|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (Nguồn: chinhphu.vn)
|
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong chương trình Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời tuần này.
Thưa Bộ trưởng, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay chỉ tính riêng việc kê khai thuế của doanh nghiệp đã mất gần 4 tháng/năm. Vậy Bộ Tài chính sẽ có kế hoạch như thế nào để rút ngắn thủ tục hành chính các cho doanh nghiệp?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Năm 2012 theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian kê khai thuế của doanh nghiệp là 872 giờ (bao gồm cả thời gian kê khai nộp Bảo hiểm xã hội là 335 giờ). Như vậy, thời gian kê khai nộp thuế theo đánh giá của WB là 537 giờ.
Trước đó, cũng theo đánh giá của WB năm 2008 thời gian kê khai thuế của chúng ta là 1.050 giờ, năm 2010 là 941 giờ và năm 2012 là 872 giờ. Như vậy việc giảm thời gian kê khai thuế tuy có tiến bộ, nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì thời gian kê khai nộp thuế của chúng ta vẫn còn quá cao.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã làm việc nghiêm túc, quyết liệt, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức do Ngân hàng Thế giới thuê, chỉ định để đánh giá thời gian nộp thuế của Việt Nam, cũng như phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội tư vấn thuế để rà soát và thực hiện các chương trình hành động cụ thể nhằm giảm bớt số lần kê khai và giảm thời gian nộp thuế, thực hiện thủ tục hải quan...
Tại Kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ Nghị quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó tập trung mạnh mẽ vào nội dung cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan.
Chúng tôi dự tính, nếu thực hiện được các giải pháp này sẽ giảm 290 giờ kê khai nộp thuế trên tổng số 537 giờ theo tính toán của WB trong năm 2012 vừa qua.
Như Bộ trưởng vừa cho biết, các thủ tục hành chính sẽ được giảm đi rất nhiều với một con số đầy ấn tượng là gần 300 giờ. Vậy khi nào doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng những lợi ích mà Bộ trưởng vừa tuyên bố?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi đang thực hiện quyết liệt các giải pháp thuộc 3 cấp thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Riêng giải pháp của Bộ Tài chính chúng tôi thực hiện về rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, cho người nộp thuế... phấn đấu từ nay đến giữa tháng 9 giảm thời gian kê khai thuế là 201 giờ.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi các chỉ tiêu kê khai thuế giá trị gia tăng, phấn đấu giảm 156 giờ. Tiếp đến là khắc phục sự khác biệt giữa doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm được khoảng 35 giờ.
Cùng với đó là khắc phục khác biệt sự ghi nhận giữa chi phí kế toán với chi phí tính thuế giảm được khoảng 10 giờ và đẩy mạnh kê khai nộp thuế điện tử sẽ giảm được khoảng 23 giờ.
Về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ và đã ký và gửi sang Bộ Tư pháp để thẩm định Nghị định sửa một số quy định hiện hành. Theo đó, sẽ giảm được khoảng 88 giờ đối với số lần kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp theo quy định hiện nay là 17 lần trong 1 năm sẽ giảm còn 5 lần trong 1 năm.
Về nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tại Nghị quyết của Chính phủ đã thống nhất ủy quyền cho Bộ Tài chính sẽ ký trình Quốc hội một số văn bản liên quan tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII tới đây.
Được biết, Bộ trưởng còn giữ một chức danh Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam- một lĩnh vực cũng có nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê. Vậy xin hỏi Bộ trưởng có kế hoạch giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực này như thế nào?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục kê khai và nộp thuế, chúng tôi cũng đang tiến hành rà soát để giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội. Hiện nay, theo tính toán của WB, thời gian nộp bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp là 335 giờ/1 năm và theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải kê khai, nộp bảo hiểm xã hội theo hàng tháng. Chúng tôi sẽ rà soát, đưa các giải pháp phù hợp, tương tự như thuế, phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ giảm 1/3 số lần kê khai nộp bảo hiểm xã hội, cơ bản giảm 50% số giờ kê khai, nộp bảo hiểm xã hội.
Một người dân đầu tư chứng khoán băn khoăn với quy định thuế chồng thuế của Bộ Tài chính. Lí do là khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, doanh nghiệp đã phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng khi nhận cổ tức lại phải chịu thuế thêm 5% thuế. Trong khi đó, người gửi tiền vào ngân hàng thì không mất thuế. Bộ trưởng có cho rằng đó là thuế chồng thuế, là vô lý không?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Mỗi một sắc thuế có mục tiêu và yêu cầu khác nhau và quá trình cải cách thuế của chúng ta hiện nay đã đi theo thông lệ quốc tế. Theo đó quy định khi doanh nghiệp hoạt động có lãi thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, ở đây là nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Cụ thể, từ 1/1/2014 thuế suất thuế phổ thông, thuế thu nhập doanh nghiệp của chúng ta còn 22% (năm 2013 là 25%) và đến năm 2016 theo lộ trình và thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông còn 20%.
Những khoản lãi còn lại của doanh nghiệp không được chia cho cổ đông và để lại tái đầu tư thì Luật thuế thu nhập doanh nghiệp quy định là không phải nộp khoản thuế nào khác. Trường hợp lãi được chia cho các cá nhân, cổ đông thì phải nộp thêm 5% trên cổ tức được nhận, đây chính là thuế thu nhập cá nhân.
Xét về bản chất khoản thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn góp từ kinh doanh, không khác gì hoạt động kinh doanh khác như đầu tư tài sản cho thuê và cũng phải chịu thuế thu nhập cá nhân, đây cũng là thông lệ chung của nhiều nước.
Đối với lãi tiền gửi ngân hàng, hiện nay là không thu thuế thu nhập cá nhân để khuyến khích mọi người dân trong xã hội tiết kiệm chi tiêu, dành tiền gửi tiết kiệm. Đây là nguồn lực to lớn phục vụ sự đầu tư phát triển của Đất nước, do vậy đây là khoản thu nhập nên không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn chinhphu.vn