Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội
Bài 3: “Thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội”
Thứ hai: 00:16 ngày 01/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những thành tựu trong phát triển kinh tế giúp con người có điều kiện hơn để phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức, nghề nghiệp, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tiếp tục thực hiện “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”, và coi đó “là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, ngày càng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đang được Đảng, nhân dân đồng thuận xây dựng.

Văn kiện Đại hội IX của Đảng khẳng định: “Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Đảng ta chủ trương giải quyết tốt các vấn đề xã hội, coi đây là một hướng chiến lược thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta”. Văn kiện chỉ rõ: Thực hiện các chính sách xã hội hướng vào phát triển và lành mạnh hoá xã hội, thực hiện công bằng trong phân phối, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã hội, khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp. Giải quyết việc làm là một chính sách xã hội cơ bản.

Đại hội X của Đảng đã nhấn mạnh “kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển… Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc”. Đại hội X thông qua nhiều quyết sách quan trọng, mở đường cho sự nghiệp đổi mới tiếp tục đi lên.

Xuất phát từ chính sách của Ðảng phát triển lực lượng sản xuất, động viên mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế vào việc xây dựng một nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh", từ quan điểm không xem kinh tế tư nhân là gắn với chủ nghĩa tư bản, mà lãnh đạo kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội khẳng định: “Mọi công dân có quyền tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh với quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh được pháp luật bảo hộ”.

Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ Đảng và quy định của Ban Chấp hành Trung ương. “Xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”.

Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của đất nước, được thảo luận kỹ qua nhiều đại hội và hội nghị Trung ương, thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng. Nghị quyết Trung ương 5, khoá X chỉ rõ: “Hệ thống thể chế, pháp luật, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước chưa đủ rõ, còn trùng lặp và chưa bao quát hết các lĩnh vực quản lý nhà nước; cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chưa phù hợp. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng kịp yêu cầu; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Thể chế, luật pháp về quản lý tài chính công tuy có nhiều đổi mới, nhưng còn bất cập.

Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, gây phiền hà cho tổ chức và công dân; kỷ luật, kỷ cương cán bộ, công chức chưa nghiêm, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém”. Đại hội XI, quan điểm của Đảng ta về mối quan hệ giữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế được thể hiện một cách toàn diện trong Cương lĩnh Xây dựng đất nước: "Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hoà đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội...”.

Để thực hiện tốt mục tiêu công bằng trong các chính sách xã hội, Đảng ta nhấn mạnh chính sách xã hội phải phù hợp với từng đối tượng, từng giai cấp, tầng lớp trong xã hội: “Tạo môi trường và điều kiện để mọi lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn.

Có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực để phát triển; điều tiết hợp lý thu nhập trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”.

Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”. Đến Đại hội XII, quan điểm về chính sách xã hội phù hợp với các giai cấp, tầng lớp và cộng đồng dân cư được nhấn mạnh và nhận thức sâu sắc hơn: “Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột xã hội… quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hoá giàu - nghèo, bảo đảm sự phát triển xã hội ổn định và bền vững... Kịp thời kiểm soát và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội…”.

Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ”. Đại hội xác định định hướng phát triển tiếp tục nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ lớn “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”. 

Như vậy, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, cùng với những chính sách nhân văn, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm thoả mãn nhu cầu sống, lao động, cống hiến và thụ hưởng của mỗi người và mọi người dân là mục tiêu phấn đấu, là tính chất của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, nhân dân ta chủ trương và đang tiến hành xây dựng.

Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, Đảng ta đánh giá: “Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam… có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi bật”.

Những thành tựu trong phát triển kinh tế giúp con người có điều kiện hơn để phát triển về thể chất, trí tuệ, đạo đức, nghề nghiệp, có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, việc thực hiện tiến bộ xã hội vẫn còn những hạn chế, như tình trạng phân hoá giàu nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cao, giảm nghèo chưa bền vững, bất bình đẳng trong thu nhập, chênh lệch mức sống ngày càng tăng, không ít giá trị văn hoá, đạo đức bị mai một, xuống cấp…

Để khắc phục những hạn chế, bất cập đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tiếp tục thực hiện “gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước đi, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”, và coi đó “là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, ngày càng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa đang được Đảng, nhân dân đồng thuận xây dựng.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục