Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những điểm sáng trong công tác tái hoà nhập cộng đồng
Bài cuối: Để những người lầm lỡ ổn định cuộc sống
Thứ sáu: 05:50 ngày 14/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là một hoạt động có ý nghĩa chính trị, xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc.

Phụ nữ hoàn lương vui mừng nhận tiền hỗ trợ vốn không lãi suất.

Kịp thời hỗ trợ vốn vay, phát triển kinh tế gia đình

Để khắc phục những khó khăn trong công tác tái hoà nhập cộng đồng, nhất là vấn đề nhu cầu vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù, UBND huyện Tân Châu chỉ đạo Công an huyện phối hợp với các ngành liên quan như Uỷ ban MTTQVN huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tư pháp và Phòng Tài chính tham mưu thực hiện việc huy động vốn từ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, thành lập mô hình “Huy động vốn của các doanh nghiệp” để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương.

Mô hình này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015, đến nay đã huy động được 580 triệu đồng. Qua đó, hỗ trợ cho 20 người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với tổng số tiền 420 triệu đồng để làm ăn, học nghề... Đại diện Uỷ ban MTTQVN huyện Tân Châu cho biết, mô hình thể hiện sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái hoà nhập cộng đồng. Khi vận động, các doanh nghiệp rất đồng tình, ủng hộ, thậm chí một số tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp vào quỹ, từ đó tạo được nguồn quỹ ngày càng lớn.

Anh C.T.P, ngụ xã Suối Ngô, huyện Tân Châu cho biết: “Khi tôi chấp hành án phạt tù trở về địa phương được cán bộ Công an huyện Tân Châu và Công an xã Suối Ngô hỏi thăm, động viên, hướng dẫn các thủ tục và giới thiệu cho vay vốn từ Quỹ phát triển tái hoà nhập cộng đồng ở huyện với lãi suất rất thấp 0,25%/tháng”. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh C.T.P vay được 25 triệu đồng, mua 2 con bò về nuôi. Hằng ngày, anh đi làm kiếm thêm thu nhập, sáng và chiều tối thì đi cắt cỏ cho bò ăn. Nhờ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, anh P có thêm vốn mua tiếp 2 con bò. Hiện tại, anh nuôi được 4 con bò, trị giá khoảng 50 triệu đồng. Anh C.T.P cảm kích chính quyền địa phương đã hỗ trợ nguồn vốn, đồng thời hy vọng trong thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện, giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như anh được vay vốn để làm ăn sinh sống.

Anh Đ.V.T, ngụ thị trấn huyện Dương Minh Châu cho biết: “Năm 2017, tuổi trẻ bồng bột, nóng tính, tôi đi tù về tội cố ý gây thương tích. Chấp hành xong án phạt tù năm 2018, do mặc cảm, tự ti với xã hội, bởi mình từng là người bị tù tội, không có công ăn việc làm, không có vốn làm ăn và cũng không biết cách bắt nhịp lại với cuộc sống nên tôi thường tụ tập uống rượu với những đối tượng xấu, gần như sa ngã trở lại”.

Vào thời điểm đó, cán bộ Công an, MTTQ và Đoàn Thanh niên Thị trấn thường xuyên gặp mặt, gọi điện thoại động viên anh T. Lúc này, anh T muốn chăn nuôi nhưng không có vốn nên tâm sự với cán bộ địa phương. Hơn 1 tháng sau, anh được hỗ trợ vốn khởi nghiệp 15 triệu đồng để nuôi gà, không tính lãi.

Anh Đ.V.T nói: “Sau khi nghiên cứu, tôi thấy nuôi gà không hiệu quả nên bàn với gia đình mở quán ăn. Nhờ nguồn vốn trên, tôi kinh doanh quán ăn, tích góp được một số tiền. Thời gian rảnh, tôi tìm thêm việc để làm. Nhận thấy nhu cầu đổ cát, đá, vật liệu xây dựng có chiều hướng phát triển, ban đầu tôi chỉ chỗ cần mua cát đá cho anh em lái xe tải bán để hưởng hoa hồng. Sau đó, tôi bàn với gia đình mượn tiền người quen 150 triệu đồng để mua xe chở cát đá. Bước đầu cũng rất khó khăn nhưng vì lời hứa với các cô chú, anh chị ở UBND Thị trấn nên tôi không ngại khó khăn tìm kiếm thị trường, tích góp từ từ. Có vốn, tôi mở công ty san lấp mặt bằng. Hiện tại, tôi có 4 chiếc xe ben, 1 xe xúc và 6 nhân công, tài xế. Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương, Công an, UBND Thị trấn quan tâm, giúp đỡ lúc khó khăn, kịp thời động viên và hỗ trợ vốn để tôi có cơ hội vươn lên, phát triển kinh tế”.

Tích cực hỗ trợ sơn, sửa nhà cho các trường hợp cần giúp đỡ.

Nhiều công trình, phần việc hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù

Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội LHPN thị xã Hoà Thành đã triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ vốn không lãi suất cho phụ nữ lầm lỗi trở về địa phương hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống năm 2022.

Bà Võ Thị Hạnh- Chủ tịch Hội LHPN Thị xã cho biết: “Ban Thường vụ Hội LHPN Thị xã đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, phường khảo sát, nắm danh sách gia đình phụ nữ hoàn lương có nhu cầu hỗ trợ vốn, có đủ sức khoẻ để chăn nuôi, sản xuất, buôn bán phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Trên địa bàn Thị xã có 20 phụ nữ chấp hành xong án phạt trở về, trong đó, 5 trường hợp có nhu cầu hỗ trợ vốn không lãi suất để có điều kiện chăn nuôi, mua bán. Ban Thường vụ Hội LHPN Thị xã vận động mạnh thường quân, hỗ trợ mỗi người 5 triệu đồng trong thời gian 1 năm, không lãi suất. Bắt đầu từ tháng thứ 2, Hội thu hồi vốn mỗi tháng 500.000 đồng để hoàn trả cho các mạnh thường quân.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn và giúp chị em có điều kiện nâng cao kiến thức, Hội Phụ nữ luôn sâu sát, động viên hướng dẫn các chị sử dụng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, hỗ trợ kiến thức chăm sóc sức khoẻ, kiến thức mua bán kinh doanh, kỹ năng tổ chức cuộc sống… Nhờ nguồn vốn này, chị em có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình, đầu tư mua bán, chăn nuôi, tăng thu nhập hằng tháng từ 3,5 - 6 triệu đồng.

Bà T.T.T, sinh năm 1958, ngụ thị xã Hoà Thành, trước đây do thiếu hiểu biết, bà tham gia vào đường dây môi giới kết hôn phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Sau khi hoàn thành thời hạn phạt tù, bà không có việc làm ổn định, không có vốn để làm ăn. Nhận thấy hoàn cảnh của bà T gặp nhiều khó khăn, Hội Phụ nữ đã hỗ trợ bà vay tiền, có vốn mua bán đồ ăn chay tại chợ Long Hải.

“Bắt đầu từ con số không, tôi tự nhủ mình phải quyết tâm phấn đấu, kiếm tiền bằng sức lao động của mình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và nỗ lực của bản thân, cuộc sống của tôi dần ổn định hơn”- bà T chia sẻ.

Tại huyện Bến Cầu, Huyện đoàn đề ra nhiều giải pháp tiếp cận, quản lý, giáo dục, cảm hoá thanh niên như: thường xuyên thăm hỏi, gặp gỡ trao đổi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, trao tặng nhiều phần quà hỗ trợ giúp đỡ thanh niên, tư vấn giới thiệu việc làm, trao vốn khởi nghiệp giúp thanh niên phát triển kinh tế... Từ tháng 2.2022, Uỷ ban Hội LHTNVN huyện triển khai thực hiện mô hình Tuổi trẻ Bến Cầu đồng hành cùng thanh niên yếu thế dựng xây “Ngôi nhà mơ ước”. Để triển khai thực hiện, đơn vị vận động nguồn lực mua các vật dụng như: nước sơn, dụng cụ... sau đó tiến hành khảo sát các hộ gia đình thanh niên yếu thế có hoàn cảnh khó khăn và bắt đầu thực hiện sơn sửa nhà. Năm 2022, đã hỗ trợ sơn sửa 38 căn nhà, trao tặng 75 phần quà cho thanh niên yếu thế trên địa bàn, với tổng số tiền 125 triệu đồng và 295 ngày công của hội viên, thanh niên.

Đại diện Huyện đoàn Bến Cầu cho biết, mô hình góp phần đồng hành, hỗ trợ thanh niên có hoàn cảnh khó khăn xây dựng mái ấm; giúp các bạn “An cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống, có nghề nghiệp, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự, kéo giảm tình hình tội phạm và tệ nạn trong thanh thiếu niên.

Ngoài ra, trong năm 2022, 100% đoàn xã, thị trấn đăng ký đảm nhận cảm hoá, giúp đỡ ít nhất 1 thanh, thiếu niên chậm tiến thành công dân tốt, tích cực tham gia các phong trào Đoàn, hội, hoạt động xã hội tại cộng đồng. Đến nay, toàn huyện duy trì 9 mô hình câu lạc bộ Thắp sáng niềm tin cấp xã, thị trấn và 1 câu lạc bộ cấp huyện. Qua đó giúp đỡ hơn 11 thanh niên chậm tiến; hỗ trợ xây nhà cho 3 thanh niên yếu thế, thanh niên chậm tiến có hoàn cảnh khó khăn; tặng 445 phần quà, 15 suất học bổng, giới thiệu vay vốn cho 32 thanh niên yếu thế phát triển sản xuất... tổng giá trị hơn 290 triệu đồng.

Những kết quả nổi bật trên thêm một lần nữa khẳng định sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác tái hoà nhập cộng đồng. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các mô hình, cách làm hay sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển, góp phần nâng cao chất lượng công tác tái hoà nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái phạm, bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

An Đông - Thiên Di

Tin cùng chuyên mục