BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bất cập trong hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm

Bài cuối: Cần chấn chỉnh

Cập nhật ngày: 02/01/2016 - 03:25

>> Bài 2: Hoà Thành chưa có lò mổ đạt chuẩn

Cán bộ Thú y kiểm tra một cơ sở giết mổ gia cầm ở Trảng Bàng (ảnh Hoàng Anh).

Theo Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm tỉnh giai đoạn 2011-2020, tại thời điểm năm 2012, ngành Nông nghiệp cho biết sẽ chủ động mời gọi đầu tư dự án xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến sản phẩm gia súc - gia cầm ở xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu; dự kiến xây dựng diện tích khoảng 10-15 ha, với tổng số đầu tư khoảng 50 - 100 triệu USD.

Nhà máy này được xây dựng khép kín, lắp đặt dây chuyền thiết bị hiện đại, đồng bộ từ khâu giết mổ gia súc, gia cầm, pha lóc thịt tươi sống đến chế biến và các xưởng phụ trợ như đóng gói, bao bì thực phẩm... đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng giai đoạn 2011 - 2020 là quy hoạch cơ sở giết mổ, chế biến gia súc - gia cầm phải phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu kinh doanh của người dân và yêu cầu phát triển chăn nuôi bền vững của tỉnh đến năm 2020.

Các cơ sở giết mổ có thiết kế lạc hậu, đã hư hỏng, xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường phải được nâng cấp. Các cơ sở nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường phải được di dời. Tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng mô hình cơ sở giết mổ tập trung hiện đại, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ giết mổ và công nghệ xử lý nước thải...

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoạt động giết mổ - chế biến gia súc, gia cầm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên cơ quan chức năng cần có nhiệm vụ quản lý chặt chẽ, phải tổ chức quy hoạch và kiểm soát thường xuyên.

Các cơ sở giết mổ có công suất nhỏ với phương thức giết mổ bán công nghiệp hoặc thủ công chỉ bố trí ở các vùng nông thôn, các xã vùng xa, vùng sâu và sản phẩm chủ yếu phục vụ tại chỗ; khắc phục hoàn toàn tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động giết mổ- chế biến sản phẩm gia súc - gia cầm; bảo đảm an toàn dịch tễ, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng, đồng thời bảo vệ đàn gia súc chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Các cơ sở giết mổ gia súc - gia cầm đến năm 2012 phải chuyển sang giết mổ treo và đến năm 2020 phải chuyển từ hình thức cho thuê mặt bằng giết mổ sang gia công giết mổ trọn gói, bảo đảm quy trình giết mổ sạch.

Theo Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm tỉnh giai đoạn 2011-2020, hệ thống cơ sở giết mổ mới phải bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy trình kiểm soát giết mổ động vật; về vệ sinh thú y đối với lò mổ, điểm giết mổ động vật.

Địa điểm xây dựng các cơ sở giết mổ mới phải ở khu vực biệt lập, có vành đai bảo vệ môi trường và đủ diện tích tối thiểu để bố trí các khu vực phù hợp với công suất giết mổ. Các cơ sở giết mổ phải có biện pháp xử lý nước thải, chất thải đạt tiêu chuẩn theo quy định trước khi đưa ra môi trường bên ngoài....

Các yêu cầu, định hướng của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đã được đặt ra từ 5 năm trước, tuy nhiên đến nay, giữa quy hoạch và thực tế vẫn là một khoảng cách xa vời. Nhà máy giết mổ và chế biến sản phẩm gia súc - gia cầm quy mô 50 - 100 triệu USD vẫn chỉ là… mơ ước. Trong khi đó, cơ sở giết mổ được xem là quy mô nhất tỉnh (toạ lạc phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) có vốn đầu tư dưới 10 tỷ đồng đã phải “bỏ không”. Nhiều cơ sở không bảo đảm các yêu cầu quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về điều kiện giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là về môi trường, nằm trong khu dân cư… vẫn tiếp tục hoạt động.

Tại Châu Thành, theo quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm, thời điểm năm 2011 huyện có 11 cơ sở; quy hoạch đến năm 2015 còn 10 cơ sở và đến năm 2020 chỉ còn 6 cơ sở. Theo quy hoạch này, trong từng giai đoạn, số cơ sở sẽ giảm xuống nhưng chất lượng được nâng dần. Tuy nhiên, năm 2015, UBND huyện Châu Thành lại cho ra đời một cơ sở mới trước đó vốn không có trong quy hoạch.

Cụ thể, vừa qua, UBND huyện Châu Thành có công văn cho chủ trương đồng ý di dời lò mổ cho một cá nhân chưa từng có cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện. Thực chất, trước khi có chủ trương này, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên không tồn tại, và người vừa được chủ trương “di dời” chỉ “hùn hạp làm ăn” với ông Nguyễn Văn Cò- chủ lò mổ ở xã Phước Vinh.

Hiện nay, cơ sở giết mổ của ông Cò vẫn đang hoạt động, đã được dời về vị trí mới. Trong khi trước đó, một cá nhân khác cũng tại xã Phước Vinh có đơn xin mở cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì được cơ quan chức năng huyện trả lời: Không đồng ý mở cơ sở giết mổ mới, mà cần quy hoạch tập trung để dễ kiểm soát. Thế nhưng chỉ 15 ngày sau đó, một cơ sở giết mổ mới ra đời, được đưa vào quy hoạch bổ sung?

Với một số bất cập, hạn chế mà chúng tôi đã nêu, thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp cần rà soát, đánh giá lại công tác thực hiện quy hoạch giết mổ và thực trạng hoạt động giết mổ hiện nay để có sự chấn chỉnh hợp lý, phù hợp xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường.

BẢO TÂM - TẤN HƯNG