Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng qua cuốn sách của Tổng Bí thư
Bài 3: Tác phẩm và dư luận
Thứ bảy: 06:31 ngày 06/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nói hơn 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam luôn triển khai trên hai mặt: Xây dựng chính sách và triển khai thực thi.

Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sau khi ra đời, một số cá nhân cả trong và ngoài nước do thiếu thiện chí với chế độ, họ xuyên tạc, suy diễn theo chủ quan của mình với cái nhìn đầy định kiến, thiên kiến.

Họ quy chụp cuốn sách “nhằm đánh bóng tên tuổi của Tổng Bí thư”, vì “tác phẩm không hề có ý nghĩa gì ngoài việc mang tính mị hoặc quần chúng nhân dân”; “phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức” và “sẽ là một thất bại trong quản trị quốc gia, khi pháp luật được đứng sau các quan điểm chưa được kiểm chứng của một cá nhân” hay đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam không thể thành công… Thực tế chứng minh, điều họ nói là cố chấp, vì biết sai nhưng không sửa, không tôn trọng sự thật.

Vàng không sợ lửa

Cuốn sách của Tổng Bí thư nói riêng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm ngọn cờ đầu nói chung đã, đang và sẽ tiếp tục đón nhận sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, không chỉ giới tinh hoa mà cả người dân thường.

Nhà báo Nhị Lê đánh giá về công cuộc phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư khởi xướng, như sau: “Việc Tổng Bí thư gióng hồi trống chống tham nhũng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân. Đúng như Tổng Bí thư đã nói, đánh trống thì phải từng tiếng một, rành rọt, đánh đâu chắc đấy. Lòng dân thì mong muốn là vậy, nhưng người cầm dùi phải hết sức thận trọng.

Tuỳ thuộc vào vụ việc cụ thể, hoàn cảnh cụ thể mà đánh trống trận hay trống ngũ liên vỡ đê. Đối với việc chống tham nhũng, tiêu cực thì càng phải thận trọng. Thận trọng để đúng người, đúng tội. Tổng Bí thư đã gióng trống rồi.

Chúng ta phải đánh trống tiếp. Nếu chúng ta bỏ dùi thì pháp luật sẽ bị nhờn. Chính quyền bị giỡn mặt. Lòng dân sẽ ly tán. Mà muốn đánh trống rồi không bỏ dùi thì công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ càng, lực lượng phải đầy đủ, làm đến nơi đến chốn”.

“Tôi rất thấm thía và tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Khi quần chúng và toàn Đảng đã lên án, tất cả mọi người đều vào cuộc thì bất kỳ ai có khuất tất gì cũng phải được làm sáng tỏ.

Người ta thường nói “cờ ngoài, bài trong”, tức là người trong cuộc, người đương chức, đương quyền phải là người nhen nhóm, đốt lên và làm bùng cháy ngọn lửa đó. Dân và Đảng ủng hộ, báo chí vào cuộc, quan trọng người cầm cờ phải là người đốt bó đuốc đó”- ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, phát biểu năm 2017.

“Tôi hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của ngài trên cương vị Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải quyết nạn tham nhũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoà bình và an ninh trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới”- Joe Biden, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, in trong sách “Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

“Tham nhũng có thể làm chệch hướng phát triển bền vững. Các quốc gia không đề phòng sẽ đi vào vòng xoáy của nó. Nhận thấy những nguy cơ phát sinh từ tệ nạn này, Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp chống tham nhũng một cách có hệ thống và bền vững để giải quyết vấn đề này.

Kể từ khi áp dụng chính sách mở cửa vào giữa những năm 1980, Việt Nam chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, đất nước đã có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt người đứng đầu Đảng Cộng sản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận thức được các vấn đề phát sinh từ tham nhũng.

Những nỗ lực của họ đã cải thiện đáng kể chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Việt Nam kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng vào năm 2012. Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đã nhận được sự chú ý của quốc tế”- Hãng thông tấn Bloomberg (Mỹ), tháng 6.2022.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn là người đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tôi cho rằng những lời kêu gọi chống tham nhũng gửi tới người dân của ông đã tạo sự kết nối giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và người dân trong cuộc chiến này. Và đó là điều rất quan trọng...

