BAOTAYNINH.VN trên Google News

Những người không được nhìn thấy đất nước trong ngày ca khúc khải hoàn

Bài 3: Vẫn câu đợi câu chờ… 

Cập nhật ngày: 26/07/2020 - 14:08

BTN - Tháng 3.2011, Báo Tây Ninh có đăng bài “Chuyện một người lính ra đi từ đó không về” viết về trường hợp quân nhân Ngô Văn Thể ở huyện Châu Thành. Theo lời gia đình kể lại, cũng như thông tin trong hồ sơ, một ngày cuối tháng 12.1980, anh thanh niên Ngô Văn Thể nói với cha về ý nguyện đi bộ đội.

Trong số những người lính ra đi không trở về nhưng chưa được làm rõ thân phận, có trường hợp có tên trong danh sách thuộc dạng mất tin, mất tích trong chiến tranh nhưng cũng có trường hợp không hề xuất hiện trong bất kỳ danh sách nào, kể cả trong cuộc tổng điều tra rà soát về việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ. Cho đến thời điểm này, gia đình vẫn chờ đợi thông tin về người thân của mình, dù biết rằng hy vọng không còn nhiều…

VẪN MÃI ĐỢI CHỜ…

Tháng 3.2011, Báo Tây Ninh có đăng bài “Chuyện một người lính ra đi từ đó không về” viết về trường hợp quân nhân Ngô Văn Thể ở huyện Châu Thành. Theo lời gia đình kể lại, cũng như thông tin trong hồ sơ, một ngày cuối tháng 12.1980, anh thanh niên Ngô Văn Thể nói với cha về ý nguyện đi bộ đội. Lúc này mặt trận biên giới Tây Nam vẫn chưa yên tiếng súng. Người cha khuyên con trai cứ từ từ hẵng đi, bởi vì nhà đã có hai người con trai đang trong quân đội.

Nhưng anh Thể vẫn giữ ý định của mình. Khi mới nhập ngũ, Thể được huấn luyện tại một đơn vị có tên là E19 thuộc Tỉnh đội Đồng Nai. Khoảng đầu năm 1981, anh lên đường sang chiến trường Campuchia và được biên chế vào Cục Kỹ thuật, Mặt trận 479 của Sư đoàn 302.  

Quân nhân Ngô Văn Thể.

Khoảng tháng 10.1981, anh Ngô Văn Toàn, anh trai của Thể, sang công tác tại Campuchia. Tại đây, hai anh em tình cờ gặp nhau ở Siem Reap. Họ chia tay ngay trong buổi sáng hôm ấy. Trước khi chia tay, Thể nhờ anh trai đem về biếu mẹ hai khúc vải. Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Chùa Tháp, toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam được rút về nước. Được tin này, cha mẹ của anh Thể nôn nao, họ đếm từng ngày từng giờ để được đón con trai trở về. Nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không thấy! Người mẹ vẫn nuôi hy vọng: Biết đâu sẽ còn một chuyến xe cuối chở bộ đội về và con mình sẽ có mặt trên chuyến xe ấy…

Nhưng đến năm 1990, con trai bà vẫn bặt vô âm tín. Riêng ông Ngô Văn Trần- cha của anh Thể, mặc dù không nói ra nhưng ông linh cảm có điều gì không hay đã đến với con mình. Từ đó trở đi, ông đã hàng chục, thậm chí hàng trăm lần gõ cửa các cơ quan có liên quan để truy tìm tung tích con nhưng không ai biết được thông tin gì về anh Thể.

Tháng 6.2006, Phòng Bảo vệ an ninh của Cục Chính trị Quân khu VII có công văn gửi một số cơ quan có liên quan. Nội dung công văn ghi: qua công tác thẩm tra, rà soát danh sách quân nhân đào ngũ, vượt biên, bị địch bắt và đầu hàng địch tại chiến trường Campuchia từ năm 1979 - 1989 không có tên của quân nhân Ngô Văn Thể. Như vậy, khả năng anh Thể “theo địch” đã được loại trừ.

Tháng 1.2010, gia đình anh Thể đã gửi đơn đến Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đề nghị tiếp tục giúp đỡ để làm sáng tỏ số phận của anh Thể. Lá đơn này được gửi đến Chính uỷ Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Tháng 7.2010, Phòng Chính sách Quân khu 7 có văn bản trả lời ông Ngô Văn Toàn (anh trai của anh Thể). Theo đó, quân nhân Ngô Văn Thể tạm thời chưa được công nhận là liệt sĩ, bởi còn thiếu quá nhiều điều kiện, trong đó quan trọng nhất là không có giấy báo tử. Hiện tại, trường hợp của quân nhân Ngô Văn Thể được xem là mất tin, mất tích.  Tại thời điểm đó, các cơ quan chức năng chỉ ghi nhận được trước khi mất tin, mất tích, anh Thể là người của Cục Kỹ thuật, Mặt trận 479 thuộc Sư đoàn 302.

Trường hợp Ngô Văn Thể có một nhân chứng- ông Bùi Văn Nhân ở thị trấn Châu Thành. Theo người này, trong thời gian chiến đấu ở Campuchia, đơn vị của ông và đơn vị của anh Thể đóng quân chỉ cách nhau khoảng bảy trăm mét. Ông Nhân ở Cục Hậu cần, anh Thể ở Cục Kỹ thuật. Ở gần nhau được khoảng 3 tháng, sau đó ông Nhân được điều chuyển từ đơn vị Hậu cần sang bộ phận Tham mưu và đóng quân ở cạnh quần thể đền Angkor. Tháng 6.1983, trong một trận đánh, ông Nhân bị thương và được đưa về nước chữa trị. Kể từ đó, hai người hoàn toàn mất liên lạc với nhau.  Đến nay, theo thông tin được biết, gia đình, người thân của Ngô Văn Thể vẫn đang chờ…

NHƯ KHÔNG HỀ TỒN TẠI

Tháng 5.2014, Báo Tây Ninh đăng bài “Người lính ấy bây giờ ở đâu?” đề cập đến một người có tên là Phạm Văn Sum (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Tại thời điểm đó, ông Phạm Văn Cò, anh trai Phạm Văn Sum kể rằng, khoảng năm 1976 hoặc 1977, em trai ông lên đường nhập ngũ. Lúc ấy gia đình ông Cò có ra UBND xã Tân Hưng để đưa tiễn. Gia đình ông chỉ được biết rằng anh Sum đi đánh giặc ở biên giới, còn cụ thể ở đâu thì không rõ. Sau khi vào quân đội được một thời gian, anh Sum có về thăm gia đình được một lần, lúc này người nhà mới biết anh đóng quân tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Trong trí nhớ của ông Cò, hình như anh Sum được biên chế trong một đơn vị pháo cối, đánh nhau với Khmer Đỏ tại xã biên giới Hoà Hiệp, nơi chỉ cách Campuchia một con sông.

Chiến tranh kết thúc, cả gia đình ngày ngày ngóng trông tin tức anh Sum, nhưng chờ đợi hết mùa vụ này sang mùa vụ khác mà vẫn không thấy anh về. Theo lời kể của ông Cò, khi thấy những thanh niên trong xã đi bộ đội cùng đợt với anh Sum lần lượt trở về, ba mẹ ông có đến nhà họ để hỏi thăm tung tích con trai. Tuy nhiên, trong quân ngũ mỗi người có một hoàn cảnh, điều kiện công tác riêng nên không ai biết Sum ở đâu.

Một trong những điều khá kỳ lạ về trường hợp người lính mất tích Phạm Văn Sum là anh này đi bộ đội rồi biến mất như thể chưa từng xuất hiện trên cuộc đời này. Gia đình không có tấm ảnh nào của anh. Sổ hộ khẩu và các giấy tờ tuỳ thân có liên quan cũng không nốt, những thứ giấy tờ cũ thì mối đã ăn sạch hoặc đã thất lạc. Gia đình không còn bất kỳ một thông tin nào, dù là ít ỏi nhất về anh.

Vì thế, có một câu hỏi được đặt ra là có thật sự có một người lính tên Phạm Văn Sum hồi ấy hay không, và anh này có tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam hay không? May mắn thay, có nhiều nhiều nhân chứng biết Phạm Văn Sum đã lên tiếng. Một trong số đó là ông Trần Nuôi (cũng ngụ huyện Tân Châu), cùng nhập ngũ ngày 24.10.1977. “Tôi với Sum ở chung một khẩu đội - đơn vị cối 82 ly, đóng quân tại ngã tư xã Hoà Hiệp, cách bờ sông khoảng 800m”- ông Trần Nuôi, Trưởng ấp Tân Đông, xã Tân Hưng kể như vậy với người viết vào năm 2014. Theo lời ông Nuôi, hồi đó, sau khi nhập ngũ, những tân binh như ông và anh Sum được huấn luyện 3 tháng tại Huyện đội Tân Biên (lúc bấy giờ huyện Tân Châu chưa thành lập). Huấn luyện cho các tân binh là một sĩ quan, cấp bậc đại uý, tên là Bình. Sau đợt huấn luyện, toàn đơn vị được chia làm 3 khẩu đội, ông Nuôi và anh Sum ở chung khẩu đội 3. “Tôi được giao mang thước ngắm bắn, còn Sum thì được phân công mang bàn đế của súng cối”- ông Nuôi kể lại chuyện thời ông cùng anh Sum ở chung chiến hào chống quân Pol Pot. “Nếu tôi nhớ không lầm thì Sum mất tích tại ngã tư xã Hoà Hiệp vào khoảng tháng 9.1978, tức là khoảng 11 tháng kể từ ngày nhập ngũ”- ông Nuôi cho biết. Về hoàn cảnh mất tích của anh Sum, ông kể rằng lúc ấy ông có việc phải về Huyện đội Tân Biên công tác 3 ngày, đến khi quay lại thì Sum đã… biến mất.

Sau này, thêm một số nhân chứng tiếp tục đứng ra khẳng định có một người lính tên Phạm Văn Sum “bằng xương bằng thịt”. Ông Trần Văn Khanh (Mười Khanh) là một trong những nhân chứng như vậy. Tại thời điểm đó (2014) ông Khanh kể rằng, chính ông tận mắt nhìn thấy Sum bị thương trong một trận đánh tại chiến trường Campuchia và theo nhận định của cá nhân ông thì có thể anh Sum đã hy sinh. Ông Khanh nhớ  lại, sau khi vào quân đội được một thời gian ngắn, ông và ông Sum được cử đi học sử dụng pháo cối tại một địa điểm gần ngã ba Giang Tân, huyện Hoà Thành. Kết thúc khoá học, hai người trở về chiến đấu tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Tháng 3.1979, ông Khanh, Phạm Văn Sum cùng một số anh em khác được lệnh qua Campuchia. Khi sang đến nơi, nhóm của ông Khanh được bổ sung thêm 3 người Campuchia- những người này có nhiệm vụ giúp bộ đội Việt Nam vác đạn. Khoảng hai giờ sáng ngày 15.5, tức hơn hai tháng sau khi rời Việt Nam, đơn vị của ông Khanh rơi vào ổ phục kích của địch. Do bị phục kích nên trong trận đánh này đơn vị ông Khanh bị thương vong khá nhiều. Anh Sum bị thương vào vùng bụng, chính ông Khanh là một trong những người khiêng lên một chiếc đò. Những người làm nhiệm vụ tải thương đã đưa Sum qua bên kia sông để về tỉnh Kampong Cham, nơi có trạm quân y tiền phương. Kể từ thời điểm này, ông Khanh và anh Sum hoàn toàn mất liên lạc với nhau… Ông Mười Khanh cho biết thêm, do trận đánh diễn ra vào ban đêm, tình hình lúc ấy khẩn trương, rối ren nên những người bị thương được đưa về phía sau mà không có bất kỳ giấy tờ giao nhận nào. Vào thời kỳ đó, theo ông Khanh, khi chiến đấu tại Campuchia, những người lính không có số quân nhân, không có giấy tờ gì cả nên nếu chẳng may bị hy sinh thì cũng rất khó để xác định danh tính. 

Xin lưu ý, nhân chứng trong vụ này có nhiều người, do khuôn khổ bài viết, không thể liệt kê hết. Lời kể của các nhân chứng nêu trên được thực hiện từ năm 2014. Ông Phạm Văn Phảo (anh trai Phạm Văn Sum) gần đây vẫn cho biết, gia đình không có tin tức gì thêm về Phạm Văn Sum.

KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN CÔNG NHẬN

Tháng 7.2019, Báo Tây Ninh đăng bài “Quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh: Thêm một trường hợp cần làm rõ thân phận” viết về ông Lê Văn Chum, quê gốc huyện Trảng Bàng nhưng lớn lên ở Campuchia, có tham gia kháng chiến nhưng cũng không trở về. Người con trai của ông Chum là Lê Minh Hoàng, hiện ngụ xã Tân Hà, huyện Tân Châu đã bỏ nhiều công sức, thời gian đi tìm nhân chứng để hỏi về cha của mình.

Một trong những nhân chứng đó thông tin với ông Lê Minh Hoàng rằng, năm 1970, cùng với 5 người khác, ông Chum được cử về đồng bằng sông Cửu Long để nhận thêm quân nhằm chuẩn bị cho các chiến dịch vào năm 1972. Khi cả đoàn công tác từ Tây Ninh đến Long An thì bị địch phục kích bắn chết cả 6 người. Trong buổi gặp hôm đó, nhân chứng này phô tô toàn bộ hồ sơ cá nhân để bảo đảm rằng, mình chịu hoàn toàn trách nhiệm khi xác nhận về ông Lê Văn Chum.

Không chỉ vậy, nhân chứng còn hướng dẫn ông Hoàng đi tìm thủ trưởng cũ của cha mình - tại thời điểm chiến tranh, người thủ trưởng này giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 180… Nhân chứng này tên thật là Trương Văn Thanh (Tư Thanh). Trong giấy xác nhận cho ông Chum, Thiếu tướng Trương Văn Thanh viết, nguyên văn: “Thường trực Ban liên lạc truyền thống Đoàn 180 an ninh vũ trang (đơn vị trực tiếp bảo vệ Trung ương Cục miền Nam thời kỳ chống Mỹ) có ý kiến về việc xác nhận đồng chí Lê Văn Chum như sau. Đồng chí Lê Văn Chum sinh năm 1932, nhập ngũ năm 1966, công tác đơn vị Tiểu đoàn 2 AKT, sau đổi thành đơn vị có tên Đoàn 180 an ninh vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam (nay là Bộ đội Biên phòng Việt Nam) quê, nơi sinh quán và trú quán là đúng. Mùa khô năm 1970, đồng chí Lê Văn Chum được phân công cùng một số đồng chí đi về miền Tây nhận quân bổ sung cho đơn vị thì bị địch phục kích tại tỉnh Long An, mất tích. Theo lời kể một số đồng chí còn sống và lời xác nhận của đồng chí Nguyễn Bá Năng, nguyên là bác sĩ phục vụ Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 2 ATK là đúng sự việc xảy ra. Chúng tôi được biết nhiều năm qua lãnh đạo địa phương đã quan tâm xem xét trường hợp đồng chí Lê Văn Chum nhưng vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng và lãnh đạo các cấp sở tại xem xét giải quyết cho đồng chí Lê Văn Chum được công nhận liệt sĩ, đúng với chủ trương của Đảng - Nhà nước ta” (TP Hồ Chí Minh, ngày 30.5.2015, thay mặt Thường trực Ban liên lạc, Thiếu tướng Trương Văn Thanh).

Tháng 1.2018, Phòng Chính trị - Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh làm công văn gửi Bộ Tham mưu Quân khu 7 xác minh cung cấp thông tin liệt sĩ đối với ông Lê Văn Chum. Kết quả, Bộ Tham mưu Quân khu 7 trả lời,  không có cơ sở để cung cấp thông tin liên quan đến trường hợp hy sinh, từ trần, mất tin, mất tích của ông Lê Văn Chum.

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, qua xem xét, hồ sơ của ông Lê Văn Chum đã được trả về cho gia đình, vì “không đủ cơ sở để cấp giấy báo tử và không đủ điều kiện để công nhận liệt sĩ theo Điều 3, Chương II,  Thông tư 28 năm 2013 của Liên bộ Quốc phòng; Lao động - Thương binh và xã hội”.

VIỆT ĐÔNG