Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW: Phát triển văn hoá và con người Việt Nam
Bài cuối: Bổ sung chính sách hiện có, xây dựng chính sách mới
Thứ hai: 07:58 ngày 30/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trung ương và địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển văn hoá; nỗ lực chỉ đạo, triển khai thực hiện các đề án, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch. Các giá trị, chuẩn mực cốt lõi của văn hoá, môi trường văn hoá được giữ gìn, phát huy, các giá trị mới, chuẩn mực mới từng bước được hình thành, hoàn thiện.

Phát huy giá trị di sản văn hoá

Công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hoá dân tộc được các địa phương, đơn vị quan tâm. Nhiều địa phương ban hành nghị quyết, kết luận, đề án về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, di tích lịch sử, văn hoá truyền thống của dân tộc, từng bước xây dựng cơ chế nhằm xử lý hợp lý, hài hoà giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích lịch sử, văn hoá với phát triển kinh tế - xã hội.

Nghệ nhân Bắc Ninh giới thiệu nghề làm tranh dân gian Đông Hồ ở Khu Du lịch quốc gia Núi Bà đen. Ảnh Hải Triều

Các di tích, di sản thế giới ở Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ vào sự bền vững của môi trường, góp phần bảo vệ, bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản (sự đa dạng đặc biệt về sinh học, về địa hình, nguồn nước, cảnh quan và những đặc điểm tự nhiên, những yếu tố căn bản khác).

Đảng và Nhà nước tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội và đánh giá cao sự đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức đối với sự nghiệp văn hoá dân tộc. Nền văn học, nghệ thuật của nước nhà có nhiều khởi sắc, tiếp nối dòng tư tưởng chủ đạo chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Công tác lý luận và phê bình văn học, nghệ thuật từng bước đổi mới, quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bồi dưỡng lực lượng trẻ, đề cao hoạt động phê bình, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bản sắc văn hoá dân tộc.

Các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương đã nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Cơ quan báo chí xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, chương trình, phản ánh đậm nét nội dung, ý nghĩa, thành tựu trên lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật của Việt Nam tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo ra nhiều sản phẩm báo chí giàu chất văn hoá, lan toả những giá trị tốt đẹp của văn hoá, đạo đức, lòng nhân ái, góp phần xây dựng cọn người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá ngày càng văn minh.

Phát triển công nghiệp văn hoá

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật phát triển công nghiệp văn hoá, được các các cấp, các ngành, địa phương triển khai tích cực. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hoá, các bộ, ngành, địa phương đều ban hành kế hoạch thực hiện; một số tỉnh, thành phố đã ban hành nghị quyết, đề án về phát triển công nghiệp văn hoá. Các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hoá được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình và bối cảnh mới. Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung 4 luật và ban hành 4 nghị định liên quan đến công nghiệp văn hoá. Số liệu thống kê sau 7 năm thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá cho thấy Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hoá và còn nhiều dư địa phát triển.

Tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại

Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá giữa Việt Nam và các nước láng giềng, các nước trong khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến theo hướng coi trọng hiệu quả và thực chất. Trung ương và các địa phương đã chủ động mở rộng, tăng cường hợp tác văn hoá với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hoá đối ngoại, đạt được những kết quả quan trọng.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã ký kết 110 điều ước, thoả thuận quốc tế song phương các cấp, làm cơ sở thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác, hội nhập quốc tế về văn hoá. Việt Nam tham gia, đẩy mạnh hợp tác và đóng góp nhiều sáng kiến, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng tại các diễn đàn đa phương. Kết quả quan trọng trong hợp tác quốc tế về văn hoá đã góp phần tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quản lý phát triển văn hoá, con người, tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Các hoạt động quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú. Đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất, ở nước ngoài” được triển khai hiệu quả tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các hoạt động ngoại giao văn hoá được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ở diện rộng về địa bàn, đa dạng về đối tượng, phong phú về nội dung, hình thức.

Thị trường sản phẩm văn hoá còn manh mún

Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, 10 năm thực hiện Nghị quyết 33, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, thực hiện nghị quyết ở một số nơi chưa thường xuyên. Việc thực hiện phát huy vai trò của văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước chưa tương xứng với tiềm năng. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm mức, còn có chiều hướng nặng.

Việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ của Đảng về lĩnh vực văn hoá, văn học, nghệ thuật còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Một số lĩnh vực quan trọng chưa có luật điều chỉnh (nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng môi trường văn hoá, thiết chế văn hoá, thể thao, tuyên truyền cổ động chính trị, quyền và nghĩa vụ của văn nghệ sĩ...).

Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá chưa bao quát được toàn bộ các di sản, giá trị văn hoá dân tộc, chưa xem danh nhân là bộ phận của di sản văn hoá dân tộc. Chính sách văn hoá đối với các dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đồng bộ, thiếu các chính sách quản lý phù hợp với đặc thù vùng, miền. Chính sách đối với văn học, nghệ thuật chưa được chú trọng, chưa bảo đảm tính đặc thù, chậm được sửa đổi.

Cơ chế, chính sách phát triển hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao vẫn chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thụ hưởng văn hoá tinh thần của nhân dân. Chính sách phát triển công nghiệp văn hoá chưa tương xứng, thiếu chính sách cụ thể có tính đột phá kích thích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để phát triển công nghiệp văn hoá và xây dựng thị trường sản phẩm văn hoá. Thị trường sản phẩm văn hoá phát triển còn manh mún, tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp. Sản phẩm văn hoá ở một số lĩnh vực còn nghèo nàn, nội dung và hình thức chưa hấp dẫn, sức cạnh tranh còn hạn chế. Việc thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở một số nơi mới ở bước khởi động, chưa có những công trình, dự án được đầu tư xứng tầm với sự phát triển của đất nước, của địa phương.

Chính sách xây dựng văn hoá trong kinh tế, kinh tế trong văn hoá, huy động, quản lý các nguồn lực cho văn hoá chưa cụ thể, chưa thực sự tạo nhiều ưu đãi, hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển văn hoá; chưa khắc phục được tâm lý trông chờ vào kinh phí của Nhà nước.

Các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hoá còn hạn chế, chưa thực sự tạo ra động lực cho các chủ thể tham gia phát triển văn hoá. Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa quy định lĩnh vực văn hoá là ngành, nghề được ưu tiên khuyến khích. Hiệu lực của các quy định về chính sách thuế để phát triển một số ngành, lĩnh vực văn hoá như di sản văn hoá, điện ảnh... không cao, chỉ mang tính nguyên tắc trong các luật chuyên ngành. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá chưa đạt kết quả như mong muốn.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục