Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhà văn hoá Nguyễn Phú Trọng: Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả
Bài 5: Để văn hoá hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”
Thứ hai: 21:51 ngày 04/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhìn lại lịch sử nước ta, không phải ngẫu nhiên, từ lúc ra đời cho đến nay, Đảng luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của văn hoá trong xây dựng đất nước. Nhìn lại tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, văn hoá được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, vị trí, tầm quan trọng của văn hoá ngày càng tăng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bộ phim “Ván bài lật ngửa”, được công chiếu vào thập niên 80 của thế kỷ XX có chi tiết, một nhà báo Mỹ hỏi nhân vật Nguyễn Thành Luân (nguyên mẫu là nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo) rằng: Cuộc chiến đấu của các ông là vì cái gì? “Cuộc chiến đấu của chúng tôi, suy cho cùng cũng là vì nền văn hoá của chúng tôi”- nhà tình báo trả lời.

Hàng ngàn người dân
Hàng ngàn người dân mang di ảnh, hoa đứng dọc các tuyến đường Thủ đô Hà Nội tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng

Nền văn hoá cởi mở, khoan dung

Năm 2022, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải đi đôi với xây dựng, phát triển văn hoá. Trước đó, tại Hội nghị văn hoá toàn quốc tổ chức vào những ngày cuối năm 2021, người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhấn mạnh: “Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, cho nên ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hoá của dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng đề ra “Đề cương văn hoá Việt Nam”, trong đó chỉ rõ “mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hoá) và chủ trương phát triển văn hoá theo ba hướng dân tộc - khoa học - đại chúng. Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong văn kiện quan trọng này đã tạo ra một luồng sinh khí mới để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tập hợp nhân dân phát huy vai trò của văn hoá, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và tổ chức, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, năm 1945”.

Ngày 3.2.2023, Tạp chí Cộng sản đăng bài của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, bài viết có đoạn: “Bên cạnh những thành tựu cơ bản, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, cần khắc phục ngay trong thời gian tới: Môi trường văn hoá bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp. Chất lượng sáng tạo các giá trị văn hoá mới còn nhiều hạn chế, ít các công trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, khoa học cao. Hiệu lực, hiệu quả quản lý văn hoá còn nhiều mặt hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển. Việc thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng còn chậm và chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hoá các cấp chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Nguồn lực đầu tư cho văn hoá còn hạn hẹp, dàn trải, hiệu quả thấp. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ, sự yếu kém, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng văn hoá, con người Việt Nam thời gian qua đã gây hệ luỵ, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hoá của chúng ta… Trước yêu cầu của cuộc sống, của sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, văn hoá cần phải chuyển động mạnh mẽ để hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”, góp phần quan trọng đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. Do đó, công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc vừa là khát vọng, vừa là nhiệm vụ chính trị cấp thiết đặt ra hiện nay”.

Trước đó, cũng trên Tạp chí Cộng sản, ngày 2.8.2022, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng công bố bài viết “Khơi dậy và phát huy các nguồn tài nguyên văn hoá góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nước ta hiện nay”. “Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, văn hoá Việt Nam luôn là nền văn hoá cởi mở, khoan dung, sẵn sàng tiếp thu, chọn lọc cái hay, cái đẹp của văn hoá nhân loại để nâng cao và làm giàu cho văn hoá dân tộc (tiếp biến tư tưởng, học thuật, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, chữ viết từ văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ, phương Tây... một cách sáng tạo). Chúng ta luôn tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để nâng tầm, hoàn thiện văn hoá Việt Nam, tiếp nhận những giá trị phổ quát của nhân loại mà không cực đoan, chia rẽ. Đây là những nhân tố tích cực tạo tiền đề để chúng ta dễ dàng hoà nhập vào dòng chảy chung của văn hoá thế giới và được quốc tế công nhận”- trích đoạn trong nội dung bài viết.

Truyền thống “đem đại nghĩa để thắng hung tàn/lấy chí nhân để thay cường bạo” của Nguyễn Trãi trước đây và tinh thần hoà hiếu, khoan dung của chúng ta là cơ sở, nền tảng để Việt Nam có quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia trên thế giới. Thái độ thân thiện, mến khách của người Việt Nam cũng luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đó là những giá trị tốt đẹp và bền vững, nếu chúng ta biết quảng bá và phát huy đúng cách, sẽ lan toả và sức thuyết phục, chiếm được thiện cảm, sự yêu mến của cộng đồng thế giới.

Ngày nay, Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, tăng trưởng nhanh, các thế hệ mới có chỉ số thông minh cao, hiếu học, năng động, có năng lực sáng tạo tốt. Ngày càng xuất hiện nhiều tài năng trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Con người Việt Nam vốn được tôi luyện qua bao biến thiên của lịch sử, có khả năng thích ứng cao, giao lưu, tiếp biến văn hoá tốt và đặc biệt rất nhanh nhạy trong kết nối toàn cầu. Việt Nam đang có những cải thiện vượt bậc về kết cấu hạ tầng thông tin - truyền thông. Mức độ sử dụng internet, số hoá ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Đây là những tiền đề quan trọng về cơ sở khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu và truyền thông văn hoá.

Những phân tích trên cho thấy, Việt Nam đã, đang sở hữu không ít lợi thế, cơ hội và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển văn hoá theo hướng hiện đại, bền vững, hội nhập quốc tế.

Xây dựng con người

Trong 6 nhiệm vụ cố Tổng Bí thư nêu trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, nổi lên và xuyên suốt chính là vấn đề xây dựng con người. Con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của mọi quá trình xây dựng, phát triển văn hoá. Hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị con người phải được xem là tài sản, phải được khơi dậy và phát huy, nhất là việc khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước hùng cường, thịnh vượng, phát triển trong mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Con người cần được chăm lo bằng những chính sách cụ thể để ngày càng hoàn thiện hơn về tri thức, kỹ năng, cảm xúc, thể chất. Trao đổi với báo giới, GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường đại học Việt - Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, coi trọng yếu tố văn hoá là điều đương nhiên. “Dù chúng ta có nền văn hoá giàu có nhưng nếu nghèo thì cũng không thể duy trì được nền văn hoá đó. Dù chúng ta có trở nên giàu có về mặt kinh tế nhưng nếu con người không cảm thấy thoả mãn hơn về mặt tinh thần thì xã hội sẽ trở nên bất ổn. Từ góc độ này, tôi cho rằng quan điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra là phù hợp với Việt Nam hiện nay” - ông bình luận.

Hệ thống các quan điểm, chính sách, phân tích quá trình triển khai chính sách liên quan đến phát huy sức mạnh mềm văn hoá của Việt Nam đã chỉ ra điểm mạnh của Việt Nam chính là 8 trụ cột tài nguyên sức mạnh mềm văn hoá chính: 1- Di sản văn hoá phi vật thể (sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học... như nghệ thuật truyền thống, lễ hội truyền thống, bí quyết nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục truyền thống...); 2- Di sản văn hoá vật thể; 3- Di sản thiên nhiên thế giới; 4- Lễ hội mới và sự kiện văn hoá; 5- Các sản phẩm và dịch vụ thuộc ngành công nghiệp văn hoá; 6- Các giá trị và danh nhân văn hoá; 7- Văn hoá cộng đồng cơ sở; 8- Các cơ sở vật chất và không gian văn hoá.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục