Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh xảy ra phức tạp, đặc biệt bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi và bệnh dại đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương trong nước.
Nuôi gà trên đệm lót sinh học hạn chế dịch bệnh và mùi hôi.
Ðể khống chế dịch bệnh, hướng tới nền chăn nuôi tiến bộ, bền vững, an toàn, đáp ứng yêu cầu của hội nhập, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung xây dựng các cơ sở, vùng nuôi an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi.
Huyện Dương Minh Châu: Tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Tây Ninh có huyện Dương Minh Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm. Theo số liệu thống kê, tổng đàn gia cầm của huyện là 1.271.482 con gà (tăng 18,95% so năm 2012) và 31.600 con vịt. Trong đó, nuôi trang trại là 1.187.200 con, chiếm 93,3% tổng đàn.
Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi quy mô trang trại bảo đảm an toàn sinh học. Toàn huyện có 21 cơ sở chăn nuôi gà và 11 xã, thị trấn được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle; có 10 trang trại gà đã được cấp chứng nhận chăn nuôi VietGAHP.
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dương Minh Châu, trong những năm gần đây, nhờ tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống nên tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện cơ bản ổn định. Để duy trì vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên đàn gà tại địa bàn, Trạm đã tham mưu UBND huyện xây dựng các kế hoạch, chương trình phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh đến tận xã, ấp một cách đồng bộ và liên tục.
Trong đó, mạng lưới thú y cơ sở thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh tại các hộ, trang trại chăn nuôi để phát hiện sớm và báo cáo kịp thời dịch bệnh trên gia cầm, giúp các cơ quan chức năng xử lý nhanh dịch bệnh, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho vùng; vận động các hộ, trại chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.
Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện phối hợp với các ngành chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm, cơ sở ấp trứng, kiểm soát lưu thông, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và sản phẩm gia cầm; tổ chức tiêm phòng cho đàn vật nuôi tại các hộ chăn nuôi quy mô hộ gia đình, giám sát tiêm phòng tại các trang trại chăn nuôi gia cầm.
Gò Dầu: Nỗ lực xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Những năm qua, ngành chăn nuôi ở huyện Gò Dầu đã có bước phát triển mới theo hướng chăn nuôi an toàn và bền vững, đạt được kết quả tích cực. Nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học với bảo vệ môi trường đã được thực hiện trên địa bàn.
Ông Nguyễn Thanh Long- kỹ thuật viên thú y Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gò Dầu cho biết, năm 2021, ngành chăn nuôi huyện bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm và bệnh Newcastle tại 3 xã: Cẩm Giang, Hiệp Thạnh và Phước Trạch.
Tính đến nay, huyện có tổng cộng 6 xã được công nhận là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (tăng thêm 3 địa phương so với năm 2021, gồm: Thạnh Đức, Phước Thạnh và thị trấn Gò Dầu). Dự kiến trong năm 2023, huyện sẽ hoàn thành xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại 3 xã: Thanh Phước, Phước Đông và Bàu Đồn với hai bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gia cầm.
Thực tế cho thấy, những mô hình chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, chuồng trại được thiết kế hiện đại, khoa học, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi, chủ động kiểm soát vật nuôi, giảm phát sinh dịch bệnh, giảm rủi ro trong chăn nuôi, có hệ thống vệ sinh tiêu độc sát trùng và quy trình xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Đến tháng 6.2023, toàn huyện có khoảng 30.000 con gia cầm (gồm 250.000 con gà và 5.000 con vịt) chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ và 5 trang trại chăn nuôi vịt.
Trong chăn nuôi, các cấp, ngành và cơ quan chuyên môn của huyện luôn đặt công tác phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu. Chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo định kỳ.
Thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng nguồn giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ… Khuyến khích, hướng dẫn người chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, tiến tới một nền nông nghiệp sạch. Do vậy, tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện tăng mạnh cả về quy mô và số lượng, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là xu hướng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2023, đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh có khoảng 9 triệu con, sản lượng thịt đạt 49.000 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con, tăng 40,8% số trang trại chăn nuôi gia cầm so với năm 2017. Trong đó, có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; có 1 vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Bến Cầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và 74 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Theo Sở NN&PTNT, việc xây dựng vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm dịch, vận chuyển khi xuất bán, đủ điều kiện cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, góp phần tích cực xây dựng và củng cố thương hiệu.
Tây Ninh xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Dự kiến đến năm 2025, địa phương hoàn thành xây dựng 2 vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà tại 2 huyện Tân Biên và Tân Châu.
Song song đó, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.
Minh Dương