Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, internet phát triển, đổi mới từng ngày, ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trên toàn cầu. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật do internet dẫn dắt đã thay đổi triệt để phương thức và mô hình truyền tải thông tin báo chí truyền thông, đem đến thách thức mới cho công tác dư luận báo chí của Đảng.
Không gian mạng - “đại lượng biến thiên lớn nhất”
Những rủi ro mang tính xã hội tác động đến không gian mạng có xu hướng ngày càng rõ rệt. Không gian mạng là môi trường phức tạp nhất, là nhân tố phức tạp nhất hiện nay và cũng là “đại lượng biến thiên lớn nhất” mà chúng ta phải đối mặt, nếu làm không tốt có thể trở thành “mối hiểm hoạ hàng đầu”. Do đó, cần thực sự làm tốt công tác dư luận trên mạng, nắm chắc quyền lãnh đạo, quyền dẫn dắt dư luận trên mạng.
Sự xuất hiện của những phương tiện truyền thông mới nổi với những đặc điểm như tính kịp thời, tính tương tác hai chiều, tính tham gia đã thay đổi cơ bản cục diện truyền thông vốn có.
Thay đổi này phù hợp với quy luật tất yếu của sự phát triển xã hội loài người. Người nào có thể thuận theo xu thế phát triển mới của truyền thông, sử dụng tốt truyền thông mới, người đó có thể đứng đầu trào lưu thời đại, dẫn dắt xã hội phát triển, văn minh, tiến bộ.
Bác Hồ đọc Báo Nhân dân ở chiến khu Việt Bắc năm 1951.
Sự trỗi dậy nhanh chóng của phương tiện truyền thông mới càng làm thay đổi phương thức truyền tải thông tin và cục diện dư luận xã hội. Điều đó ngày càng trở thành những phương thức truyền tải mới của dư luận trên mạng và là nơi sản sinh, hình thành những ý kiến xã hội, ngày một trở thành lực lượng chính ảnh hưởng đến dư luận xã hội.
Quan niệm giá trị xã hội ngày càng nhiều, tư tưởng xã hội ngày càng đa dạng, trào lưu xã hội ngày càng thay đổi, xu hướng chính trị hoá các sự việc dân sinh xã hội trở nên rõ rệt.
Những đặc điểm đa chiều, đa dạng, thay đổi nhiều của dư luận trên mạng cũng ngày càng nổi bật, không ngừng tạo ra những ảnh hưởng to lớn đối với xu thế và xu hướng của dư luận xã hội. Ai nắm được diễn đàn phát ngôn dư luận, người đó có thể ảnh hưởng đến dư luận và cũng chính người đó có thể tiến thêm một bước để chiếm lĩnh thời cơ trước tiên.
Sự phổ cập rộng rãi của mạng di động đã tạo ra sự thay đổi to lớn từ “con người đi theo mạng” sang “mạng đi theo con người”. Tính tự phát và tính không thể dự liệu được của dư luận trên mạng rõ rệt hơn mạng liên kết truyền thống, khả năng huy động tổ chức xã hội mạnh hơn.
“Con người ở đâu, trận địa dư luận báo chí cần có ở đó”
Đồ phải giặt sạch mới đem đi phơi nắng. Những tiếng nói tiêu cực, phản động nếu không giảm xuống, những tiếng nói chính thống, tích cực cũng khó vang lên. Sự phát triển của internet đem đến những thuận lợi cho con người trong truyền tải thông tin, giao lưu tương tác, đồng thời, cũng dần dần trở thành nơi hội tụ và phát tán những thông tin có hại, gây tổn hại nghiêm trọng đến trật tự truyền tải thông tin và lợi ích chung.
Chỉ khi nào làm cho tất cả những thông tin có hại trên internet không có chỗ giấu mình mới có thể khiến cho “đại lượng biến đổi lớn nhất” là internet trở thành lực lượng bổ sung lớn nhất thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giáo dục dẫn dắt quần chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trước sau như một luôn coi văn nghệ, báo chí là một mặt trận. Đã là mặt trận thì phải có người lính. Người lính ở đây có thể không cầm súng, vũ khí của họ là cây bút và trang giấy. Cây bút, trang giấy có trở thành vũ khí sắc bén để “đập tan các luận điệu xuyên tạc và thù địch” hay không, điều đó phụ thuộc vào trình độ, ý thức trách nhiệm của những người làm báo.
Một thời gian dài, có nhiều ý kiến cả trong và ngoài nước luôn nói rằng, chỉ có báo chí cách mạng mới đặt nặng tính tuyên truyền, còn báo chí phương Tây chỉ thuần tuý thông tin. Đây thực ra là một ngộ nhận.
Báo chí phương Tây, kể cả Mỹ- xứ sở được coi là tự do báo chí hàng đầu thế giới, những người làm báo ở đây, qua bài viết, họ vẫn thực hiện nghệ thuật tuyên truyền. Vấn đề ở chỗ, nghệ thuật tuyên truyền như thế nào và tuyên truyền cho ai.
Không phải ai khác, chính các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: “Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành”; “một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước”.
Ngày nay, “làn sóng điện đang thay thế thanh gươm, cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc con người. “Một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng”. Kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị”.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Âm mưu cơ bản, lâu dài của họ là xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xoá bỏ chủ nghĩa Marx - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện được âm mưu cơ bản đó, các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, rất kiên trì, kiên quyết, xảo quyệt.
“Diễn biến hoà bình” là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là “thủ đoạn hoà bình để giành thắng lợi”. Nhiều chuyên gia và chính khách phương Tây còn gọi đây là phương pháp “chuyển hoá hoà bình”, “biến đổi hoà bình”, “cách mạng hoà bình” và gần đây là “cách mạng nhung”, “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”...
Trong chiến lược này, hoạt động tư tưởng - văn hoá được họ coi là “mũi đột phá”, là “cây cầu dẫn vào trận địa”, là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xoá bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Chính các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: “Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành”; “một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước”.
Thời gian gần đây, các làn sóng chống đối ta về mặt tư tưởng chính trị lại rộ lên, có lúc dồn dập. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta bên cạnh thành tựu lớn cũng xuất hiện những khó khăn và thách thức mới, các tệ nạn xã hội như tham nhũng, sự phân hoá giàu - nghèo phát triển.
Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chắc mẩm đây là cơ hội để họ dấn tới tác động, làm chuyển hoá tình hình, thay đổi đường lối ở nước ta, cho nên họ hoạt động rất điên cuồng với nhiều thủ đoạn và sách lược mới.
Họ vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển lực lượng ở trong nước ta để tạo ra sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, chống đối từ nội bộ Đảng ta, xã hội ta, hòng phá ta từ bên trong phá ra.
Những luận điệu của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị nói trên tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lúc này là hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ ta, tác động hòng làm đội ngũ ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
Không phải bây giờ, cách nay hơn 100 năm, V.I.Lênin nêu luận điểm: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự bảo vệ”. Năm 1919, tức sau khi Cách mạng tháng Mười thành công hai năm, cuốn sách “Mười ngày rung chuyển thế giới” của một nhà báo người Mỹ viết về cuộc cách mạng này khiến Lênin vô cùng yêu thích vì tinh thần tôn trọng sự thật (của cuộc cách mạng) được nêu đầy đủ trong cuốn sách.
Việt Đông