Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đặc vụ xóa sổ 'địa ngục chim trời': Cuộc chiến không khoan nhượng
Bài 4: 'Số phận của đặc khu chim trời' sau cuộc 'truy quét bí mật'
Thứ sáu: 19:59 ngày 20/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau hơn 3 ngày trinh sát, ngày 15/3, Đội Đặc nhiệm Cục Kiểm lâm phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng 3 đã tổ chức cuộc "truy quét bí mật" tại vùng "đặc khu chim trời" lớn nhất cả nước tại tỉnh Long An.


Đoàn công tác của Cục kiểm lâm tổ chức cuộc "truy quét bí mật" tại vùng "đặc khu" bán lậu chim trời lớn nhất nước ở tỉnh Long An. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Trước vấn nạn buôn bán tràn lan động vật hoang dã quý, hiếm trái phép tại vùng “đặc khu chim trời" lớn nhất nước ở tỉnh Long An, ngày 11/3, phóng viên VietnamPlus đã liên hệ với lãnh đạo Cục Kiểm lâm đề nghị phối hợp xử lý.

Ngay sau đó, Cục Kiểm lâm đã cử Đội đặc nhiệm vào “nằm vùng” trinh sát và tổ chức cuộc kiểm tra “bí mật,” qua đó lập biên bản, tịch thu hàng loạt cá thể động vật nằm trong danh mục “sách đỏ Việt Nam” và xử lý theo quy định pháp luật.

Cuộc “truy quét bí mật” này đã phần nào cho thấy việc xóa bỏ vùng “đặc khu chim trời" trái phép để phòng chống dịch là điều cấp thiết. Nhưng thực tế cuộc truy quét cũng đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tại sao khu chợ “bán lậu công khai” động vật hoang dã, do tư nhân quản lý, tồn tại suốt nhiều năm lại không bị “ngăn chặn” cho đến khi Cục Kiểm lâm vào cuộc? Liệu cuộc truy quét này có dẹp được “khu chợ đen” khi ngày hôm sau, mọi hoạt động buôn bán tại chợ vẫn tái diễn “như chưa có chuyện gì xảy ra”?

'Địa ngục chim trời' có bị xóa sổ hay chỉ bắt cóc bỏ đĩa?

Từ thông tin phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cung cấp, ngày 12/3, ông Đỗ Quang Tùng, Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) đã cử ông Hà Hải Bình, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm của Cục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng 3 đến hiện trường nắm bắt tình hình.

Sau hơn 3 ngày trinh sát, Đoàn công tác đã lên kế hoạch “cắm người” theo dõi tại các gian hàng, qua đó triển khai cuộc “truy quét bí mật.”

Tuy nhiên, cuộc truy quét đã vấp phải sự chống đối quyết liệt bởi nhiều cách của các chủ hàng buôn bán.

Ngay khi thấy lực lượng của Cục Kiểm lâm xuất hiện với xe biển xanh, các gian hàng đã nhanh chóng cất giấu các cá thể động vật hoang dã quý, hiếm thuộc nhóm 1B nhưng không có giấy tờ vào các bao tải rồi đem đi “tẩu tán,” khóa cửa.

Khi đoàn công tác yêu cầu kiểm tra và lập biên bản thì chủ các gian hàng đồng loạt gọi điện cho người nhà “điều” xe máy, xe ôtô đến chở các bao tải chứa chim, khỉ, rắn, đại bàng, rái cá, kỳ đà… không có giấy phép, chở đi khắp nơi.

Cá thể rái cá thuộc nhóm 1B được rao bán tại gian hàng có tên Yên Tâm tại chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Tại gian hàng có tên Yên Tâm nằm ở cuối khu chợ - nơi được xác định là có nguồn hàng lớn nhất chợ. Trước thời điểm kiểm tra, phóng viên và đoàn công tác đã tổ chức trinh sát và ghi nhận có rất nhiều cá thể động vật hoang dã quý, hiếm như rái cá, chim trích cồ, trăn và các loài rắn.

Ngoài ra, nơi đây còn hàng trăm cá thể chim, cò các loại được chủ gian hàng giới thiệu “bắt từ tự nhiên” nhưng không có nguồn gốc cụ thể.

Nhưng ngay khi thấy đoàn công tác “lộ diện” tổ chức kiểm tra, chủ gian hàng này lại tuồn các cá thể rắn và rái cá sang một gian hàng bên cạnh đang khóa kín cửa, rồi cho rằng đó là “gian hàng vô chủ” để chối trách nhiệm. Đồng thời, chủ gian hàng có lời lẽ thóa mạ đoàn công tác, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, tịch thu tang vật.

Không những thế, khi thấy phóng viên ghi hình, người nhà của gian hàng còn chửi bới và hăm doạ “tao sẽ sống chết với bọn mày” rồi cầm đá với ý định ném vào phóng viên. Rất may người dân đã kịp ngăn lại.

