Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Truyền thông đen hay là những ngòi bút bị tha hoá

Bài cuối: “Lấp những hố bom, xoá mọi đau buồn” 

Cập nhật ngày: 10/03/2021 - 06:33

BTN - Trong một dịp trao đổi với bạn bè thế giới, trong đó có nhiều phóng viên nước ngoài, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân là cơ sở quan trọng, quyết định nhất đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình và chúng tôi tin tưởng rằng, đó là sự lựa chọn đúng đắn vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam”.

Một cảnh ở Syria trước và sau khi xảy ra xung đột. Ảnh: Sputnik

Có những người khi mới "tập tễnh" theo nghề cầm bút, bằng chút năng khiếu của mình, có ít nhiều thành công, gây được tiếng vang. Nhiều tác phẩm của họ được các tờ báo, nhà xuất bản trong nước nâng niu, chăm chút. Nhờ đó, công chúng biết đến họ và độc giả cũng mừng vì đội ngũ những người cầm bút ngày càng lớn mạnh, trưởng thành.

Ðáng tiếc là, khi có chút thành công, họ nhầm tưởng, tự thấy rằng mình có "quyền lực" ghê gớm, lạm dụng vai trò nghề nghiệp để viết bài, đưa ra nhận định gây hoang mang dư luận,  mọi chuyện theo ý chí chủ quan, kể cả những chuyện liên quan vận mệnh quốc gia.

Cách nay chỉ ít ngày, một nhà văn (tạm gọi như vậy chứ không hẳn là nhà văn đúng nghĩa) lên tiếng với một trang mạng của nước ngoài (phát bằng tiếng Việt) rằng, đã đến lúc Ðảng Cộng sản Việt Nam nên chia ra làm hai đảng để bảo đảm tính dân chủ và giữ được tính ổn định. Không nên “bỏ bóng, đá người” nhưng cũng cần điểm lại vài nét về nữ nhà văn này.

Bà xuất thân là một giáo viên phổ thông ở một huyện miền núi thuộc khu vực Bắc Trung bộ. Sau thời gian làm cô giáo, cơ duyên cộng chút năng khiếu, bà bỏ phấn cầm bút. Thuở ban đầu, nhiều tác phẩm của bà được đăng ở nhiều tờ báo trong nước.

Tác phẩm của bà được gọt giũa kỹ lưỡng bởi biên tập viên của các tờ báo, nhà xuất bản. Sau thành công ban đầu, ít nhiều khẳng định được chỗ đứng của mình trên văn đàn, tức có chút “thương hiệu”, "nhà văn" này bắt đầu lớn tiếng đòi dân chủ.

Kể từ sau khi qua châu Âu định cư, bà thường xuyên có cái nhìn ác cảm với chế độ trong nước, gần đây nhất, bà lên tiếng “đề xuất, kiến nghị” Ðảng Cộng sản Việt Nam nên chia tách làm đôi. Ngoài ý kiến vừa nêu, trên trang cá nhân, bà này thường xuyên có những bài viết thiếu thiện chí, ác ý một cách có chủ đích về tình hình trong nước.

Cứ theo “tôn chỉ mục đích” của một số “nhà dân chủ”, trên trang cá nhân, họ viết gì là quyền của họ, vì đó là tự do ngôn luận- như họ quan niệm. Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam, bất kỳ chính thể nào cũng vậy, không có thứ tự do nào cho phép những người cầm bút bịa đặt, bóp méo về một tổ chức hay cá nhân nào đó.

Ðã có lần, chúng tôi (người viết bài) liệt kê hàng loạt các quốc gia châu Âu, Bắc Mỹ- nơi tự nhận là tự do nhất thế giới, họ vẫn đặt ra nhiều biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với thông tin bịa đặt, gây thù hận trên internet.

Trở lại câu chuyện, không riêng gì nữ nhà văn, tham gia “kiến nghị” trên còn có một số người khác, có nhân vật từng công tác trong lực lượng được coi là rường cột quốc gia. Ðể khỏi mất thời gian, xin nói ngay rằng, chia tách đảng làm đôi, đó là một đề xuất không bình thường.

Trước hết, xin nêu một vấn đề đối với những người đưa ra đề xuất trên: cơ sở nào, dựa vào đâu, cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tế ở Việt Nam để quý vị cho rằng, tách đảng ra làm hai vẫn giữ được ổn định, không biến loạn? Mỗi quốc gia đều có cách thức, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của riêng mình.

Một mô hình có thể phù hợp với quốc gia này nhưng không hẳn phù hợp, thậm chí có hại đối với một quốc gia khác. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, những biến động, bạo loạn, nội chiến ở một số quốc gia, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các đảng phái tranh giành quyền lực.

Nhiều quốc gia ở Tây Á, Bắc Phi gần như đã sụp đổ hoàn toàn, lãnh thổ chia năm xẻ bảy, chính quyền trung ương chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Ngoài sự can thiệp của các thế lực quốc tế bằng “món quà dân chủ”, sự sụp đổ của các quốc gia nêu trên, có nguyên nhân từ sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, bộ tộc, bộ lạc với nhau.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết rằng, trước ngày 3.2.1930, trên lãnh thổ của Việt Nam thuộc địa có ba tổ chức cộng sản khác nhau. Sự tồn tại cùng lúc của ba tổ chức này chẳng những hoạt động không hiệu quả mà còn phương hại đến cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Nhận thấy nguy cơ đó, bằng tài năng, uy tín của mình, Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chủ trì hội nghị hợp nhất ba tổ chức đảng nói trên. Sự phát triển của cách mạng Việt Nam, sau đó như thế nào, có lẽ không cần phải nhắc lại.

Như vậy, nhìn nhận cả trên phương diện lý thuyết cũng như thực tiễn của nước ta, mô hình đa đảng hoàn toàn không phù hợp. Lúc còn giữ cương vị Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Ðinh Thế Huynh, người trước đó từng giữ chức Tổng biên tập Báo Nhân Dân đã tuyên bố công khai với thế giới và cả các “nhà dân chủ” rằng, Việt Nam không có nhu cầu đa đảng.

Sau khi nhận thấy lá bài “đa đảng” không còn “ăn tiền”, tức không đủ sức thuyết phục, một số người làm nghề cầm bút, lại quay sang đòi chia đảng làm đôi. Ở đây, động cơ của họ là gì, liệu có phải vì một Việt Nam hùng cường?

Tối 5.3.2021, kênh truyền hình của Báo Nhân Dân và kênh VTV1 của Ðài truyền hình Việt Nam phát sóng tập 85 bộ phim tài liệu “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”. Trong tập phim này (nói về những sự kiện diễn ra năm 2015), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thời điểm này chưa nhận nhiệm vụ Chủ tịch nước), ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng, ông đã nói với Tổng thống Mỹ Obama rằng, hai nước Việt Nam và Mỹ cần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.

Tổng thống Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ, ngay tại cuộc hội đàm, bày tỏ sự tán thành với lãnh đạo Việt Nam. Như chính Tổng Bí thư của Ðảng đã nói, chỉ vài chục năm trước, không ai nghĩ rằng, có một ngày, người đứng đầu Ðảng Cộng sản Việt Nam lại ngồi trò chuyện với người đứng đầu nước Mỹ ngay tại thủ đô của quốc gia này.

Thomas A.Hutchings - một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam viết: “Việt Nam đang thay đổi và có một lịch sử đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước thật hào hùng. Bất cứ nỗ lực bên ngoài nào để áp đặt “những giá trị dân chủ kiểu Mỹ” và kêu gọi chấp nhận thể chế đa nguyên, đa đảng cho Việt Nam thì Việt Nam phải kiên quyết từ chối và bác bỏ”.

Trong một dịp trao đổi với bạn bè thế giới, trong đó có nhiều phóng viên nước ngoài, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân là cơ sở quan trọng, quyết định nhất đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình và chúng tôi tin tưởng rằng, đó là sự lựa chọn đúng đắn vì tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam”. Còn Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao thì bình luận, sự ổn định chính trị, ổn định về kinh tế vĩ mô ở Việt Nam là điều kiện, là cơ sở vững chắc để Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và tăng trưởng đồng đều.

Không chỉ người nước ngoài vốn nhiều khi phát biểu với phong cách ngoại giao, xã giao theo phép lịch sự, ngay cả một số người Việt Nam, trong đó có một người là tiến sĩ luật, con của một nhà thơ danh tiếng, vốn từng dính vòng lao lý và hiện nay sống ở nước ngoài cũng từng lên tiếng, Việt Nam cần thống nhất, không nên đa đảng.

Không thiếu bằng chứng, dẫn chứng để chứng minh rằng, Việt Nam cần ổn định để phát triển (thực ra có quốc gia nào không cần sự ổn định). Những biến động gần đây tại một quốc gia trong khu vực Ðông Nam Á như một bằng chứng sống động về nhu cầu ổn định đất nước.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao những người cầm bút vốn thành danh trong chính chính thể này, họ đã có tất cả, tiền tài, danh tiếng, có người còn có tác phẩm được dạy trong nhà trường, lại trở mặt? Có phải vì họ không có trình độ, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết? Hoàn toàn không.

Họ- những người được đào tạo bài bản, chưa kể năng khiếu bẩm sinh, trình độ hiểu biết cao hơn hẳn tầng lớp bình dân. Vậy thì điều gì khiến họ tự biến mình thành một người như câu nói của nhà phê bình người Ðức: Biết sự thật mà vẫn cho rằng đó là giả dối thì anh là một kẻ tội phạm? Một kỹ sư hoá học và cũng là nhà văn đang sống ở TP. Hồ Chí Minh gần đây có viết, đại ý, ở Việt Nam không có một “nhà đấu tranh dân chủ” nào tử tế cả, họ hoặc vì bất mãn hoặc vì lợi ích cá nhân.

Ðể dừng lại loạt bài này, xin phép dẫn ra đây ý kiến của một trí thức nữ, dòng trạng thái này được cập nhật lúc 9 giờ sáng, ngày 8.3.2021, nguyên văn: “Hãy nhìn tấm gương của Trung Ðông và Bắc Phi, những nước có vị trí địa lý đắc địa cũng như nguồn tài nguyên dồi dào đấy giờ ra sao. Hết thảy chỉ là những đống hoang tàn đổ nát, bạo lực khủng bố triền miên, người dân sống bởi từng cái bánh mỳ, từng chai nước viện trợ của LHQ với ánh mắt ái ngại.

Xem để hiểu ra rằng, độc lập và ổn định chính trị trân quý ra sao. Họ- những nhà tự nhận là dân chủ thừa biết rằng đã có gần 10 triệu tấn bom đạn đã rải xuống Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, gấp 3 lần số bom đạn các nước sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ 2, tương đương với 250 quả bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản.

Hơn một triệu người Việt Nam đã mãi mãi nằm xuống, hàng triệu người khác đã hy sinh máu xương của mình, những vết đau do chiến tranh để lại thật sâu, thật lâu cũng khó thể bình phục. Cái giá của hoà bình và độc lập dân tộc, chúng ta đã trả quá nhiều rồi. Làm ơn, làm ơn đừng gợi lên nó thêm một lần nữa”.

Việt Ðông