Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chiến thắng Tua Hai mở đầu cho phong trào Đồng khởi vũ trang trên toàn miền Nam, tạo bước chuyển, đưa cách mạng miền Nam bước vào giai đoạn đấu tranh chính trị, binh vận kết hợp với đấu tranh vũ trang giải phóng toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng này cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân Tây Ninh, miền Đông Nam bộ và cả miền Nam vùng lên mạnh mẽ, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh chính trị có vũ trang hỗ trợ.

Nhân dân xem chiến lợi phẩm thu được trong trận đánh Tua Hai ngày 26.1.1960. Ảnh tư liệu
“Nổi dậy phố phường, nổi dậy nông thôn”
Chiến thắng Tua Hai là tiếng kèn báo hiệu cho cuộc nổi dậy đồng loạt của quân dân Tây Ninh nói riêng, của các tỉnh miền Đông Nam bộ và Nam bộ nói chung. Ở Tây Ninh, chỉ trong hai tháng, từ tháng 2 đến tháng 4.1960, bằng mọi hình thức, biện pháp sáng tạo và linh hoạt, quân dân Tây Ninh đã tiêu diệt, bức rút đồn bót ở các xã. Tại tổng Hoà Ninh, phía tả ngạn xã Thanh Điền, Phum Soài (nay là xã Ninh Điền), Long Chữ hoàn toàn giải phóng, còn ba xã có đồn lớn cấp trung đội chưa giải quyết được là Thái Bình, Trí Bình và Thanh Điền. Ở các xã Phan, Suối Đá, Lộc Ninh, Cầu Khởi chạy dài xuống Truông Mít, Bàu Đồn, Đôn Thuận, Lộc Hưng, Phước Thạnh, Gia Lộc, An Tịnh, An Hoà, Gia Bình, Thanh Phước, Hiệp Thạnh… bộ máy kìm kẹp của địch bị triệt hạ hoàn toàn. Trên các trục lộ chiến lược số 1 và 22, ở các đoạn đường cống Biện Sen, Rỗng Tượng, Gò Chùa, Trà Võ… từng lúc bị cắt đứt. Trước sức tấn công và nổi dậy của nhân dân trong tỉnh, địch vô cùng hoảng hốt, chống đỡ yếu ớt. Binh lính trong một số đồn bót vùng hẻo lánh như Cần Đăng, Mỏ Công, Trại Bí, Tam Hạp… bỏ chạy. Đến tháng 7.1960, quân và dân trong toàn tỉnh đã nổi dậy giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh, diệt và làm tan rã hầu hết tề xã, ấp và trên 70% lực lượng bảo an, dân vệ. Đến cuối năm 1960, trên phân nửa đồn bót địch trong tỉnh bị bức hàng, bức rút. Các khu trù mật ở Bời Lời, Truông Mít, Giồng Nần, Bổ Túc, Mỏ Công… đều bị quân dân Tây Ninh triệt phá. Vùng căn cứ kháng chiến được mở rộng, hình thành thế liên hoàn từ Lò Gò, Thiện Ngôn, Kà Tum, Bổ Túc, Cần Đăng, Hảo Đước, Ninh Điền xuống tới các xã Long Chữ, Long Giang, Lợi Thuận của huyện Bến Cầu; Phan, Suối Đá, Lộc Ninh, Truông Mít của huyện Dương Minh Châu; Phước Thạnh, Hiệp Thạnh, Thanh Phước của huyện Gò Dầu; Đôn Thuận, Lộc Hưng, Gia Lộc của huyện Trảng Bàng. Vùng căn cứ liên hoàn này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hành lang chiến lược qua tỉnh Bình Long, Phước Long, Chiến khu Đ, xuống Long An về đồng bằng sông Cửu Long.
Kết quả của một năm tiến công và đồng loạt nổi dậy, đặc biệt là thành quả to lớn trong trận khai màn chiến thắng Tua Hai, với số vũ khí thu được trong trận đánh này và sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng chiến đấu, các đơn vị vũ trang cách mạng được hình thành. Trong các vùng giải phóng, nhân dân đứng ra thành lập chính quyền tự quản, tổ chức tăng gia sản xuất để phục vụ kháng chiến và giải quyết đời sống, vận động thanh niên lên đường tham gia lực lượng vũ trang. Chiến thắng Tua Hai không chỉ trực tiếp tháo ngòi nổ cho phong trào đồng khởi của quân và dân Tây Ninh mà còn là “đòn bẩy” kích thích, động viên, cổ vũ mạnh mẽ quân dân các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Tây Nam bộ vùng lên dùng bạo lực vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền ở xã, ấp. Tại Long An, tỉnh nằm rất gần Tây Ninh, liền kề với Sài Gòn - Gia Định, địch luôn thực hiện chính sách kìm kẹp gắt gao. Chiến thắng Tua Hai đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần binh lính địch ở tỉnh này. Nguỵ quân, nguỵ quyền Long An lo sợ co cụm lại, tạo điều kiện cho nhân dân các huyện Đức Hoà, Đức Huệ, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Giuộc, Châu Thành, Thủ Thừa... đồng loạt nổi dậy, giải phóng hoàn toàn 12 xã, phá lỏng kìm kẹp 67 xã, vươn lên làm chủ xã, ấp ở những mức độ khác nhau. Cùng với Tây Ninh, Long An, nhân dân Thủ Dầu Một (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu vùng lên giải phóng hơn 30 xã, phá lỏng thế kìm kẹp nhiều xã khác. Đồng khởi Tua Hai còn là nhân tố quan trọng góp phần củng cố thắng lợi của phong trào đồng khởi đợt một của tỉnh Bến Tre, đồng thời kích thích mạnh mẽ phong trào của các tỉnh miền Tây - đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 14.9.1960, đồng loạt các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang đứng lên đồng khởi. Tiếp đó, trong ba ngày, từ ngày 23 đến 25.9, đồng khởi diễn ra ở tỉnh Tiền Giang và đồng khởi đợt hai của tỉnh Bến Tre.
Đội quân tóc dài, lực lượng nòng cốt của phong trào Đồng khởi. Ảnh tư liệu
Đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của cách mạng miền Nam
Chiến thắng Tua Hai khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương chỉ đạo chuyển hướng chiến lược của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chủ động, sáng tạo và nhạy bén của Xứ uỷ Nam bộ và đánh dấu bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng ở Nam bộ, hoàn thiện phương thức đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam. Đây là cơ sở để Đảng ta củng cố đường lối, phương châm đấu tranh cách mạng hai chân, ba mũi, trong đó xác định đấu tranh vũ trang ngày càng quan trọng, có tính chất quyết định cho thắng lợi của công cuộc giải phóng miền Nam. Nghị quyết 15 cũng khẳng định sự hoà hợp, thống nhất giữa ý Đảng - lòng dân trong công cuộc chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng Tua Hai đã mở đầu cho cao trào đồng khởi ở Nam bộ, trước hết là miền Đông Nam bộ. Chiến thắng này là phát súng lệnh cho cao trào đồng khởi của đồng bào và các lực lượng vũ trang cách mạng trên toàn miền Nam, chính thức phát động, cổ vũ cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam của quân dân cả nước. Thắng lợi này đã mở ra thời cơ to lớn, vô cùng thuận lợi cho Tây Ninh và toàn Nam bộ vùng dậy, kết hợp giữa phong trào nổi dậy của quần chúng với tiến công của các lực lượng vũ trang, kết hợp 3 mũi giáp công chính trị, quân sự và binh vận, từng bước làm chủ, giải phóng đất đai, mở rộng và nối liền các vùng căn cứ địa cách mạng. Chiến thắng Tua Hai là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, là thắng lợi của cả một quá trình chuẩn bị mọi mặt, lâu dài, gian khổ của Đảng bộ, quân và dân Tây Ninh nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung. Trận đánh diễn ra vào thời điểm mà nguỵ quyền Sài Gòn tự tin cho rằng cách mạng không thể có đủ tinh thần và lực lượng để tiến hành một cuộc tiến công vũ trang, và càng không thể tiến công vào một cứ điểm quân sự cấp trung đoàn, được trang bị đầy đủ súng ống, phương tiện chiến tranh hiện đại như Tua Hai. Càng không thể tin khi ở thời điểm 1960, giữa lúc phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam đang bị đàn áp, khủng bố đến nghẹt thở, nhưng cùng một lúc Tây Ninh có thể huy động đến 300 người tham gia dân công hoả tuyến cho trận đánh Tua Hai. Để có thể huy động được một lực lượng ngoài sức tưởng tượng đó của kẻ thù là cả một quá trình chuẩn bị tâm huyết, kiên trì, lâu dài, sáng tạo của Tây Ninh và miền Đông Nam bộ. Chiến thắng Tua Hai đánh trúng vào tử huyệt của chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền, làm rúng động cả bộ máy kìm kẹp của địch ở Tây Ninh, tạo thành một phản ứng dây chuyền, lung lay cả hệ thống nguỵ quyền Sài Gòn. Khác với hình thức khởi đầu bằng một cuộc nổi dậy đồng loạt của quần chúng nhân dân trong đồng khởi Bến Tre, đồng khởi Tua Hai là một hình mẫu sáng tạo về phương pháp cách mạng của Xứ uỷ Nam bộ trong phương thức khởi đầu cuộc nổi dậy của quần chúng trên cơ sở kết hợp hỗ trợ đấu tranh của lực lượng vũ trang để chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công. Đó là phương thức khởi đầu bằng một cú đấm quân sự, thúc đẩy phong trào đấu tranh toàn diện trên toàn Nam bộ, trực tiếp là ở Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tây Ninh và miền Đông Nam bộ không có quả đấm Tua Hai hỗ trợ, phong trào nỗi dậy của quần chúng nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn, phong trào đồng khởi bị chậm trễ, có thể dẫn đến tổn thất lớn. Chiến thắng Tua Hai năm 1960 tại Tây Ninh cùng với phong trào Đồng khởi Bến Tre báo hiệu giai đoạn ổn định tạm thời vốn được thực hiện bằng súng đạn, lưỡi lê, máy chém và thủ đoạn chính trị mị dân, lừa bịp của chế độ nguỵ quyền tay sai đã hết, bước đường sụp đổ của chế độ này đã bắt đầu. Chiến thắng Tua Hai mãi là một dấu son chói lọi trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Tây Ninh nói riêng và cả dân tộc ta nói chung.
Tuổi trẻ Tây Ninh hôm nay nói gì chiến công của cha ông trên mảnh đất mình?
VIỆT ĐÔNG - HOÀNG YẾN
(còn tiếp)