Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại
Bài 3: “Một quân đội hiện đại chưa đủ để đánh bại một dân tộc”
Thứ hai: 08:50 ngày 20/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một trong những bài học của trận Điện Biên Phủ là: một quân đội hiện đại chưa đủ để đánh bại một dân tộc.

Trước lời thách đấu từ tướng Pháp, quân dân Việt Nam dồn toàn lực lượng cho chiến dịch. Tại hội nghị chiến dịch ngày 22.2.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu vấn đề vì sao phải đánh chắc tiến chắc. Quyết định lịch sử thay đổi phương châm tác chiến đã làm nên trận đánh rung chuyển thế giới lúc bấy giờ.

Cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries.

Thay đổi có tính chiến lược

“Trước đây, khi địch còn tương đối sơ hở thì có thể đặt vấn đề đánh nhanh tiến nhanh. Nhưng với tình hình địch hiện nay, chỉ có đánh chắc tiến chắc mới giành thắng lợi. Đánh nhanh không những không chắc thắng mà lại hoá chậm hơn. Đánh chắc, tiến chắc thì có lợi như thế nào? Một, đánh từng bước thì đảm bảo chắc thắng. Hai, ta giữ chủ động. Ba, ta khoét sâu nhược điểm lớn nhất của địch về vấn đề tiếp tế vận tải. Bốn, hợp với trình độ bộ đội ta. Vì vậy, để đánh thắng trận này, chỉ có một phương châm là đánh chắc tiến chắc”. Khi phương châm đánh chắc tiến chắc được thống nhất ban hành, “tất cả anh em hoang mang, đặt câu hỏi tại sao vừa kéo pháo vào giờ lại kéo ra? Anh em hết hơi hết sức, vừa đói vừa rét, hai hố mắt thâm quầng, rất thương anh em. Nhưng tất cả chấp hành mệnh lệnh kéo pháo ra” - ông Phạm Đức Cư kể. “Kế hoạch ban đầu của Việt Minh là tiến công mạnh, nhanh. Nhưng cách này sẽ không thành công vì (Việt Minh) không đủ đạn. Tổ chức phòng ngự của Pháp khi đó rất mạnh. Đánh kiểu xông vào trận địa cố thủ như thế sẽ gặp thất bại. Tướng Giáp đã làm tốt hơn trong kế hoạch này, vì không thể đánh nhanh được. Thực tế chiến trường cho thấy, thay đổi chiến lược là một quyết định đúng, nghĩa là phải rất chắc chắn. Quyết định thay đổi cách đánh có thể ảnh hưởng tâm lý bộ đội Việt Minh nhưng chuẩn bị càng kỹ càng tốt để đạt mục tiêu giành thắng lợi” - Tiến sĩ Ivan cadeau, làm việc tại Bộ Quốc phòng Pháp phát biểu.

“Chúng ta chia cắt đường hàng không của Pháp bằng cách đào chiến hào cắt ngang đường băng sân bay Mường Thanh. Các khẩu pháo của ta nhắm thẳng vào sân bay này. Quân Pháp, vì máy bay không thể hạ cánh, buộc phải thả dù. Máy bay bay cao, thả dù không chính xác. Còn nếu bay thấp, lại bị pháo cao xạ bắn. Họ cũng không ngờ rằng, chúng ta có thể vận chuyển được khối lượng lương thực, hậu cần để đánh hàng tháng trời tại một nơi xa xôi như thế” - PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà phân tích.

Tại cuộc điều trần ngày 16.6.1955, chính Tướng De Castries thừa nhận, sau khi cứ điểm Him Lam và Độc Lập thất thủ, tinh thần binh sĩ Pháp sa sút nghiêm trọng nhưng đã được vực dậy từ những điểm tiếp viện đầu tiên bởi không quân. Nhưng ngay sau đó, tinh thần của sĩ quan, binh lính Pháp suy giảm trở lại khi họ nhận ra rằng, máy bay không tiếp tế được nữa. “Muốn giải vây cho Điện Biên Phủ, ta có thể tính triển khai bằng đường bộ hoặc đường không. Hành động bằng đường không đòi hỏi những phương tiện vượt quá khả năng của ta. Tướng Ely lúc ấy đang có công vụ ở Washington những ngày đầu tháng 4 đã hỏi ý kiến về việc này và tôi trả lời, sự can thiệp ồ ạt của không quân Mỹ có thể cứu nguy cho Điện Biên Phủ” - trích hồi ký của Tướng Navarre. Nước Pháp hy vọng sự hỗ trợ từ Mỹ nhưng mọi đề nghị của Pháp đều bị Mỹ từ chối. Nước Mỹ ra điều kiện, họ chỉ hỗ trợ Pháp nếu có sự tham dự của đồng minh Anh, song London kịch liệt từ chối kịch bản này.

Cuối năm 1963, báo Le Figaro của Pháp đăng loạt bài dài kỳ về hồi ký của cựu Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, ông viết: “Chúng tôi đã có thể hỗ trợ người Pháp những cuộc tấn công bằng máy bay trên những vị trí của cộng sản tại Điện Biên Phủ. Nhưng tôi đã rất nghi ngờ về hiệu quả của cuộc tấn công bằng máy bay chống lại Việt Minh được triển khai trên bộ, nơi Việt Minh không thiếu chỗ ẩn nấp. Với tôi, cuộc can thiệp này có nguy cơ thua cuộc. Lực lượng trên không có thể là cứu cánh tạm thời cho tinh thần của quân đội Pháp nhưng tôi không đồng ý với ý định sử dụng lính Mỹ trong điều kiện hạn chế này, nơi mà sự can thiệp của chúng tôi không có tính quyết định chiến thắng”.

Bộ phim cung cấp những thông tin rất mới đối với hầu hết công chúng, trong đó có chi tiết, trong tình thế ngày càng tuyệt vọng, Navarre- vị tướng lừng lẫy của nước Pháp đã làm liều khi tăng viện hơn 1.700 quân nhảy dù nhưng khoảng 800 người trong số đó chưa hề được huấn luyện kỹ thuật nhảy dù. Để nhảy dù an toàn, ban đêm máy bay phải hạ độ cao cách mặt đất chỉ 200 mét nhưng vì sợ pháo cao xạ của Việt Minh, phi công Pháp thả dù từ độ cao 600 - 700 mét. Kết quả, lính nhảy dù bị gió thổi và tiếp đất đúng vào nơi Việt Minh đang chờ sẵn. “Điện Biên Phủ là một thảm hoạ. Hơn cả một thất bại. Sau 1945, chính phủ Pháp muốn giành lại Đông Dương từ người Nhật. Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra cánh cửa cho hoà bình” - hai vị giáo sư người Pháp phát biểu với đoàn làm phim.

“Tình hữu nghị sâu hơn thù hận”

Chiến thắng Điện Biên Phủ khiến sử gia, chính khách, chuyên gia quân sự phương Tây thừa nhận, “dù có số lượng lớn máy bay cũng không đủ để ngăn chặn lính bộ binh da vàng đang chiến đấu rất kiên cường”. “Việt Minh có một lòng tin, sự năng động mạnh mẽ, một sự thống nhất hành động giữa chỉ đạo chiến lược và chỉ đạo chiến dịch. Còn giữa chúng ta là một liên minh cấp quốc gia có quyền lợi khác nhau, nếu không phải là trái ngược nhau. Phía Việt Minh là cuộc chiến tranh được dân chúng tham gia một cách toàn diện, phía chúng ta là một cuộc chiến tiến hành nửa vời. Người ta thậm chí không buồn nói vì sao người lính của chúng ta phải chiến đấu. Phía Việt Minh là một quân đội cơ động, linh hoạt. Phía chúng ta, tuy mạnh hơn nhưng phải trả giá nặng nề bởi sự cồng kềnh và thiếu thích nghi với đất nước và con người ở xứ sở này. Chúng ta luôn đánh giá thấp Việt Minh cả về chính trị lẫn quân sự. Uy tín, ảnh hưởng của họ đối với dân chúng, trình độ của họ… tất cả đều cao hơn so với những gì chúng ta nghĩ” - trích hồi ký Tướng Navarre. Đoàn làm phim đã dày công khi tìm gặp một cựu chiến binh người Pháp từng tham gia trận Điện Biên Phủ. Người cựu binh này còn giữ được chiếc ba lô do quân đội Việt Minh phát trước khi về nước. Người lính già này kể, sau khi bị bắt, ông trúng cơn sốt rét tưởng chết nhưng một người lính Việt Minh đã cứu sống ông bằng cách tiêm một liều thuốc chống lại căn bệnh này. “Lúc dẫn giải tù binh, tôi thật may mắn khi được người lính ấy đi kèm. Khi anh ấy được phát một viên đường, anh ấy chia cho tôi một nửa, những gì có, anh đều chia cho tôi” - người lính từng tham chiến tại Điện Biên Phủ kể.

“Nếu có ai hỏi tôi, mười sự kiện lớn nhất thế kỷ 20 là gì, tôi sẽ nói rằng chắc chắn là Điện Biên Phủ. Một trong những bài học của trận Điện Biên Phủ là: một quân đội hiện đại chưa đủ để đánh bại một dân tộc” - nhà sử học người Pháp, GS. Alain Ruscio bày tỏ quan điểm.

Phần cuối của bộ phim, nhóm phóng viên VTV4 rất có nghề khi quay cảnh trong một tiết học tại Pháp về lịch sử Đông Dương, giáo viên cho học sinh xem một đoạn video Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói tiếng Pháp với thầy trò người Pháp, trích nguyên văn: “Tất cả mọi người đồng tâm hiệp lực, chiến đấu cho hoà bình và cho chủ quyền thật sự của mỗi quốc gia”. Bà Trần Tố Nga, một nạn nhân chất độc màu da cam hiện sống tại Pháp phát biểu trong phim rằng, tình hữu nghị bao giờ cũng sâu hơn thù hận. Năm 1999, nhiều cựu binh Pháp tham gia trận Điện Biên Phủ đã trở lại nơi này. Khi về Pháp, mỗi người trong đoàn mang theo một nắm đất Điện Biên. Nhiều tướng lĩnh Pháp từng chỉ huy trận thư hùng tại Điện Biên Phủ đã trở lại Việt Nam. Mới đây nhất, Bộ trưởng Quân đội Pháp cũng tham dự sự kiện 70 năm Điện Biên Phủ. Oán thù, rõ ràng nên cởi, không nên buộc.

Ngày 12.11.1993, Trung tá Naval Air College (quân đội Pháp) công bố tiểu luận có tên gọi “General Vo Nguyen Giap: Operational Genius or Lucky Amateur” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thiên tài quân sự hay Tài tử may mắn). Tác giả khẳng định, Võ Nguyên Giáp là một tấm gương xuất sắc về nghệ thuật tác chiến. Thành công của ông không phải do may mắn. Đó là sự kiên nhẫn áp dụng các nguyên tắc quân sự cơ bản trong một môi trường độc đáo. Tác giả viết, “hiểu nghệ thuật tác chiến là một kỹ năng quan trọng của sĩ quan quân đội đương thời và Tướng Giáp đã có những đóng góp sâu sắc cho nghệ thuật quân sự. Nhờ việc vận dụng sáng tạo các học thuyết quân sự trên thế giới, Tướng Giáp đã hình thành một khái niệm chiến tranh nhân dân độc đáo, nắm bắt được bản chất của bộ ba quân đội, chính phủ, nhân dân và thúc đẩy một kỷ nguyên của tư duy hoạt động đổi mới, đặc biệt được áp dụng cho chiến tranh nổi dậy. Các chiến dịch của ông trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất cung cấp những ví dụ đáng giá về nghệ thuật tác chiến trong các cuộc kháng chiến”.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục