Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khơi dậy sức mạnh con người Việt Nam qua các giá trị văn hoá
Bài 4: Tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội
Thứ ba: 22:59 ngày 15/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng đội ngũ lao động tham gia làm việc trong môi trường cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuẩn bị các tiền đề cần thiết để người lao động có thể làm việc trong môi trường “đa văn hoá” trong hội nhập quốc tế.

Múa trống Chhay-dăm, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Ảnh: Đ.H.T

“Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhà nước cần tập trung thể chế hoá nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam thành các quy định có tính pháp quy, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu tiên đầu tư để phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vai trò của văn hoá nói chung, của các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao, truyền thông đại chúng nói riêng có vị trí đặc biệt trong việc tuyên truyền, cổ vũ lan toả khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thông qua các kênh thông tin và truyền thông khác nhau.

Các hoạt động này vừa tác động theo phổ rộng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, vừa có khả năng thuyết phục sâu sắc thông qua con đường tình cảm, truyền cảm hứng về niềm tin, khát vọng, tạo động lực để mỗi người, mỗi cộng đồng quyết tâm phấn đấu vì sự hưng thịnh của quê hương, đất nước.

Vì vậy, Nhà nước cần tăng cường đầu tư, phát huy vai trò của các hoạt động này trong việc cổ vũ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Đồng thời, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ này, đặc biệt là tạo nên những bước đột phá, đổi mới các nội dung, chương trình hoạt động để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, kể cả các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương.

Chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, giáo dục khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cho các thế hệ thanh, thiếu niên, đề cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, giáo dục ý chí, nghị lực, tinh thần tự lập, tự chủ của mỗi người dân trong xây dựng và phát triển đất nước.

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để xây dựng đội ngũ lao động tham gia làm việc trong môi trường cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuẩn bị các tiền đề cần thiết để người lao động có thể làm việc trong môi trường “đa văn hoá” trong hội nhập quốc tế.

Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đặc biệt là xây dựng chương trình để thực hiện nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp hiện nay.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ cho các nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam. Đặc biệt là tăng nguồn lực đầu tư vào xây dựng con người, trước hết là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và phát triển văn hoá, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo nền tảng tinh thần cho quá trình phát triển bền vững đất nước.

Chú trọng xây dựng một số công trình văn hoá, nghệ thuật trọng điểm tầm cỡ khu vực và quốc tế, ưu tiên phát triển một số lĩnh vực nghệ thuật đỉnh cao, khắc phục tình trạng nghiệp dư hoá các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Phát huy vai trò của dòng văn hoá, nghệ thuật chủ lưu để nâng tầm định hướng về tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức, lối sống và lan toả vào đời sống xã hội.

Nhiệm vụ khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Đại hội XIII.

Vì vậy, việc tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát của tổ chức đảng thực hiện từ Trung ương tới cơ sở. Trước hết, các cơ quan văn hoá cần xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai việc thực hiện nhiệm vụ này.

Quốc hội và Chính phủ cụ thể hoá chủ trương này thành các đề án xây dựng và hoàn thiện luật pháp, chính sách, quy định, quy chế để thực hiện. Các tỉnh uỷ, thành uỷ cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để khơi dậy khát vọng phát triển của mỗi địa phương.

Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, định kỳ và đột xuất. Cần phải tiến hành sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, phong trào đổi mới, sáng tạo để thực hiện khát vọng phát triển đất nước ở các cấp, các ngành.

Phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào để nêu gương; đồng thời kiên quyết đấu tranh, xử lý kịp thời những vi phạm cản trở tới sự phát triển của đất nước, đặc biệt là tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội, củng cố và xây dựng niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới.

Tại hội nghị văn hoá toàn quốc tổ chức vào những ngày cuối năm 2021, để khắc phục những hạn chế về phát triển văn hoá, hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm đã được nêu ra. Trong đó, xác định phát triển văn hoá và xây dựng con người là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp; phát huy năng lực, trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát triển văn hoá, xây dựng con người của từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Tập trung nghiên cứu, xác định, triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hoá, con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

Quan tâm giáo dục nghệ thuật, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là cho thanh thiếu niên. Phát huy vai trò to lớn của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống của con người.

Đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng về văn học, nghệ thuật, coi trọng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để định hướng, khích lệ, điều chỉnh hoạt động sáng tạo, quảng bá, tiếp nhận tác phẩm, sản phẩm văn hoá, văn nghệ. Bảo đảm quyền tự do sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật.

Quan tâm đến nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng văn hoá chính đáng, lành mạnh của mỗi người dân và cả cộng đồng. Khơi dậy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đồng thời đấu tranh phê phán, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, núp bóng tôn giáo để thực hành mê tín, dị đoan. Hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hoá, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hoá.

Nhà nước thực hiện chức năng kiến tạo phát triển văn hoá, con người, xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của con người, đóng góp tích cực cho xã hội.

Chuyển đổi hệ thống quản lý văn hoá chủ yếu từ mệnh lệnh hành chính sang cơ chế quản lý bằng luật pháp và các công cụ điều tiết vĩ mô khác; hỗ trợ, tạo điều kiện và môi trường phát triển văn hoá bền vững. Tập trung đầu tư các thiết chế văn hoá quy mô quốc gia, đồng bộ hoá hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở, tạo hệ thống dịch vụ văn hoá công hiện đại, phù hợp đặc thù vùng, miền, dân tộc, tôn giáo.

Ưu tiên đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động các thiết chế văn hoá cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát huy vai trò của chủ thể văn hoá trong xây dựng, tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hoá cơ sở, không áp đặt, khuôn mẫu; khuyến khích thành lập và tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ phát triển, hoạt động các thiết chế văn hoá ngoài công lập.

Xây dựng văn hoá trong chính trị, kinh tế, đặc biệt là văn hoá trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hoá trong Đảng, các cơ quan nhà nước và đoàn thể; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên.

Việt  Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục