Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nền nông nghiệp “mới”: Kỳ vọng của nông dân
Bài cuối: Cần đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững
Thứ tư: 14:03 ngày 22/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong quá trình cơ cấu lại nông nghiệp, tỉnh định hướng chăn nuôi theo hướng tập trung, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, an toàn sinh học.

Bò sinh sản của anh Huy.

Trong 5 năm cơ cấu lại nông nghiệp (2013-2017), lĩnh vực chăn nuôi tăng trưởng 38,7% so với năm 2013. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 14,17%. Sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Mấy- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, để sản phẩm chăn nuôi đứng vững trên thị trường nội địa và có cơ hội xuất khẩu, yêu cầu trước tiên là phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ðồng thời, việc hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi- nhất là sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm xuất khẩu theo hướng bền vững là mục tiêu mà tỉnh nhà đang hướng tới.

Anh Nguyễn Út Huy (ấp Sân Lễ, xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành) cho biết, qua tìm hiểu và tham quan thực tế các mô hình chăn nuôi, anh chọn nuôi bò sinh sản với hơn 30 con. Sản phẩm cung cấp ra thị trường là bò tơ (bê).

Chi phí đầu tư ban đầu hơn 700 triệu đồng. Do chăn nuôi đạt hiệu quả nên anh tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng bò giống và tăng đàn bò sinh sản thêm gần 100 con.

Theo anh Huy, trước đây, nhiều người chỉ nuôi bò thịt theo kiểu truyền thống, tức là bò cái để làm giống sinh sản, bò đực được nuôi từ 1,5-2 năm thì bán thịt nên lợi nhuận không đáng kể, người nuôi chủ yếu lấy công làm lời.

Trong xu hướng chăn nuôi hiện đại, cần phải đa dạng hoá bò thương phẩm chất lượng cao mới có thể đứng vững trên thị trường. Anh đánh giá bò tơ dễ nuôi, ít bệnh nhưng giá cao. Nuôi khoảng 6 tháng có thể bán lấy thịt với giá 12 - 14 triệu đồng/con.

Với quyết tâm chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, ông Vũ Văn Tiến (thị trấn Dương Minh Châu) nuôi 40 con gà mái đẻ, 1.400 con gà thịt thả vườn và đang dự định nuôi gà theo hướng VietGAP.

Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi của ông đã đạt được kết quả khả quan. Chất lượng gà thịt được thị trường chấp nhận, được bán với giá cao (khoảng 80.000 đồng/kg), mang lại cho ông Tiến nguồn lợi đáng kể.

Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, kết quả cơ cấu lại chăn nuôi của tỉnh đến nay chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ, chưa bền vững và thường xuyên bị đe doạ bởi dịch bệnh.

Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn nhiều nên hiệu quả thấp, khó kiểm soát dịch bệnh; tỉnh chưa có nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp. Thị trường tiêu thụ, giá sản phẩm chăn nuôi chưa ổn định nên người chăn nuôi còn bị thua lỗ.

Ðáng chú ý là vấn đề ô nhiễm môi trường và dịch bệnh đã làm giảm hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Trong thời gian tới, nếu giá thành sản phẩm chăn nuôi không được kéo giảm, ngành chăn nuôi tỉnh nhà rất khó cạnh tranh để tồn tại so với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ nước ngoài.

Ngoài ra, chất lượng lao động cũng là yếu tố khó khăn của ngành chăn nuôi. Hiện người trực tiếp chăn nuôi ở trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và công nghệ cao còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng.

Theo ông Vũ Văn Tiến, gia đình ông vừa tăng đàn với số lượng 200 heo thịt, 20 heo nái. Dù có được nhiều kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi, nhưng một mình ông không thể kham nổi cả trang trại.

Trong khi đó, việc tìm thuê nhân công có tay nghề, am hiểu về quy trình và kỹ thuật chăn nuôi rất khó. Tình trạng này khiến người nuôi khó có thể tăng đàn với số lượng lớn.

Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững là một yêu cầu cấp thiết, rất cần có chính sách khuyến khích đầu tư, nhất là việc phát triển chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tây Ninh, trong 5 năm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp (2013-2017), hệ thống ngân hàng trong tỉnh đã cho vay 104.215 tỷ đồng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm 2018, doanh số cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 14.706 tỷ đồng.

 Đến cuối tháng 6.2018, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn Tây Ninh là 21.221 tỷ đồng, với 209.123 hộ và 312 doanh nghiệp vay, tăng 90% so với thời điểm cuối năm 2013. Các tổ chức tín dụng- nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay uỷ thác qua các hội đoàn thể đạt dư nợ hơn 3.660 tỷ đồng với 4.013 tổ vay vốn, 139.092 thành viên.

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai, quán triệt và thực hiện quyết liệt các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, dư nợ đạt 63,8 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng cũng đã ký kết quy chế phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai cho vay sản xuất nông nghiệp “sạch”, nông nghiệp công nghệ cao.

HOÀNG THI

NHI TRẦN

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
  • Công ty luật LEGALAM uy tín, chuyên nghiệp
Tin cùng chuyên mục