Tại gian hàng có tên Diễm My, trước thời điểm triển khai kiểm tra, phóng viên VietnamPlus và các thành viên trong đoàn công tác cũng đã ghi nhận có 1 cá thể khỉ, 2 cá thể nhím, 3 cá thể cú mèo… và hàng trăm cá thể chim hoang dã, không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, khi đoàn công tác ra ngoài kiểm tra các gian hàng khác, thì chủ gian hàng đã cho các cá thể động vật quý hiếm như cá thể khỉ vào bao tải đem đi "tẩu tán."

Hầu hết các cửa hàng khác sau đó cũng đã khóa cửa, cất giấu các loài động vật hoang dã thuộc nhóm 1B khiến việc kiểm tra, tịch thu tang vật của đoàn công tác gần như “bất lực” vì lực lượng quá mỏng, trong khi số lượng gian hàng lớn với hàng trăm ngàn cá thể động vật quý, hiếm không có nguồn gốc.

Trước thực tế trên, phóng viên VietnamPlus đã liên hệ với lãnh đạo Công an tỉnh Long An và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa đề nghị cùng phối hợp, đảm bảo an ninh và kiểm tra các hàng buôn bán động vật hoang dã tại khu chợ.

Sau đó, lãnh đạo Công an tỉnh Long An đã yêu cầu lực lượng Công an huyện Thanh Hóa và Thị xã Thạnh Hóa, cùng các cơ quan chức năng của huyện tổ chức phối hợp, vận động chủ các cửa hàng mở cửa để kiểm tra và tịch thu tang vật.

Tuy nhiên, đến thời điểm 10 giờ cùng ngày, chủ các gian hàng chống đối vẫn không mở cửa hợp tác.

Sau gần 4 tiếng vận động, thuyết phục, người nhà của chủ gian hàng có tên Yên Tâm đã chịu mở cửa nhà kho bên cạnh. Sau đó, đoàn công tác đã tịch thu 1 cá thể rái cá lông mượt nặng khoảng 8kg; 2 cá thể rắn hổ đất có trọng lượng 5kg; 1 cá thể rắn ráo trâu có trọng lượng 1,6kg; 1 cá thể chồn đèn trọng lượng 0,5kg; và 30kg rắn thường và rắn hổ ngựa đang được giấu trong các bao tải.

Cá thể khỉ thuộc nhóm động vật hoang dã quý hiếm nhưng không có giấy tờ hợp pháp được bày bán công khai tại gian hàng có tên Diễm My. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Tại gian hàng Diễm My, vào lúc 17 giờ cùng ngày,  đoàn công tác đã tiến hành tịch thu 3 cá thể cú đồng thời ghi nhận một số lượng lớn cá thể chim hoang dã không có nguồn gốc. Riêng cá thể khỉ mà đoàn công tác ghi nhận trước đó đã bị “tẩu tán.”

Toàn bộ tang vật đã được đoàn công tác lập biên bản và bàn giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn để chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên. Riêng rắn thường và rắn hổ ngựa với tổng trọng lượng 30kg, đoàn công tác lập biên bản và bàn giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn đưa đi tiêu hủy.

Ngay sau cuộc truy quét, ông Hà Hải Bình, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm Cục Kiểm lâm - Trưởng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Hạt Kiểm lâm Thạnh Hóa, qua đó yêu cầu Hạt Kiểm lâm Thạnh Hóa đề xuất phương án xử lý đến Chi Cục kiểm lâm và nhanh chóng báo cáo đến Cục kiểm lâm để có hướng xử lý.

“Riêng tại gian hàng có tên Yên Tâm, chúng tôi ghi nhận có cá thể rái cá, 2 cá thể rắn hổ đất và nhiều loài chim hoang dã không rõ nguồn gốc.

Tại gian hàng Diễm My có cá thể khỉ, 2 cá thể nhím, 3 cá thể cú mèo và nhiều cá thể chim tự nhiên. Chúng tôi có các hình ảnh chứng minh ghi nhận trên,” ông Bình nói và đề nghị Hạt Kiểm lâm cần làm rõ những sai phạm, xử phạt đúng người đúng tội.

"Cần thiết đưa ra xử lý hình sự theo quy định của pháp luật,” ông Bình kiên quyết.

Cục “đánh úp,” địa phương dửng dưng?

Mặc dù vùng “đặc khu” buôn bán động vật hoang dã trái phép đã bị Cục Kiểm lâm kiểm tra và tịch thu nhiều cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm 1B, nhưng trên thực tế mọi hoạt động buôn bán các loài chim hoang dã không rõ nguồn gốc, sau đó vẫn được các cơ sở này bán công khai, bất chấp sự có mặt của đoàn công tác.

Đoàn kiểm tra cân trọng lượng các bao rắn tịch thu tại một gian hàng "vô chủ" nằm ngay bên gian hàng có tên Yên Tâm, tại chợ nông sản trá hình Thạnh Hóa. (Ảnh: H.V/Vietnam+)

Điều đáng nói là ngay cả khi phóng viên VietnamPlus liên hệ hỏi thông tin, ngay trước thời điểm đoàn công tác triển khai cuộc “truy quét bí mật” tại chợ, ông Lê Hữu Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An vẫn một mực khẳng định “dạo này không còn buôn bán” và cho rằng “chúng tôi vẫn đi kiểm tra thường xuyên nhưng không thấy người ta bán loài động vật hoang dã quý, hiếm nào.”

Ngay cả khi Trưởng đoàn công tác của Cục Kiểm lâm gọi điện đề nghị Chi cục Kiểm lâm phối hợp, lãnh đạo Chi cục này cũng lấy lý do ở xa, ngày cuối tuần không có đủ lực lượng và “né tránh” không tham gia.

Trong quá trình truy quét diễn ra suốt hơn 8 tiếng giờ đồng hồ (từ 9 giờ sáng tới 17 giờ 30 chiều) cũng không có cán bộ nào của Chi cục Kiểm lâm được cử xuống để phối hợp.

Chia sẻ thêm với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, ông Hà Hải Bình, Đội trưởng Đội Đặc nhiệm Cục Kiểm lâm khẳng định qua kiểm tra thực tế cho thấy hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại đây diễn ra công khai, vì thế “‘trận đánh’ này có thể nói là ‘cú sốc’ với địa phương.”

Để triển khai cuộc truy quét này, đoàn đã chia người ra “cắm” tại các gian hàng bí mật theo dõi và chỉ thông báo cho lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm và Hạt kiểm lâm địa phương ngay trước lúc xuống xe tổ chức kiểm tra khu chợ.

Cũng vì cuộc “truy quét” diễn ra “bí mật” với lực lượng kiểm lâm của đoàn công tác rất mỏng, trong khi chủ các gian hàng đã tìm mọi cách ngây khó dễ, không hợp tác nên việc kiểm tra toàn bộ các gian hàng tại khu chợ đã gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, đoàn cũng chỉ kiểm tra, tiến hành lập biên bản, tịch thu tang vật tại 2 gian hàng có nhiều cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm 1B.

Đoàn công tác của Cục kiểm lâm tổ chức truy quét tại vùng "đặc khu" bán lậu chim trời lớn nhất nước ở tỉnh Long An. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Không những thế, ngày hôm sau sau quay lại chợ, mọi hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép vẫn diễn ra công khai. Trong đó có hàng trăm nghìn cá thể chim, cò hoang dã các loại không có nguồn gốc, hay giấy tờ hợp pháp.

Luật đã có, cần phải xử nghiêm

Nhìn nhận ở góc độ tổ chức bảo tồn, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho rằng hiện nay Việt Nam đã có những quy định pháp luật không thể nói là hoàn hảo nhưng về cơ bản là đầy đủ để quản lý và bảo vệ động vật hoang dã. 

Đơn cử như: “Tất cả các loài động vật hoang dã đều là động vật rừng, khi buôn bán đều phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo hoặc là khai thác hợp pháp và gây nuôi từ các cơ sở hợp pháp,”bà Hà dẫn chứng.

“Thế nhưng, trong việc các khu chợ tiếp tục tồn tại, tôi chưa nhìn thấy sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc xử lý. Chúng ta có quy định pháp luật nhưng điều quan trọng hơn cả là phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, để răn đe phòng ngừa các vi phạm về sau. Nếu chúng ta không xử lý nghiêm thì các cơ sở này vẫn tiếp tục hoạt động thôi,” bà Hà nhấn mạnh.

Để rõ hơn về việc xử lý vùng “đặc khu” buôn bán trái phép động vật hoang dã trên, sáng 16/3, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã liên hệ với lãnh đạo tỉnh Long An và đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An.

Tại buổi làm việc, ông Cảnh thẳng thắn cho biết khu chợ này rất nổi tiếng, cũng đã có nhiều bài báo viết phản ánh. Tỉnh đã họp và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo kiểm tra nhiều rồi nhưng rất khó phát hiện, xử lý.

“Cái chợ này hồi xưa nó làm ở sát ngoài đường, ảnh hưởng đến giao thông, sau đó mới xây chợ vào trong, nhưng khi xây chợ vào trong họ giấu còn dữ hơn lúc ở ngoài. Lần này trung ương về bắt mới thấy động vật quý IB, chứ lâu nay anh em ở dưới chỉ bàn truy xuất nguồn gốc. Nếu không có nguồn gốc thì tịch thu nhưng lên tới nơi thì người ta đã giấu hết nên làm không được,” ông Cảnh chia sẻ.

Ngoài ra, ông Cảnh cũng cho biết “lâu nay lãnh đạo tỉnh chỉ nghe anh em (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân huyện) tham mưu và báo cáo cũng chưa sát thực tế.” Hơn nữa, “vừa rồi, nhiều anh em ở Thanh Hóa bị hăm dọa nên cũng chùn bước. Như nhà anh Lợi (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An - PV) ở gần trên đó cũng bị hù dọa và anh rất sợ,” ông Cảnh phân bua.

Dù vậy, vị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cũng “hứa” trong tuần này sẽ tổ chức "cuộc họp khẩn," chỉ đạo kiểm tra, làm rõ việc kiểm tra, báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Thạnh Hóa và các cơ quan chức năng liên quan; qua đó hướng tới kiên quyết dẹp bỏ tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Nguồn vietnam+

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục