Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vốn tín dụng ưu đãi – Điểm tựa vững chắc của người dân

Bài cuối: Để tín dụng chính sách xã hội phát triển bền vững 

Cập nhật ngày: 20/07/2024 - 10:14

BTNO - Chỉ thị số 40 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Nhiều kết quả quan trọng đạt được trong 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), trở thành điểm tựa để các cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa hoạt động tín dụng chính sách phát triển bền vững.

Từ nguồn vốn vay NHCSXH nhiều hộ vay vốn thoát nghèo bền vững.

Củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng

Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40 là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước. Điều đó thể hiện ở sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tạo động lực đổi thay trên mỗi miền quê, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng.

Giai đoạn 2014 – 2024, ngân sách địa phương bổ sung 483,3 tỷ đồng vốn uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nâng tổng nguồn vốn uỷ thác lên 535,2 tỷ đồng. Song song đó, Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp NHCSXH vận động các nguồn lực từ cuộc vận động vì người nghèo bổ sung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Đến nay, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, 9/9 đơn vị cấp huyện và 5/94 đơn vị cấp xã đã mở tài khoản tiền gửi tại NHCSXH và thực hiện gửi tổng số tiền hơn 27,3 tỷ đồng, góp phần tăng thêm nguồn vốn cho vay và giúp NHCSXH chủ động vốn cho vay.

Gia đình ông Nguyễn Chí Tâm (ấp Chánh, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) là chủ xưởng mộc chuyên làm đồ nội thất từ gỗ ép công nghiệp. Năm 2019, ông Tâm được NHCSXH huyện Bến Cầu cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư mua máy móc, thiết bị. Từ đó, cải tiến mẫu mã sản phẩm, giá thành hợp lý, tạo được uy tín đối với khách hàng. Xưởng mộc của ông Tâm hiện có tổng nguồn vốn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.

“Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho tôi có nguồn vốn làm ăn, mong là thời gian tới nhiều người như tôi được quan tâm hơn”- ông Tâm vui vẻ nói.

Do thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, nhiều năm qua, gia đình ông Luỹ Thanh Tùng (ấp Phước An, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế. Để giúp nông dân có cuộc sống ổn định, Hội Nông dân xã Phước Ninh hỗ trợ gia đình ông Tùng tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển mô hình nuôi ba ba thương phẩm, mỗi năm lợi nhuận thu về cả trăm triệu đồng.

Ông Tùng cho biết: “Khi quyết định nuôi ba ba, nguồn vốn của mình cũng có hạn, trong khi chi phí nuôi ba ba khá nặng nên đến tháng thứ 7, gần như gia đình tôi không thể cáng đáng được chi phí. May mắn, Hội Nông dân khảo sát và hỗ trợ cho tôi vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Nhờ đó, gia đình có vốn để tiếp tục chăn nuôi, kinh tế ổn định hơn từng ngày”.

Trong câu chuyện làm kinh tế của gia đình mình, ông Tâm, ông Tùng hay rất nhiều hộ gia đình khác được vay vốn ưu đãi đều nhắc đến vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội mà NHCSXH đang thực hiện. Đồng vốn tín dụng chính sách xã hội không chỉ tạo cho người nghèo nguồn lực tài chính mà còn là động lực để động viên, khích lệ họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

“Sau 10 năm thực hiện, có thể khẳng định rằng Chỉ thị 40 của Ban Bí thư đã thật sự đi vào cuộc sống, tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng. Tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân ngày càng gắn bó”- ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Tây Ninh khẳng định.

Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH giao ban định kỳ để lắng nghe tháo gỡ khó khăn.

Tiếp tục quyết tâm chính trị của tỉnh

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã phối hợp tốt với NHCSXH trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội, qua đó dần hoàn thiện cơ chế chính sách, đưa chủ trương tín dụng chính sách đến gần dân hơn, tạo khối đại đoàn kết toàn Đảng, toàn dân và củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, chính quyền.

Từ khi ra đời, Chỉ thị 40 mang đến “luồng sinh khí mới”, thúc đẩy mạnh mẽ tư duy và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, đã tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai có hiệu quả, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng.

Thời gian qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào NHCSXH; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách để thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội gắn với thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu của tỉnh.

Mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết quy định một số đối tượng chính sách khác tại địa phương được vay vốn từ nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, ngoài các đối tượng đang được thụ hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH, UBND tỉnh bổ sung thêm 4 đối tượng cho vay từ nguồn ngân sách uỷ thác của tỉnh gồm: hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo; hộ gia đình cư trú tại khu vực đô thị chưa có công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nghĩa vụ thực hiện theo chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Giai đoạn 2024 – 2025, tỉnh Tây Ninh sẽ cân đối 85 tỷ đồng uỷ thác qua NHCSXH để giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng; trong đó, năm 2024 là 40 tỷ đồng, năm 2025 là 45 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan- Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ thành phố Tây Ninh cho biết: Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, Kết luận số 06 góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trong thời gian tới Thường vụ Thành uỷ sẽ quan tâm lãnh đạo chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục triển khai, quán triệt, tuyên truyền việc thực hiện Kết luận 06 của Ban Bí thư để nâng cao nhận thức, vai trò của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong toàn Đảng bộ thành phố. Ngoài ra, sẽ quan tâm bố trí một phần ngân sách của địa phương bổ sung vào nguồn vốn vay của NHCSXH, tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách khác tiếp cận các nguồn vốn vay.

Người dân tích cực hưởng ứng chương trình  tuần lễ gửi tiết kiệm, chung tay vì người nghèo.

 “Tỉnh tiếp tục lãnh đạo chỉ đạo để phát huy thành quả, kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, đồng thời rà soát lại tất cả văn bản, chỉ đạo của Trung ương để triển khai thực hiện, qua đó có một số nội dung mới hiện nay.

Thứ nhất là Nghị quyết 11 của Quốc hội về chính sách đặc thù đối với các đối tượng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Thứ hai là Quyết định số 05 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 và rà soát tất cả các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương để thực hiện; đặc biệt, quan trọng nhất là quan tâm chỉ đạo để nâng cao vai trò hoạt động có hiệu quả NHCSXH của tỉnh cũng như các cấp, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân”- Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Có thể thấy, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay lãi nặng, tín dụng đen, đặc biệt ở những vùng nông thôn; tín dụng chính sách xã hội là một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Vũ Nguyệt

Tin liên quan
  • Bài 1: Gắn kết ý Đảng – lòng dân 

    Bài 1: Gắn kết ý Đảng – lòng dân

    Những năm qua, từ một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời từ Trung ương đến địa phương, Tây Ninh đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, ổn định sản xuất và phát triển sinh kế cho người dân.

  • Bài 2: “Đòn bẩy” thoát nghèo bền vững 

    Bài 2: “Đòn bẩy” thoát nghèo bền vững

    Nếu nói tín dụng chính sách là “cánh buồm đưa con thuyền an sinh vươn khơi”, thì Chỉ thị số 40-CT/TW ví như “ngọn gió” đẩy con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn.