Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giá trị vĩnh cửu của hoà bình
Bài cuối: Không tự do nào tồn tại nếu quyền được sống bị tước đoạt
Thứ hai: 00:01 ngày 12/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðể giữ được nền hoà bình, tự do và phát triển, đòi hỏi mỗi người Việt Nam, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, cũng nên hướng về đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói với người đứng đầu chính phủ Mỹ: “Khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Biệt đội Con Nai của Mỹ cùng lãnh đạo Việt Minh.

Những ngày chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, lịch sử còn ghi nhận (có nhân chứng sống chứ không phải hư cấu, bịa đặt) rằng, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng thiện chí của mình, đã sẵn sàng làm bạn với nước Mỹ.

Trong một bộ phim tài liệu phát sóng trên VTV, một cựu chiến binh Mỹ trong toán đặc nhiệm “Biệt đội Con Nai” hoạt động ở phía Nam Trung Quốc, phía Bắc Việt Nam thời đồng minh kháng Nhật nhắc lại kỷ niệm khó quên với vị lãnh tụ Việt Nam.

Ông kể, khi Cách mạng tháng Tám thành công, những người Mỹ trong “Biệt đội Con Nai” cùng Việt Minh trở về Hà Nội. Tại đây, người dân Hà Nội đón những sĩ quan Mỹ như thượng khách, đối đãi nồng hậu.

Một hôm, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông sang phòng làm việc và nói “Tôi muốn cho ông xem cái này”. Nói xong, vị lãnh tụ đưa cho người sĩ quan một xấp giấy, hoá ra đó là bản thảo Tuyên ngôn độc lập, được viết bằng tiếng Anh.

Kể lại với đoàn làm phim, người sĩ quan Mỹ (rất cao tuổi) nói rằng, ông bất ngờ đến sửng sốt, vì hai lẽ. Thứ nhất, ông không ngờ chính Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cho ông xem bản thảo Tuyên ngôn độc lập.

Thứ hai, điều đặc biệt bất ngờ, Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam lại mở đầu bằng câu nói được lấy trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, năm 1776. Những tưởng hai nước sẽ có mối quan hệ bạn bè nhưng sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, các đại cường, vì lòng tham, đã tìm cách chia lại bàn cờ thế giới.

Lịch sử, sau đó xảy ra như thế nào, chúng ta đều đã biết: Việt - Mỹ trải qua một chương đau buồn, bởi chính phủ Mỹ không tôn trọng quyền tự quyết dân tộc của Việt Nam. Trải qua những bước thăng trầm, ngày nay, Việt - Mỹ đã thiết lập quan hệ ngoại giao.

Năm 2016, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Washington D.C, Phó Tổng thống lúc đó, ông Joe Biden (giờ là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ) đọc tặng Tổng Bí thư hai câu Kiều bằng tiếng Anh: “Thank heaven we are here today/ To see the sun through parting fog and clouds” (Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”), nhằm nói về quan hệ giữa hai nước.

Mối quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc chẳng những được tái lập, mà còn nâng lên tầm cao mới: thiết lập đối tác và đối tác chiến lược. Thế nhưng, đáng tiếc, những cường quốc, với vị thế của mình, vẫn có lúc áp dụng “tiêu chuẩn kép” đối với nước nhỏ.

Bản báo cáo, phúc trình hằng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ hoặc của các tổ chức khác có trụ sở ở nước này thường xuyên sử dụng lá bài tự do, nhân quyền, tôn giáo để để đưa ra những yêu sách vô lý đối với Việt Nam.

Mới đây nhất, một vài tổ chức “chuyên hành nghề nhân quyền”- trong đó có tổ chức “Ngôi nhà tự do” có trụ sở tại Mỹ vu khống, bịa đặt về “nhiều loại tự do” ở Việt Nam, trong đó có tự do internet, tự do đi lại. Ðể khỏi dài dòng, nói trắng ra rằng, tổ chức “Ngôi nhà tự do” nói Việt Nam không có tự do thông tin là những lời bịa đặt không chút ngượng miệng.

Cần nhắc lại, năm 2018, trước khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, nhiều nhân vật tự nhận mình là “dân chủ, cấp tiến” kêu gọi không thông qua dự án luật này vì cho rằng luật xâm hại quyền tự do cá nhân, làm ảnh hưởng tiến trình hội nhập.

Tại thời điểm đó, trả lời phỏng vấn của Báo Tây Ninh, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương thông tin, Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan... Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết. Mà đó cũng là xu thế chung hiện nay, trên thế giới có đến 138 nước có Luật An ninh mạng, trong đó có 95 nước đang phát triển.

Tháng 7.2015, Quốc hội Ðức thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Luật An ninh mạng của Ðức yêu cầu các công ty và cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu, và phải được Văn phòng Bảo mật thông tin Liên bang (BSI) chứng nhận.

Các công ty có trách nhiệm thông báo cho Văn phòng về các vụ tấn công mạng bị nghi ngờ trên hệ thống của họ. Luật này có liên quan đến các lĩnh vực được coi là “cơ sở hạ tầng quan trọng” quốc gia, chẳng hạn như giao thông vận tải, y tế, nước, nhà cung cấp viễn thông, cũng như các công ty tài chính và bảo hiểm.

Tại Singapore, Luật An ninh mạng được ban hành năm 2017 cho phép Cơ quan An ninh mạng nước này theo dõi và quản lý an toàn không gian mạng của quốc gia. Cơ quan An ninh mạng được phép thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và nhanh chóng ứng phó với các mối đe doạ và sự cố.

