Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời - Tầm nhìn vượt thời gian
Bài cuối: “Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò”
Thứ tư: 08:45 ngày 23/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hai nhà giáo Nguyễn Đình Tuân và Nguyễn Thị Luận (Trường Đại học Mở Hà Nội) phân tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời mình luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ nhằm bồi dưỡng và chuẩn bị cho thế hệ tương lai.

Chuyên môn cao, đạo đức vững

Có thể hiểu rằng “hồng” không chỉ bao gồm phẩm chất chính trị, tư tưởng, còn bao gồm cả đạo đức, lối sống. Đó là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân, là trình độ giác ngộ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc cùng với sự sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu cao đẹp đó.

Về phần “chuyên”, khái niệm này bao gồm trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. “chuyên” không chỉ đòi hỏi người cán bộ làm chủ được tri thức khoa học và có sự hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực chuyên môn, còn bao gồm cả kỹ năng thực hành.

Dù hoạt động trong lĩnh vực nào, người có “chuyên” phải là người nắm vững và thực hành thành thạo các công việc họ đảm nhiệm. Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên không chỉ giỏi về chính trị, còn phải thành thạo về chuyên môn, không thể lãnh đạo một cách mơ hồ, chung chung.

Người luôn coi trọng “đức” là gốc, bởi lẽ người cách mạng cần có đạo đức cách mạng làm nền tảng để hoàn thành những nhiệm vụ cách mạng một cách vẻ vang. Tư tưởng vừa “hồng” vừa “chuyên” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nguyên tắc cốt lõi trong giáo dục.

Đây không chỉ là một định hướng về việc đào tạo thế hệ trẻ, còn là kim chỉ nam cho sự phát triển toàn diện của sinh viên, giúp họ trở thành những con người không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn có phẩm chất đạo đức vững vàng.

Học sinh Trường THCS thị trấn Tân Biên.

Trong môi trường giáo dục đại học, việc kết hợp giữa “hồng” và “chuyên” mang ý nghĩa sâu sắc và quyết định đến chất lượng đào tạo cũng như sự thành công của sinh viên trong tương lai. “hồng” trong tư tưởng Hồ Chí Minh được hiểu là phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị vững vàng và lòng trung thành tuyệt đối đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Đây là nền tảng cơ bản để sinh viên hình thành nhân cách, định hình lối sống, và phát triển nhận thức đúng đắn về mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Ở môi trường đại học, việc giáo dục “hồng” không chỉ dừng lại ở việc trang bị kiến thức lý thuyết về chính trị, còn bao gồm việc rèn luyện đạo đức, lối sống giản dị, lành mạnh.

Các hoạt động ngoại khoá, chương trình tình nguyện, phong trào thi đua chính là những phương tiện hữu hiệu để nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục “hồng” cho sinh viên.

Bên cạnh “hồng”, “chuyên” là yếu tố không thể thiếu trong quá trình giáo dục sinh viên. “Chuyên” ở đây không chỉ dừng lại ở việc nắm vững kiến thức chuyên môn, nó còn bao gồm cả kỹ năng thực hành, khả năng áp dụng lý thuyết vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Trong môi trường giáo dục đại học, “chuyên” được thể hiện qua việc sinh viên không ngừng học hỏi, nghiên cứu, và sáng tạo trong lĩnh vực mình theo đuổi. Các môn học chuyên ngành, hoạt động thực tập, nghiên cứu khoa học, và các dự án thực tế là những cơ hội để sinh viên rèn luyện và phát triển “chuyên”.

Việc nâng cao trình độ chuyên môn không chỉ giúp sinh viên có khả năng làm việc độc lập, giải quyết vấn đề mà còn trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh “đoàn viên và thanh niên nói chung là rất tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Kết hợp hài hoà giữa “hồng” và “chuyên” trong giáo dục đại học không chỉ giúp thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng phát triển toàn diện, còn đóng góp vào việc xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng đáp ứng được những thách thức của thời đại. Một sinh viên “vừa hồng, vừa chuyên” không chỉ giỏi về chuyên môn, còn có tư duy chính trị vững vàng, đạo đức tốt, và tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập và phát triển mạnh mẽ, việc đào tạo sinh viên “vừa hồng, vừa chuyên” càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để đạt được mục tiêu này, các trường đại học cần tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn.

Chỉ khi làm tốt được cả hai nhiệm vụ này, giáo dục đại học mới thực sự phát huy được vai trò của mình trong việc chuẩn bị cho sinh viên hành trang vững chắc để bước vào đời và góp phần xây dựng một xã hội phát triển, văn minh.

Học để làm, không phải để loè thiên hạ

TS. Phạm Mạnh Thắng - ThS. Nguyễn Minh Quân (Khoa giáo dục chính trị - Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) nêu, Hồ Chí Minh luôn coi trọng, đánh giá cao vai trò của thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà, bởi “người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất.

Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được”.

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Từng là thầy giáo tại Trường Dục Thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ vai trò tiên phong, gương mẫu của người giáo viên đối với học trò của mình. Người luôn căn dặn phải xây dựng đội ngũ giáo viên thật sự yêu nghề, có cả đức và tài, luôn trau dồi kiến thức, rèn đức, luyện tài xứng đáng là tấm gương mẫu mực cho học trò của mình noi theo. Theo Người, thầy, cô giáo “phải có chí khí cao thượng, phải “tiên ưu hậu lạc” nghĩa là khó khăn phải chịu trước thiên hạ, sung sướng hưởng sau thiên hạ”.

Hồ Chí Minh còn yêu cầu Đảng và Nhà nước phải dành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với đội ngũ nhà giáo, Người đã chỉ thị “cần phải ưu đãi các giáo viên và khen thưởng những lớp tổ chức tốt”.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo cũng phải được thực hiện chặt chẽ, cẩn thận. Mỗi nhà giáo phải được đào tạo, trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ. Các cơ quan giáo dục cần tạo điều kiện huấn luyện, tập hợp tài liệu để làm cho các nhà giáo giảng ở ngành nào, thì phải có trình độ hiểu biết thực tiễn sâu sắc, “dần dần đi đến thành thạo công việc ngành ấy”.

Khi tuyển chọn giáo viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định phải tuyển chọn những người phù hợp. Người nhấn mạnh “Không phải ai cũng huấn luyện được” và “lựa chọn người dạy và người đến học cho cẩn thận”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phát huy năng lực trí tuệ, tính chủ động, sáng tạo của người học thì giáo dục phải đặt người học lên hàng đầu, ở vị trí trung tâm. Hồ Chí Minh đặc biệt phê phán cách dạy học không hướng đến người học, không phát huy được tư duy, năng lực cho người học.

Người yêu cầu dạy và học phải chú ý đổi mới phương pháp bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, cấp học, người học được tư duy tự do, sáng tạo. “Trong trường cần có dân chủ, đối với mọi vấn đề thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có vấn đề gì đều thật thà phát biểu, điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt, dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò”.

Giáo dục cũng phải kết hợp với thực tế để rèn luyện tri thức, kỹ năng cho người học. Vì “lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích”. Học phải đi đôi với hành, có như vậy người học mới nâng cao tinh thần tự học, biết ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu nhà trường, gia đình và xã hội phải hết sức quan tâm đến việc giáo dục và tự giáo dục cho các em. Có như vậy mới xây dựng được một xã hội tri thức, xã hội học tập, góp phần xây dựng đất nước ta, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Chính bản thân Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương sáng về tinh thần tự học và Người luôn căn dặn mỗi thầy cô giáo, nhà trường phải luôn chú trọng tạo hứng thú, phát huy tinh thần tự học cho người học.

Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đã thể hiện được tư duy sáng tạo, tầm nhìn xa trông rộng của Người đối với sự nghiệp xây dựng, kiến thiết nền giáo dục nước nhà. Chính từ nền tảng tư tưởng giáo dục của Người đã tạo ra động lực, cơ sở để Đảng, Nhà nước ta thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục