Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian qua,Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tăng cường công tác liên kết đào tạo với khoảng 30 doanh nghiệp, hỗ trợ giới thiệu thực tập và giải quyết việc làm cho trên 90% học sinh tốt nghiệp ra trường
Giảng viên hướng dẫn sinh viên áp dụng phần mềm Mosa trên máy tính.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số là tăng cường các điều kiện bảo đảm về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy-học và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học.
Đầu tư nguồn lực phục vụ chuyển đổi số
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm hỗ trợ, chương trình giảng dạy, học liệu... để đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển tất yếu của giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Thầy Phạm Văn Vinh- Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh chia sẻ, hạ tầng mạng, trang thiết bị, đường truyền... ở trường còn thiếu và lạc hậu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số do không bảo đảm kinh phí.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu của nhà trường còn quản lý riêng lẻ, phần mềm, hệ thống chưa bảo đảm kết nối nhau. Về nguồn nhân lực, một số giáo viên còn hạn chế về kỹ năng sử dụng các phần mềm, có tâm lý ngại đổi mới.
Để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, nhà trường sẽ đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cấp đường truyền, dịch vụ internet trong phạm vi kinh phí được cấp; xây dựng cơ sở dữ liệu của nhà trường thống nhất trên phần mềm và có kết nối với nhau.
Cô Lê Thị Thu Thảo- Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Tây Ninh cho biết, để hoạt động giáo dục hiệu quả cần có hạ tầng công nghệ, trang thiết bị cần thiết cho cả người học, người dạy và người tham gia quản lý.
Không chỉ các thiết bị phần cứng như hệ thống máy móc, đường truyền internet mà còn có các ứng dụng, phần mềm, các nền tảng để toàn bộ hoạt động giáo dục có thể diễn ra một cách thuận lợi trên các nền tảng và ứng dụng đó.
Vì thế, rất cần sự đầu tư nguồn kinh phí phù hợp, đúng mức để nhà trường đẩy mạnh phát triển học liệu điện tử, bảo đảm người học được tiếp cận đầy đủ nguồn học liệu khi đào tạo trực tuyến.
Trước mắt, nhà trường chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo; phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý học sinh, sinh viên, kết nối doanh nghiệp; đẩy mạnh việc bảo đảm chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến kết hợp triển khai đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số.
Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp
Thời gian qua, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật tăng cường công tác liên kết đào tạo với khoảng 30 doanh nghiệp, hỗ trợ giới thiệu thực tập và giải quyết việc làm cho trên 90% học sinh tốt nghiệp ra trường.
Thầy Phạm Văn Vinh- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, qua chương trình liên kết đào tạo, đội ngũ giáo viên học tập được nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn, tiếp cận với tiến bộ khoa học để giảng dạy tốt hơn cho học sinh. Nhà trường kịp thời điều chỉnh chương trình học phù hợp với doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học trong đào tạo nghề, trong thời gian tới, nhà trường sẽ quan tâm phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đổi mới và phát triển chương trình đào tạo gắn với chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng, nền tảng và học liệu số; triển khai thực hiện quản lý số và quản trị số. Nhà trường kiến nghị tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng nhằm phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; bố trí nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng, nền tảng và học liệu số.
Theo cô Lê Thị Thu Thảo- Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, nhà trường thường xuyên hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu, cập nhật các công nghệ mới, yêu cầu của doanh nghiệp đưa vào chương trình đào tạo cho phù hợp.
Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành ứng dụng, trong đó, có các kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số cho sinh viên. Học sinh, sinh viên đều được nhà trường bố trí thực tập ở doanh nghiệp, tăng cường sắp xếp thực tập theo thời gian do doanh nghiệp đề xuất.
Trường đang thúc đẩy và tiến tới phối hợp với doanh nghiệp trong việc biên soạn chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo. Trong đó, mời chuyên gia đến từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên thông qua các hình thức đào tạo song hành, đào tạo kép, đào tạo theo địa chỉ, tổ chức hội thảo, tham quan thực tế tại doanh nghiệp cho cả giáo viên và học sinh, sinh viên.
Hằng năm, 100% giáo viên nghề đi thực tế tại doanh nghiệp nhằm tiếp xúc với thiết bị công nghệ mới và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Nhà trường chủ động liên hệ, làm việc với hơn 50 doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp và đơn vị sử dụng lao động để thu thập thông tin, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, trong nhiều năm liền, số học sinh, sinh viên của trường có việc làm phù hợp sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp đạt trên 90%.
Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao. Các chương trình đào tạo tiếp tục được biên soạn theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, phục vụ phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Trường đề xuất tỉnh xây dựng hành lang pháp lý để hiện thực hoá nguồn kinh phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ trên cả nước. Mặt khác, tổ chức tập huấn bài bản, chi tiết nhằm định hướng cho các đơn vị giáo dục nghề nghiệp về chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào giảng dạy, quản lý giáo dục
Theo Kế hoạch số 2139/KH-UBND ngày 12.7.2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà tỉnh chú trọng thực hiện thời gian tới gồm:
Tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục như: bảo đảm các điều kiện về hạ tầng số, trang bị các thiết bị đầu cuối, máy vi tính đủ đáp ứng dạy môn Tin học và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; bảo đảm kết nối internet cáp quang tới tất cả các cơ sở giáo dục; an toàn, an ninh thông tin các hệ thống số hoá...
Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy - học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường giám sát, đánh giá việc thực hiện cơ chế, chính sách.
Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên và người học; nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực về chính phủ điện tử (HCI).
Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển kinh tế số trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể: Đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và hiệp hội về công nghệ thông tin để tìm hiểu và lựa chọn các giải pháp công nghệ tiên tiến về công nghệ giáo dục và chuyển đổi số áp dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; ưu tiên cho phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến, hệ thống học tập trực tuyến, kho học liệu số dùng chung, cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục.
Ngoài ra, thúc đẩy phát triển kinh tế số, các giải pháp không sử dụng tiền mặt trong ngành Giáo dục nhằm tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý cũng như cung cấp dịch vụ của đơn vị, tăng cường trải nghiệm tiện ích cho phụ huynh, học sinh và cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động.
Nhi Trần - Trúc Ly