Chính phủ Singapore liệt kê 11 lĩnh vực được xem là cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, trong đó có nước, y tế, hàng hải, truyền thông, thông tin, năng lượng và hàng không. Ngoài ra, Singapore cũng ký một tuyên bố chung với Ðức để tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa hai nước.

Một thống kê chính thức cho thấy, tính từ năm 1997, lúc Việt Nam hoà vào mạng internet toàn cầu, đến tháng 1.2020, gần 70% dân số trong tổng số gần 100 triệu dân sử dụng mạng internet.

“Có thể nói, tỷ lệ người sử dụng internet của Việt Nam cao hơn so với trung bình của khu vực khá nhiều và chúng ta đã đạt được 80% so với các nước phát triển. Việt Nam đạt 71,3% tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet hiện nay, trong khi trung bình thế giới chỉ 57,4%.

Con số này tại các nước phát triển là 85%, châu Á - Thái Bình Dương là 53%. Như vậy, tỷ lệ của Việt Nam cao hơn trung bình khu vực, đạt 83,7% so với các nước phát triển. Còn theo số liệu của We are Social, trung bình mỗi ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 giờ 42 phút để vào internet, trong đó, 2 giờ 33 phút là dành cho mạng xã hội. 94% người dùng internet Việt Nam lên mạng hằng ngày. Chỉ số này cao hơn so với trung bình của thế giới, cho thấy người Việt Nam quan tâm đến thông tin, internet” - báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu.

Con số nêu trên đã đủ chứng minh cho việc “không có tự do thông tin, tự do internet ở Việt Nam” chưa?

Một điều vô cùng hài hước, mỉa mai, đó là, một mặt, các tổ chức nhân danh nhân quyền nói Việt Nam không có tự do internet, mặt khác, lại cáo buộc Việt Nam là một trong những quốc gia “dung túng cho tin tặc tấn công vào nhiều máy chủ ở các nước khác”.

Tổ chức “Ngôi nhà tự do” còn vu khống, bịa đặt trắng trợn khi nói rằng, Việt Nam lợi dụng dịch bệnh Covid- 19 để hạn chế quyền tự do đi lại, quyền truy cập thông tin của người dân. Trước cáo buộc vô căn cứ đến mức thô thiển này, một người dân bình thường cũng cảm thấy những người trong “Ngôi nhà tự do” đó “có vấn đề”.

Trong bộ phim “Ðừng đốt” của điện ảnh Việt Nam, công chiếu cách nay chừng 8 năm, nói về cuốn nhật ký của liệt sĩ Ðặng Thuỳ Trâm có chi tiết hai người lính ở hai phía đối địch tử trận lại an táng ở cạnh nhau.

Sau đó, một quả bom do quân Mỹ thả xuống biến hai nấm mồ thành những hạt cát trong khói lửa mù mịt của chiến tranh. Hình ảnh này được các nhà phê bình điện ảnh đánh giá là chi tiết “cực đắt”, bởi qua đó gửi đi một thông điệp về sự tàn bạo của chiến tranh: Khi sống, họ đối đầu nhau, nhưng lúc nằm xuống, họ lại ở cạnh nhau.

Mà có ở cạnh nhau vẫn không yên bởi những quả bom liên tục từ máy bay dội xuống. Trong bộ phim Ván bài lật ngửa, một nhà báo Mỹ hỏi nhân vật Nguyễn Thành Luân (nguyên mẫu là anh hùng tình báo Phạm Ngọc Thảo) rằng, cuộc chiến đấu của các ông là vì cái gì? “Cuộc chiến đấu của chúng tôi suy cho cùng cũng là vì văn hoá, vì tự do”- nhân vật Nguyễn Thành Luân trả lời.

Ngày 20.3.2021, trên mạng xã hội xuất hiện một tấm ảnh về sự hy sinh mất mát trong chiến tranh. Phía trên bức ảnh có dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, bên trái ghi tên của người lính đã hy sinh- Nguyễn Tất Tân, bên phải ảnh ghi “hy sinh tại chiến trường Tây Ninh”. Bức ảnh cho thấy, người mẹ già hơn 100 tuổi ôm hài cốt của con vào lòng… Quyền được sống là quyền căn bản nhất, như chính Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ đã khẳng định. Có thứ tự do nào quý hơn mạng sống con người?

Tháng 4 lại về. Bao triệu con dân đất Việt lại bồi hồi về thời khắc cách nay hơn 45 năm khi giang sơn thu về một mối. Kể từ ngày 30.4.1975, như một nhà thơ đã viết: “Ba mươi năm trường kỳ kháng chiến/ Ta đã đi và ta đã đến/ Thật đây rồi, hạnh phúc cầm tay/ Ðộc lập tự do, từ nay vĩnh viễn...”.

Ðối với Việt Nam, nền hoà bình chúng ta đang có không phải là nền hoà bình “miễn phí”. Cách nay gần 20 năm, Báo Tây Ninh có đăng bài viết của một vị lãnh đạo trong quân đội (người hiện giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

Trong bài, tác giả nêu, có nhiều người nói cuộc kháng chiến giải phóng, thống nhất đất nước của Việt Nam phải trả một cái giá quá đắt. Tác giả không phản đối điều đó. Song ông cũng thẳng thắn rằng, để bảo vệ sự trường tồn của dân tộc, để thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quyền dân tộc tự quyết, quyền được sống trong hoà bình, người Việt Nam biết rằng, không còn một cái giá nào rẻ hơn.

Ðể giữ được nền hoà bình, tự do và phát triển, đòi hỏi mỗi người Việt Nam, dù ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, cũng nên hướng về đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói với người đứng đầu chính phủ Mỹ: “Khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Việt Ðông

Tin cùng chuyên mục