Có thể nói hơn 10 năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng của Việt Nam luôn triển khai trên hai mặt: Xây dựng chính sách và triển khai thực thi. Dù là chính sách hay thực thi thì cuộc chiến chống tham nhũng đã tạo nên không khí xây dựng lòng tin không chỉ ở người dân trong nước mà cả những nhà đầu tư nước ngoài đang đến đầu tư vào Việt Nam... Minh bạch là nền tảng cơ bản, là cơ sở để các nước làm ăn với Việt Nam.

Việt Nam đang đối thoại để tham gia khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong khuôn khổ này thì minh bạch và chống tham nhũng là một trong bốn trụ cột. Việt Nam đã mạnh dạn đi lên, bắt tay với các nước để cam kết thực hiện vấn đề này...

Tôi cho rằng thành quả chống tham nhũng những năm qua ở Việt Nam là đáng để tự hào”- TS Vijay Sakhuja, Đại học Rashtriya Raksha (Ấn Độ) dẫn theo phim tài liệu “Chống giặc nội xâm và góc nhìn quốc tế” của VTV.

Còn nhiều ý kiến đánh giá cao công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Song, vì khuôn khổ bài báo không cho phép, chỉ xin trích dẫn một số ý kiến để chứng minh rằng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực nói chung, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” nói riêng đón nhận sự ủng hộ to lớn của dư luận trong nước và quốc tế, kể cả người đứng đầu cường quốc số một thế giới: Tổng thống Hoa Kỳ.

Phổ biến rộng rãi

Ngày 14.4.2023, Tỉnh uỷ Tây Ninh ban hành văn bản hướng dẫn “Triển khai đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng về tác phẩm của Tổng Bí thư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực”. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, tổ chức đợt học tập, sinh hoạt chính trị tư tưởng sâu rộng, nghiêm túc, thường xuyên và liên tục trong cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cấp cơ sở, đội ngũ cán bộ, đảng viên, tập trung cao điểm vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.

Thông qua sinh hoạt hằng tháng, sinh hoạt chuyên đề của chi bộ và các hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả khác giới thiệu về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việc làm này gắn với đợt sinh hoạt chính trị về công tác xây dựng, chính đốn Đảng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất về ý chí, hành động trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về những nội dung cốt lõi, giá trị của tác phẩm, bảo đảm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng, thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, chỉ đạo chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót, biểu hiện hình thức, qua loa trong quá trình triển khai; kịp thời ghi nhận, báo cáo về Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tình hình dư luận xã hội về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những đánh giá của cán bộ, đảng viên, nhân dân xung quanh tác phẩm.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò, hiệu quả các ứng dụng nền tảng mạng xã hội… Khuyến khích, tạo điều kiện để hội viên, văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên, người làm báo tích cực sáng tác, biểu diễn tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí; sản xuất phim tài liệu, phim ngắn... về nội dung, giá trị tác phẩm và kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị Việt Nam, gắn với thực tiễn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Chỉ đạo đưa nội dung tác phẩm tích hợp vào môn Giáo dục công dân, chương trình giáo dục trong trường phổ thông, cao đẳng, trường nghề; giáo trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên theo hướng dẫn của Trung ương.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong việc đăng tải, phổ biến thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc về tác phẩm và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là trên không gian mạng.

Ban Dân vận Tỉnh uỷ, các Đảng đoàn: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phát huy vai trò, chỉ đạo tổ chức tăng cường và đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các diễn đàn, hội thảo, toạ đàm, các cuộc thi, triển lãm văn hoá, nghệ thuật... phù hợp với cơ quan, đơn vị để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, thế hệ trẻ về nội dung tác phẩm. Qua đó, bồi đắp lý tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, chống các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Việt Đông

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục