Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Quân nhân mất tin, mất tích trong chiến tranh: Thân nhân chờ đến bao giờ
Bài cuối: để không còn “câu đợi câu chờ”
Thứ hai: 09:45 ngày 31/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong loạt bài vừa qua, việc xác minh, làm rõ thân phận của quân nhân không hề đơn giản. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật (mới nhất), một số trường hợp của các bài viết trước, có thể có cơ sở để giải quyết.

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thắp hương cho liệt sĩ tại TP. Tây Ninh (ảnh chụp 21.2.2020)

Điều kiện công nhận liệt sĩ

Ngày 9.2.2020, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ưu đãi người có công với cách mạng. Điều 14 của Pháp lệnh quy định điều kiện công nhận liệt sĩ: Người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia; Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng; Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch.

Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh.

Làm nghĩa vụ quốc tế; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm; do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định; mất tích trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, i và k khoản này và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.

Sau khi Uỷ ban Thường vụ ban hành Pháp lệnh, ngày 30.12.2021, Chính phủ ban hành Nghị định 131 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Nghị định 131 có nhiều nội dung quy định cụ thể để công nhận liệt sĩ nhưng chỉ xin dẫn ra điều này: "Trực tiếp phục vụ chiến đấu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh được xác định là thực hiện các nhiệm vụ trong lúc trận đánh đang diễn ra hoặc trong khi địch đang bắn phá: cứu thương, tải thương, tải đạn, đảm bảo thông tin liên lạc, bảo vệ hàng hoá và các trường hợp đảm bảo chiến đấu. Điểm m, Điều 14 của Pháp lệnh 02 ghi: “Mất tích trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, i và k khoản này và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ”.

Đối chiếu quy định quan trọng này, bốn quân nhân Nguyễn Văn Thể, Phạm Văn Sum, Lâm Văn Mạnh và Nguyễn Văn Thức, hiện tại, chưa ai trong số đó bị kết luận “phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ”. Trừ trường hợp Phạm Văn Sum (có nhân chứng nhưng không có hồ sơ), ba người còn lại đều có hồ sơ và nhân chứng.

Trong ba trường hợp này, quân nhân Nguyễn Văn Thể có hồ sơ, nhà cửa, cha mẹ ở huyện Châu Thành. Hai quân nhân Lâm Văn Mạnh và Nguyễn Văn Thức- theo cơ quan chức năng, vướng ở chỗ xác định quốc tịch. Nhóm phóng viên không đủ thông tin, kiến thức và thẩm quyền để khẳng định họ có quốc tịch Campuchia hay không.

Nhưng có một sự thật, người thân (còn sống) cho biết, không ai trong số họ có quốc tịch Campuchia. Một luận cứ không thể bỏ qua: bạn bè, hàng xóm của hai quân nhân Lâm Văn Mạnh, Nguyễn Văn Thức đều sinh ra ở Campuchia, lớn lên tham gia cách mạng, gia nhập Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang (của Việt Nam).

Đất nước hoà bình, họ trở về Việt Nam (Tây Ninh) công tác trong chính quyền. Một số người còn giữ chức vụ quan trọng ở địa phương, tất nhiên họ đều là đảng viên. Nếu những người này mang quốc tịch nước ngoài, làm sao họ có thể giữ chức vụ quan trọng trong Đảng và chính quyền của nước ta?

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với tờ báo Tây Ninh đăng bài về quân nhân Lâm Văn Mạnh (ảnh chụp ngày 21.2.2020)

Đôi lời

So với Thông tư 28 năm 2013, Pháp lệnh 02 năm 2020 và Nghị định 131 năm 2021 quy định rõ hơn, chi tiết hơn nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc giải quyết hồ sơ tồn đọng hoặc chưa được lập hồ sơ đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Tại lễ trao thưởng Giải báo chí Diên Hồng lần thứ nhất (tổ chức tháng 6.2023), một tác phẩm đoạt giải A liên quan đến câu chuyện tìm lại danh dự cho một người lính hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Chuyện kể, người lính này hy sinh nhưng trong giấy báo tử gửi về cho gia đình lại ghi quân nhân bỏ vị trí chiến đấu, sau đó bị địch bắn chết. Hàng chục năm trời, vợ, cha mẹ, người thân của gia đình người lính vô cùng đau khổ vì tai tiếng có chồng, con hèn nhát, bỏ chạy. Nhóm phóng viên của một tờ báo đã dày công tìm gặp nhiều nhân chứng để làm sáng tỏ câu chuyện. Dù đã cố hết sức nhằm tìm ra sự thật nhưng nhóm phóng viên không thể làm gì hơn, ngoài những điều đã biết.

Sự việc chỉ được làm sáng tỏ khi nhóm phóng viên gửi toàn bộ hồ sơ của quân nhân lên Ban Dân nguyện của Quốc hội. Sau đó, Ban Dân nguyện "vào cuộc" xác minh, tìm gặp nhiều nhân chứng, kết hợp hồ sơ còn lại. Kết quả, người lính này hy sinh trong lúc đấu pháo với quân xâm lược chứ không phải bỏ chạy và bị địch bắn chết như nội dung ghi trong giấy báo tử.

Tại lễ trao giải được truyền hình trực tiếp, người thân của người lính kia không kiềm được nước mắt, vì cuối cùng, câu chuyện của chồng, con họ đã được trả lại đúng sự thật. Kể ra câu chuyện trên đây để hiểu thêm, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với thương binh, liệt sĩ sau chiến tranh không hề đơn giản. Nhưng, khó không có nghĩa không làm được.

Bốn quân nhân trong loạt bài trên- có hai người sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, hai người sinh ra, lớn lên ở Campuchia nhưng điểm chung của họ là tham gia cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trước khi hy sinh hoặc mất tin, mất tích, họ đều có tên tuổi, đơn vị công tác, có trường hợp còn được ghi rất rõ hy sinh ở đâu, lúc nào, trong trường hợp nào.

Bậc sinh thành của cả bốn quân nhân đã qua đời từ lâu, có người còn bị địch đánh chết trước khi con trai họ hy sinh (trường hợp người thân của quân nhân Nguyễn Văn Thức). Hiện nay, người thân của cả bốn quân nhân trong loạt bài chỉ còn anh, chị (đã lớn tuổi).

Trước khi khép lại loạt bài, mong rằng các cơ quan liên quan có động thái tích cực hơn, quan tâm đến không chỉ người đang sống mà cả những người đã mất, trong câu chuyện này. Sao cho những người, vì một nguyên do, tình huống nào đó, đã hy sinh vì nghĩa lớn được yên lòng, như Giáo sư Vũ Khiêu viết trên bia liệt sĩ Đồi 82, huyện Tân Biên: "Hiến thân cho nước: sống cũng vinh mà thác cũng vinh/ Hết dạ vì dân: mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ".

Việt Đông - Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục