Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ
Bài cuối: Bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia
Chủ nhật: 23:47 ngày 19/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ và giải quyết khó khăn đầu ra sản phẩm, ngoài những giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước không thể bỏ qua vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Công nhân Công ty TNHH QL Việt Nam Agroresources (xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) sơ chế trứng gà xuất khẩu (Ảnh: Minh Dương)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hiện nay còn một số khó khăn, thách thức. Trước hết là quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, không tập trung, sản phẩm mang tính mùa vụ không thường xuyên, chất lượng sản phẩm không đồng đều.

Năng lực của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu mối trong chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa có định hướng và chiến lược rõ ràng nên thị trường tiêu thụ còn thụ động.

Mặt khác, các hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, thiếu sự cam kết giữa các chủ thể tham gia nên dễ bị phá vỡ, cụ thể là khi giá thị trường tăng hơn giá hợp đồng đã ký thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; và ngược lại, khi giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì doanh nghiệp không thu mua sản phẩm của người sản xuất.

Chưa có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc áp dụng chính sách còn mới nên bước đầu còn lúng túng trong quá trình thực hiện, chưa có nhiều thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các chính sách; thủ tục còn phức tạp, trải qua nhiều giai đoạn thẩm định làm cho nông dân ngại tiếp cận.

Đối với việc thực hiện Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 của UBND tỉnh về quy định hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2019-2025, theo thực tế sản xuất và một số chuỗi hiện có, một số ít hợp tác xã (HTX) có hợp đồng tiêu thụ, các tổ hợp tác, nông dân có hợp đồng với doanh nghiệp thu mua.

Tuy nhiên, theo quy định của chính sách, việc hỗ trợ đều phải thông qua các dịch vụ tập trung của HTX; trong khi đó, trên địa bàn các huyện, có rất ít HTX có năng lực tổ chức cung cấp các dịch vụ trong nông nghiệp từ cung cấp vật tư, dịch vụ trong sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Như vậy, sẽ có một số trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện hỗ trợ tại Điều 3 của Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND nhưng không thụ hưởng được chính sách do không sử dụng dịch vụ tập trung của HTX.

Nông dân bao trái mãng cầu, sản xuất theo hướng sạch, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, để các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ phát triển bền vững cần những điều kiện: các chủ thể tham gia chuỗi phải có ý thức cam kết thực hiện đúng các nội dung của hợp đồng, bảo đảm lợi ích hài hoà của các bên, cụ thể: nông dân cam kết sản xuất theo quy trình, không bán nông sản cho đơn vị khác khi thị trường được giá; ngược lại, doanh nghiệp không ép giá hoặc đẩy rủi ro cho nông dân khi thị trường mất giá.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp, HTX đầu mối phải có năng lực, tầm nhìn, thường xuyên theo dõi dự báo, cập nhật và nắm chắc thông tin thị trường để chủ động có chiến lược, kế hoạch sản xuất phù hợp; đa dạng hoá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; xây dựng thương hiệu, minh bạch thông tin sản xuất để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhà nước sẽ hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tìm kiếm thị trường và đối tác hợp tác liên kết.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ và giải quyết khó khăn đầu ra sản phẩm, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nông dân, HTX, doanh nghiệp về lợi ích của việc tham gia các hình thức liên kết, cùng hợp tác phát triển; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng dự án phù hợp để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ liên kết và thu hút đầu tư, ứng dụng công nghệ cao.

Tiếp tục triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm nhằm xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh các sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; truy xuất nguồn gốc; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong đầu tư sản xuất, cải cách hành chính, đơn giản hoá các thủ tục hành chính để tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ưu tiên thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp có thực hiện chuỗi liên kết với nông dân trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp chế biến nông sản theo hướng chuyên sâu, bền vững. Sở sẽ đẩy mạnh việc mời gọi các doanh nghiệp liên kết nông dân, HTX, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng sản phẩm cây ăn quả đủ điều kiện xuất khẩu; hỗ trợ cấp mã số vùng trồng để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thu hoạch lúa tại HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.

Rà soát diện tích đất các công ty nông nghiệp, mạnh dạn cho chủ trương chuyển đổi mô hình sản xuất theo xu hướng thị trường; tạo quỹ đất sạch xây dựng cơ chế, tiêu chí khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo định hướng. Tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phục vụ vùng phát triển nông nghiệp theo định hướng; nhất là nông nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp sạch; nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, tăng cường công tác thông tin thị trường nhằm cung cấp kịp thời cho người sản xuất về tình hình giá cả, dự báo ngắn và dài hạn về xu hướng thị trường trong khu vực và trên thế giới.

Để đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ và giải quyết khó khăn đầu ra sản phẩm, ngoài những giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước không thể bỏ qua vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh: “HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân cần tổ chức, quản lý trong quá trình sản xuất; nâng cao nhận thức của các thành viên. Việc liên kết phải có hợp đồng thể hiện rõ lợi ích và trách nhiệm của các bên tham gia, làm căn cứ thực hiện và xử lý khi không thực hiện đúng hợp đồng. Các bên tham gia hợp đồng liên kết phải có ý thức, trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng các nội dung của hợp đồng, bảo đảm lợi ích hài hoà của các bên.

Doanh nghiệp, HTX đầu mối phải có năng lực, tầm nhìn, thường xuyên theo dõi dự báo, cập nhật và nắm chắc thông tin thị trường cung cầu hàng hoá nông sản để chủ động có chiến lược, kế hoạch sản xuất phù hợp, đa dạng hoá sản phẩm, kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời dễ tiếp cận với các thị trường khó tính, có tiêu chuẩn cao”.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục