Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hồ Chí Minh là một người có hoài bão và từ thời thơ ấu Người đã mong muốn đất nước mình được độc lập và đồng bào được no ấm.

Nhân dân chiếm một vị trí quan trọng, vững chắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, người mà trong lời nói và việc làm của mình luôn luôn nhấn mạnh đến độc lập và phúc lợi của nhân dân. Nói thế bởi vì Người có thể tập hợp các tầng lớp nhân dân khác nhau của xã hội Việt Nam, kể cả số ít đại diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam. Không chỉ những người khoẻ mạnh mà cả phụ nữ, người già, người tàn tật và trẻ em cũng có vai trò, ý nghĩa như những người lính của cuộc chiến tranh giải phóng trên các mặt trận khác nhau.
Một con người có hoài bão lớn
Geetesh Sharma, Chủ tịch điều hành Uỷ ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam nêu tiếp: Sự lãnh đạo tài tình của Hồ Chí Minh có sức ảnh hưởng kỳ diệu đối với nhân dân Việt Nam, những người sẵn sàng hy sinh bất kể cái gì với hy vọng và niềm tin rằng sau ngày giải phóng, tất cả mọi người có thể cùng hưởng kết quả của nền độc lập. Thực tế cho thấy sau giải phóng, những khát vọng của nhân dân Việt Nam đã không hề bị lạc hướng.
Nhân dân Thủ đô New Delhi nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị Ấn Độ (5 - 14.2.1958). Ảnh: TTXVN
Hồ Chí Minh là một người có hoài bão và từ thời thơ ấu Người đã mong muốn đất nước mình được độc lập và đồng bào được no ấm. Để tránh khỏi bị bắt vào tay của chính quyền thực dân Pháp, Người đã ra đi bí mật để tổ chức và đoàn kết nhân dân chống lại thế lực đế quốc.
Là một học sinh ở Huế, Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng và được khích lệ sâu sắc bởi các lý tưởng về tự do, bình đẳng và bác ái của Cách mạng Pháp. Tiếp đó, khi làm giáo viên ở Phan Thiết, Người đã có cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm dịch sang tiếng Trung Quốc của Rousseau và Montesquieu và Người đã quyết định đi về phía Tây, đến với miền đất của cuộc cách mạng nổi tiếng đã nổ ra trên thế giới với hy vọng tìm được con đường cứu nước đúng đắn.
Trong năm 1911, Người vào Sài Gòn (hiện nay là Thành phố Hồ Chí Minh) là nơi mà người hoạt động bí mật trong một thời gian ngắn. Trong thời gian này, một thương gia Ấn Độ thuộc gia đình Gupta sống ở đây nhiều năm đã giúp đỡ Hồ Chí Minh, bấy giờ có tên là Nguyễn Tất Thành.
Hồ Chí Minh quyết định rời Việt Nam nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ và hợp tác cho sự nghiệp giải phóng của Việt Nam ở một số nước, đặc biệt ở Pháp. Người nghĩ rằng sẽ là tốt nếu dành thời gian để nghiên cứu các kinh nghiệm thấy được ở các nước khác nhau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thân mật Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru thăm hữu nghị Việt Nam (17.10.1954) ngay khi Hà Nội vừa được giải phóng. Ảnh: TTXVN
Như đã nói trên, một thương gia người Ấn Độ Gupta làm ở Việt Nam đã giúp Hồ Chí Minh rời đất nước (về sau sự kiện này đã được đưa vào một trong những bộ phim sản xuất ở Việt Nam). Xem ra sự gặp gỡ ban đầu và tốt đẹp này giữa Hồ Chí Minh với một người Ấn Độ đã có tác động lâu dài mãi đối với người về Ấn Độ.
Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, được sự hậu thuẫn của chủ nghĩa quốc tế và sự tận tuỵ của Người đối với sự nghiệp hoà bình, hữu nghị và tiến bộ của nhân loại, đã thúc đẩy Người huy động tiền bạc để tìm kiếm thuốc men và tham gia vào các cuộc tuần hành biểu tình đòi chấm dứt sự bao vây kinh tế của bọn đế quốc chống lại Liên bang Xô viết cũng như biểu tình đòi công nhận chế độ Xô viết.
Do những cống hiến đối với sự nghiệp của nhân dân và năng lực đấu tranh vì sự nghiệp đó, Hồ Chí Minh được tham gia đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp đi dự Đại hội Quốc tế cộng sản ở Moskva và tự mở ra các cơ hội tại các cuộc gặp gỡ quốc tế của nông dân, thanh niên, phụ nữ và các tổ chức nhân đạo.
Hồ Chí Minh không bao giờ ủng hộ chiến tranh và Người đã làm hết sức mình để tìm ra một giải pháp hoà bình với Pháp. Trong bức thư gửi những người Pháp ở Đông Dương tháng 10.1945, Người viết: “Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hoà bình - một nền hoà bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da ư?”.
Thậm chí trong khi lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc chiến vũ trang với quyết tâm cao chống lại sự gây hấn của Pháp, Người đã liên tục kêu gọi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp cũng như gửi tới các nhà lãnh đạo của các đảng Cộng hoà, Xã hội và Cộng sản, thúc giục họ đưa đất nước họ đi theo các lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái bằng cách chấm dứt chiến tranh và vãn hồi hoà bình ở Việt Nam.
“Không giam mình trong tháp ngà”
Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự thanh bạch và sự giản dị của Người không phải là để làm phách, đánh bóng và thu hút công chúng. Thậm chí sau khi trở thành vị Chủ tịch của nước Việt Nam, Người vẫn giữ lối sống thanh bạch của mình. Mặc dù có cả một Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, nơi ở chính thức của Chủ tịch, Người vẫn chọn một ngôi nhà nhỏ trong khu nhà của Phủ Chủ tịch để ở cho đến cuối đời. Người chỉ sử dụng Phủ Chủ tịch trong các cuộc gặp chính thức hoặc dùng cơm với các quan chức cao cấp ngoại quốc.
Năm 1958, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, tấm thảm đỏ được trải để vinh đón Người nhưng Người từ chối bước vào và cũng khiêm nhường từ chối ngồi vào chiếc ngai nạm vàng - bạc trong buổi đón được tổ chức theo nghi thức nhà nước, mặc cho Jawaharlal Nehru đề nghị. Trong chuyến thăm Ấn Độ, Người đã từng gặp và bắt tay thân mật với tài xế ôtô. Người dùng đôi xăng-đan được làm từ lốp cũ của máy bay bị pháo phòng không bắn rơi. Đôi dép đó đã trở thành thương hiệu của sự thanh bạch giản dị của Người và của các lãnh đạo, cán bộ, tri thức. Đặc biệt các nhà hoạt động ở Tây Bengal đã lấy nguồn cảm hứng từ Hồ Chí Minh để bắt đầu dùng dép làm từ lốp cũ. Trong khi thực hiện các nghi thức trồng cây ở Delhi, Người đã tự tay làm tất cả trước sự ngạc nhiên tột bậc của dân chúng có mặt hôm đó. Đối với họ, không thể có một vị Chủ tịch nước nào mà lại tự mình làm hết các công việc trồng cây.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và triết lý chính trị theo định hướng vì nhân dân của Người không phải là ảo tưởng theo bất kỳ nghĩa nào. Tầm nhìn, tư tưởng và triết lý của Người là tự do thoát khỏi cái phức tạp. Trong ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã chứng kiến tận mắt chế độ hành chính, sự giàu có, bần cùng, bóc lột, sự lạc hậu về xã hội và tinh thần, nô dịch ngoại bang và phong kiến dân tộc của không chỉ của châu Á mà cả của châu Âu, châu Phi và một số nước châu Mỹ. Đi đến đâu Người cũng thu thập tài liệu tin tức một cách chi tiết về nhân dân. Là người đọc nhiều sách, Người học được nhiều kiến thức từ sách vở bên cạnh hoạt động thực tiễn. Người đọc nhiều tác gia nổi tiếng, các nhà triết học, các nhà cách mạng của nhiều nước bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, bên cạnh việc tham gia vào các cuộc mít tinh và hội nghị quốc tế đã bồi dưỡng tri thức của Người đến mức độ vĩ đại. Người đã đồng hoá cái cốt lõi của toàn bộ kinh nghiệm với triết lý của mình và do đó triết lý theo định hướng nhân dân hoàn toàn thực dụng và thực tiễn. Sự thành công của chiến lược này ở chỗ nó có thể giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ ngoại bang. Sự kiện này đã được viết trong những trang vàng của lịch sử Việt Nam.
Hồ Chí Minh là người bạn thực sự và vĩ đại đối với Ấn Độ. Người làm cho mối quan hệ hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam trở nên có một ý nghĩa và tầm quan trọng và đã nhận được sự hưởng ứng tương ứng từ phía Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ luôn có tình cảm với đất nước và nhân dân Việt Nam. Nhân dân và Chính phủ Ấn Độ đã ủng hộ không chỉ sự nghiệp đấu tranh giải phóng của Việt Nam mà còn mang đến cả vật chất và tinh thần hợp tác xây dựng lại nền kinh tế của Việt Nam sau ngày giải phóng.
Khi nghe tin về sự ra đi của Hồ Chí Minh, Nehru thật sự bị sốc và đã thể hiện sự kính trọng của mình đối với nhà lãnh đạo đã khuất trong những lời sau đây: “Ông không chỉ là một nguời yêu hoà bình mà còn là một người đặc biệt nhã nhặn và hữu nghị, Người không bao giờ tự nghĩ về mình là ai, rất giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người không tự giam mình trong tháp ngà. Người chủ yếu là người của công chúng, là một nhà lãnh đạo biết làm thế nào để kết hợp sự rộng lượng hào phóng tột bậc hiếm có với sự kiên định cứng cỏi nhất. Bởi bất kỳ chuẩn mực nào, Hồ Chí Minh là con người nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”.
Việt Đông