BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ động ứng phó, bảo vệ nền sản xuất trong mùa mưa bão

Bài cuối: Người dân cần đề phòng mưa lớn gây ngập lụt cục bộ 

Cập nhật ngày: 07/09/2023 - 12:07

BTN - Các điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh đã được xác định cụ thể trong phương án ứng phó thiên tai của cấp tỉnh, cấp huyện, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát cập nhật địa điểm xung yếu phù hợp tình hình thực tế địa phương.

Mưa lớn kèm lốc xoáy khiến nhiều căn nhà trên địa bàn huyện Dương Minh Châu và Bến Cầu bị tốc mái. Ảnh chụp tháng 4.2023

Gần đây, những trận mưa lớn, bất thường kèm theo giông, lốc xoáy thường xuyên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, mưa bão, hướng dẫn của cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp phòng, tránh.

Chủ động ứng phó thiên tai

Để chủ động ứng phó với thiên tai xảy ra bất thường, khó dự báo, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 48 vụ thiên tai, chủ yếu giông lốc, mưa kèm theo lốc, làm thiệt hại 133 căn nhà, 6,6 ha cây trồng bị đổ ngã như: bắp, cao su, cây ăn trái và một số cây trồng khác, tổng thiệt hại hơn 2.910 triệu đồng.

Ngành nông nghiệp xác định các điểm xung yếu ở Tân Châu, Tân Biên thường xuyên chịu ảnh hưởng của giông lốc nhiều hơn các huyện, thị xã, thành phố còn lại; ngập lụt thường xảy ra khu vực ven sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và vùng trũng thấp của 8 huyện, thị xã, thành phố, riêng thị xã Hoà Thành ít bị ảnh hưởng ngập lụt, chủ yếu có giông, lốc, sét.

Các điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh đã được xác định cụ thể trong phương án ứng phó thiên tai của cấp tỉnh, cấp huyện, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát cập nhật địa điểm xung yếu phù hợp tình hình thực tế địa phương; chủ động sơ tán, di dời nhân dân và bảo vệ diện tích sản xuất có nguy cơ chịu ảnh hưởng do thiên tai.

Trên địa bàn huyện Bến Cầu, từ đầu năm đến nay xảy ra 1 vụ mưa lớn kèm lốc xoáy và sét, làm thiệt hại 12 căn nhà và nhiều tài sản khác, giá trị thiệt hại là 283 triệu đồng. Ông Lê Văn Rang- Phó Phòng NN&PTNT huyện Bến Cầu cho biết, đơn vị đã có những giải pháp phòng, chống thiên tai mùa mưa bão như: chuẩn bị trang thiết bị y tế sẵn sàng cấp cứu; đã thành lập, kiện toàn đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, thị trấn với lực lượng nòng cốt là dân quân tự vệ, lực lượng tại chỗ tham gia ứng phó, hỗ trợ khắc phục thiệt hại khi có thiên tai xảy ra.

Đồng thời, kiểm tra các công trình thuỷ lợi trước mùa mưa lũ như: đánh giá hiện trạng, an toàn hệ thống kênh mương, kênh tiêu, tưới; sửa chữa, nạo vét kịp thời bảo đảm khả năng tiêu thoát nước trong mùa mưa, bão.

Nhiều diện tích lúa ở huyện Bến Cầu bị ngập cục bộ sau những đợt mưa lớn kéo dài. Ảnh minh hoạ

Chỉ đạo, đôn đốc triển khai lồng ghép đầu tư công trình, dự án: Tưới, tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, kênh tiêu nước phục vụ chuyển đổi cây trồng; nâng cấp sửa chữa, nạo vét kênh mương, được lồng ghép vào công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện nhằm bảo đảm đủ nước phục vụ sản xuất và tiêu thoát nước trong mùa mưa, bão.

Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, tổng số các tuyến kênh tưới, tiêu là 258 tuyến, trong đó có 203 tuyến kênh tưới, 55 tuyến kênh tiêu. Các công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện cơ bản bảo đảm tiêu nước, ngăn nước khi có mưa bão kéo dài; tuy nhiên, vẫn còn một vài vị trí chưa bảo đảm tiêu thoát nước kịp trong mùa mưa bão, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 3 đợt thiên tai, ước thiệt hại 865 triệu đồng; trong đó có 17 căn nhà bị tốc mái (15 căn tốc mái hoàn toàn, 2 căn tốc mái một phần), hư hại 1 nhà chứa rác xã Truông Mít, 6 công trình phụ (quán ăn, quán cà phê, mái che). Bà Nguyễn Thị Ngọc Sang- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu cho biết, để công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đạt hiệu quả, đơn vị lập hồ sơ trình phê duyệt thực hiện một số công trình trong năm 2023: Nạo vét mương tiêu giữa xã Cầu Khởi và Truông Mít với chiều dài 4.535m, kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng, tiêu thoát nước cho trên 500 ha diện tích đất nông nghiệp; nạo vét Suối Cùng - Suối Láng với chiều dài 1.813m, kinh phí trên 700 triệu đồng.

Ngoài ra, Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu tổ chức họp dân lấy ý kiến thực hiện dự án trong năm 2024 về việc làm mới mương thoát nước kết hợp đường giao thông khu vực ấp Thuận Hoà, xã Truông Mít, với chiều dài 690m, kinh phí thực hiện hơn 2 tỷ đồng.

Đề phòng các trận mưa lớn gây ngập lụt cục bộ

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh cơ bản bảo đảm an toàn công trình, nhiệm vụ cấp và tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, công nghiệp, cụ thể: cấp nước tưới khoảng 149.416,15 ha/3 vụ, đạt 73,96% diện tích thiết kế; tiêu nước cho khoảng 96.886 ha; cấp nước công nghiệp khoảng 7 triệu mét khối/năm; ngăn lũ và bảo vệ cho 2.709 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, hằng năm, các công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa, phục vụ cấp, tiêu thoát nước lồng ghép phòng, chống thiên tai.

Năm 2023, các công trình thuỷ lợi do Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đầu tư từ nguồn vốn sự nghiệp khoảng 4,5 tỷ đồng, vốn hỗ trợ dịch vụ công ích thuỷ lợi khoảng 21,5 tỷ đồng và các công trình thuỷ lợi đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công của ngành là 119 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện tượng El Nino (pha nóng) sẽ tiếp tục phát triển từ nay đến hết năm 2023, do đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần đề phòng các trận mưa lớn gây ngập lụt cục bộ; mặt khác, bão ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ thường xảy ra vào những tháng cuối năm, để chủ động trong sản xuất nông nghiệp và giảm thiệt hại về người, tài sản, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đồng thời, liên hệ UBND xã thực hiện thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đúng theo quy định.

Mưa lớn kèm lốc xoáy khiến nhiều căn nhà trên địa bàn huyện Dương Minh Châu và Bến Cầu bị tốc mái. Ảnh chụp tháng 4.2023

Hiện nay, người dân đã xuống giống vụ Mùa 2023, cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo mưa bão để chủ động điều tiết nước trong đồng ruộng, bón phân, phun thuốc và thu hoạch kịp thời.

Đối với các hộ gia đình sinh sống ở khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập lụt do mưa lớn, mưa lớn kết hợp nước từ Campuchia đổ về cần chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc chữa bệnh; thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương để được hỗ trợ ứng cứu; kiểm tra an toàn các thiết bị điện, hàng hoá, vật tư; sắp xếp tài sản ở những nơi cao ráo; chấp hành sơ tán, di dời của chính quyền địa phương đến nơi an toàn, không bị ngập lụt.

Ngành Nông nghiệp còn đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã theo dõi chặt chẽ diễn biến các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lốc...); tăng cường công tác thông tin kịp thời trên phương tiện truyền thông đại chúng về các bản tin cảnh báo và biện pháp ứng phó thiên tai; chủ động kinh phí duy tu sửa chữa, nạo vét công trình thuỷ lợi, giao thông... bảo đảm an toàn và tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa bão; đầu tư xây dựng công trình phải tính toán đến hệ thống tiêu thoát nước bảo đảm kết nối từ nội đồng, khu dân cư ra các trục tiêu chính, kênh rạch, sông suối, xử lý triệt để khu vực thường xảy ra ngập cục bộ khi có mưa lớn.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn công trình và đáp ứng nhu cầu điều tiết nước phục vụ sản xuất, ngành Nông nghiệp đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh tiếp tục thực hiện các nội dung về việc chủ động phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trước và trong mùa mưa lũ; bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi, đập, hồ chứa nước trong mùa mưa, bão năm 2023, bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân; vận hành hồ chứa theo quy trình được duyệt; tổ chức đánh giá hiện trạng, mức độ an toàn hồ chứa, công trình thuỷ lợi; duy tu, sửa chữa, nâng cấp, nạo vét kênh tiêu, làm thông thoáng lòng dẫn, bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời khi có mưa, bão.

Nhi Trần

Tin liên quan