Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Từ lâu đời, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam gắn bó số phận vào vận mệnh chung của Tổ quốc. Quá trình đoàn kết chặt chẽ cùng gánh vác sứ mệnh chung ấy tạo dựng nên và ngày càng được củng cố, phát triển hơn ý thức cộng đồng của mỗi dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Đó vừa là cơ sở chắc chắn, vừa là biểu hiện cơ bản tính thống nhất của nền văn hoá Việt Nam. Tính thống nhất ấy còn được biểu hiện ở nhiều phương diện khác, đặc biệt các dân tộc đều có chung tiếng nói là tiếng Việt bên cạnh tiếng nói riêng của mình”- cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết.
Bản sắc riêng trong không gian chung
Sự thống nhất dân tộc, tính thống nhất của nền văn hoá dân tộc đã được chứng minh, được thử thách và đã tỏ rõ tính bền vững của mình qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh quyết liệt chống âm mưu đồng hoá của ngoại bang, âm mưu gây chia rẽ và kỳ thị dân tộc của các thế lực thực dân xâm lược. Sau chiến thắng oanh liệt chống Mỹ, cứu nước, Tổ quốc thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, sự thống nhất về chính trị và kinh tế càng làm tăng thêm tính thống nhất về văn hoá. Hiện nay, tính thống nhất đó biểu hiện tập trung ở việc các dân tộc trong cộng đồng dân tộc nước ta nhất trí, đồng lòng phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong khi chăm lo xây dựng một nền văn hoá thống nhất, chúng ta đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc riêng của mỗi dân tộc trên đất nước ta, bảo đảm tính đa dạng, phong phú, sinh động của nền văn hoá Việt Nam. Mỗi dân tộc trong cộng đồng Việt Nam đều sáng tạo nên những giá trị văn hoá quý báu, phản ánh truyền thống, lịch sử, tính cách riêng của dân tộc mình. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, tất cả các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam đã giữ gìn, bồi đắp và phát huy sắc thái văn hoá riêng. Các sắc thái ấy bổ sung cho nhau, ảnh hưởng lẫn nhau (từ tiếng nói, chữ viết, cách ăn mặc đến phong tục tập quán...), làm nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hoá thống nhất, đồng thời tạo cơ sở thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc.
Quan điểm về tính thống nhất trong đa dạng của nền văn hoá Việt Nam phản ánh và hoàn toàn thống nhất với quan điểm về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, chủ trương đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã nêu rõ: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tôn trọng lợi ích, truyền thống văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc. Chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”. Những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài có những hoạt động văn hoá, sáng tạo văn hoá hướng về quê hương, cội nguồn, cố gắng giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Những hoạt động văn hoá và sáng tạo văn hoá ấy cũng là một bộ phận hợp thành, đóng góp tích cực vào sự thống nhất mà đa dạng của nền văn hoá Việt Nam.
Sự nghiệp của toàn dân
Mỗi người dân tham gia sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hoá trước hết có nghĩa bản thân tự tu dưỡng, rèn luyện nghiêm túc và gian khổ để có được những đức tính cao quý, đạt chuẩn mực con người tiên tiến, biết kế thừa, phát huy truyền thông tốt đẹp của dân tộc, đặc biệt là đạo lý dân tộc, phần tinh tuý nhất của di sản văn hoá cha ông để lại, đồng thời biết học tập, tiếp thu tinh hoa văn hoá từ bên ngoài.
Văn hoá hiện diện trong mọi mặt hoạt động xã hội, do vậy, mọi ngành, mọi lĩnh vực đều cần và có thể tham gia xây dựng văn hoá. Trong lịch sử hiện đại, chỉ có Đảng ta với sự nhận thức và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - hệ tư tưởng cách mạng và khoa học nhất - mới có thể đảm đương tốt nhất sứ mệnh lãnh đạo xây dựng thành công trên đất nước ta nền văn hoá thực sự của dân, do dân, vì dân.
Đảng lãnh đạo không phải chỉ là cổ vũ, động viên ý thức trách nhiệm xây dựng văn hoá của toàn dân, điều quan trọng quyết định là đề ra đường lối, chính sách, định hướng các hoạt động văn hoá. Từ đó khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo trong nhân dân, biến mọi giá trị văn hoá thành tài sản của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân sáng tạo ra giá trị văn hoá và hưởng thụ văn hoá.
Văn hoá là sự nghiệp của toàn dân không phải chỉ với ý nghĩa toàn dân tham gia sáng tạo văn hoá, làm nghĩa vụ văn hoá, mà còn có ý nghĩa toàn dân, trước hết là nhân dân lao động, được hưởng thụ đầy đủ nhất những thành tựu văn hoá. Mọi tài sản văn hoá đều thuộc quyền sở hữu của toàn dân (chứ không phải chỉ là sở hữu của tầng lớp có nhiều tiền).
Trong sự nghiệp này, giai cấp công nhân phát huy vai trò tiên phong cách mạng của mình, tiêu biểu cho xu thế phát triển mới của thời đại. Giai cấp nông dân được nâng cao trình độ mọi mặt thích ứng với nhịp độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, là lực lượng chủ chốt xây dựng làng, bản văn hoá, xây dựng nông thôn hiện đại. Đội ngũ trí thức vốn giàu lòng yêu nước, đại bộ phận xuất thân từ nhân dân lao động, là tinh hoa của nền văn hoá nước nhà, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tôn trọng, tạo điều kiện phát huy trí tuệ, tài năng phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Họ giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá.
Bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc, sáng tạo những sản phẩm văn hoá mới, tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giởi, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống mỗi con người và toàn xã hội, đưa xã hội ta vươn đến trình độ văn minh cao, rõ ràng không phải là công việc đơn giản, có thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai.
Loại bỏ thứ văn hoá phi nhân tính
Trong sự nghiệp cách mạng này, đi đôi với nỗ lực xây dựng và lấy xây dựng làm chính, phải đấu tranh chống tư tưởng văn hoá phản tiến bộ, trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người. Hiện nay, tuy thế giới xu thế hoà hoãn và hợp tác đang phát triển, song cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp vẫn đang diễn ra hết sức quyết liệt và phức tạp dưới nhiều hình thức mới, trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá. Những tàn dư của nếp sống, phong tục tập quán lạc hậu còn rơi rớt trong xã hội luôn chờ cơ hội trỗi dậy. Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ là mảnh đất tốt làm nảy nở những tư tưởng, quan điểm sai trái, lối sống dung dưỡng thứ văn hoá đồi truỵ, phi nhân tính... Tất cả điều đó cho thấy, xây dựng văn hoá là một bộ phận của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, là một mặt trận đấu tranh gay go, gian khổ, đòi hỏi những người làm văn hoá phải thực sự là những chiến sĩ luôn nêu cao ý chí cách mạng, vững vàng, kiên định, ra sức học tập, lăn lộn trong thực tiễn cuộc sống, cùng với nhân dân kiên quyết đấu tranh giành lấy thắng lợi.
Các quan điểm cơ bản nêu trên có mối quan hệ biện chứng với nhau, tạo nên một hệ các quan điểm thống nhất, thấm sâu vào tất cả các phần của nghị quyết và được thể hiện trong các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam. Nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm cơ bản của Đảng, không phải chỉ trên phương diện nhận thức, mà biến thành ý thức trách nhiệm, ý chí quyết tâm hành động trong tổ chức thực hiện, là vấn đề có ý nghĩa quan trọng mấu chốt để biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực sinh động trong đời sống xã hội.
“Đảng lãnh đạo không phải chỉ là cố vũ, động viên ý thức trách nhiệm xây dựng văn hoá của toàn dân, điều quan trọng quyết định là đề ra đường lối, chính sách, định hướng các hoạt động văn hoá. Từ đó khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo trong Nhân dân, biến mọi giá trị văn hoá thành tài sản của Nhân dân, tạo điều kiện để Nhân dân sáng tạo ra giá trị văn hoá và hưởng thụ văn hoá” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. |
Việt Đông
(còn tiếp)