhiều người đọc sách

    Bài 1: Không nhiều người đọc sách

    Văn hoá đọc, nói nôm na, là thói quen đọc sách trong đời sống hiện nay như thế nào, những mục tiêu trong quyết định của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh sẽ thực hiện được tới đâu?

  • Bài 2: Ðọc sách trực tuyến 

    Bài 2: Ðọc sách trực tuyến

    Việc tăng cường luân chuyển sách, báo và tổ chức phục vụ lưu động tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới được quan tâm, góp phần triển khai thực hiện đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng tại địa phương có hiệu quả.