Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng tổ chức và con người
Bài cuối: Ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo
Thứ bảy: 14:52 ngày 15/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đảng phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có đức vừa có tài. Cán bộ, đảng viên có vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Để Đảng luôn có sức hấp dẫn

Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đảng phải dựa vào dân, học dân, hỏi dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, Người chỉ rõ: “việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng. Tin vào dân chúng.

Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”, bởi vì “dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta” và việc gì cũng phải có quần chúng giúp sức mới được, “không có dân chúng giúp sức thì không xong”.

Đảng phải được xây dựng theo các nguyên lý về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, trong đó, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng Đảng, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng.

Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, Đảng phải thường xuyên tự xây dựng và tự chỉnh đốn; là hai vấn đề có mối quan hệ biện chứng với nhau và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh, khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới và khi Đảng phải lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nặng nề, trong những điều kiện phức tạp, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc.

Khi cách mạng trên đà thắng lợi, phải chỉnh đốn để ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo, thoả mãn, chủ quan; khi cách mạng chuyển giai đoạn, cũng phải chỉnh đốn để Đảng đủ sức lãnh đạo trước sự phát triển.

Khi đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải tiến hành thường xuyên hơn. Vì, “một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.

Đảng phải tổ chức việc kiểm tra, giám sát thường xuyên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác kiểm tra của Đảng, coi công tác kiểm tra là một khâu quan trọng trong toàn bộ công tác lãnh đạo của Đảng.

Người khẳng định: “Chính sách đúng đắn là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”.

Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ còn có những hạn chế nhất định.

Việc ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ có lúc còn chậm, chất lượng chưa cao, chưa cụ thể hoá công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.

Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa cao; chưa thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, định hướng chính trị tại cơ quan, đơn vị; quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên tại cơ sở có lúc thiếu chặt chẽ.

Còn có đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống đến mức phải xử lý kỷ luật; chưa thực sự nỗ lực, khát khao, quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện vai trò, chức trách, nhiệm vụ; còn có biểu hiện đùn đẩy nhiệm vụ, né tránh, sợ trách nhiệm; đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng được kéo giảm nhưng vẫn còn.

Thời gian tới, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh thời cơ, cũng không ít thách thức đặt ra trên các mặt của đời sống xã hội và trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Với mục tiêu chiến lược Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh đề ra “Đến năm 2030, trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam bộ và cả nước” và những nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh đề ra sẽ đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ.

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh đề ra nhiệm vụ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp uỷ, tổ chức đảng”. Qua sơ kết nhiệm kỳ Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tập trung vào chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng từ cơ sở trở lên, chất lượng, hiệu quả quản lý, phát huy vai trò trách nhiệm đảng viên, nhất là người đứng đầu”, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đến cuối nhiệm kỳ nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra.

Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tổng kết công tác xây dựng Đảng 5 năm, nhiệm kỳ 2020-2025, đánh giá “năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một vài tổ chức cơ sở đảng chưa cao. Việc triển khai và tổ chức sinh hoạt chuyên đề ở các chi bộ chất lượng không cao, nội dung còn chung chung, đảng viên ít tham gia ý kiến góp ý.

Tình trạng đảng viên bị xoá tên, xin ra khỏi Đảng được kéo giảm nhưng vẫn còn. Còn có đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật”. Trong bối cảnh năm 2025, với sự kiện chính trị quan trọng của toàn Đảng, đó là cả nước ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của Đảng nói chung và của Đảng bộ tỉnh nói riêng để tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay” không chỉ có ý nghĩa về lý luận chính trị mà còn cả ý nghĩa về thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong năm 2025 và trong nhiệm kỳ 2025-2030.

Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, việc ban hành nghị quyết phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, chủ trương của Đảng, đảm bảo tính khả thi; đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao trong quá trình triển khai thực hiện.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

Chú trọng khâu xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phải cụ thể, đồng bộ, sát hợp từng địa phương, cơ quan, đơn vị; phát huy sức mạnh các nguồn lực để thực hiện.

Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kết hợp với tuyên truyền kết quả mô hình hay trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, phát hiện, xử lý, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc về Đảng bộ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cấp uỷ đảng, chính quyền.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục