Người thanh niên Nguyễn Tất Thành, trước khi rời bến Nhà Rồng đã từng trăn trở: Tại sao các phong trào chống Pháp phải chịu thất bại? Nguyễn Tất Thành đã soi tìm trong lịch sử, đặc biệt phong trào chống Pháp đương thời, những cứ liệu cho dự cảm mới mẻ về tư duy và hành động của mình.
Không đi theo lối mòn
Kính trọng các bậc anh hùng tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành không bằng lòng với đường đi nước bước của những người đi trước và anh không muốn đi theo lối mòn của lịch sử. Trước Nguyễn Tất Thành đã có những người Việt Nam xuất dương cứu nước. Chỗ khác nhau cơ bản không phải ở hành động xuất dương, mà trước hết ở mục đích của nó.
Những chuyến đi của Tôn Thất Thuyết, của những nhân vật trong phong trào Đông du chủ yếu để tìm ngoại viện. Nguyễn Tất Thành xác định mục đích xuất dương hoàn toàn khác: “Tôi muốn đi ra ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta’’.
Sau này, có dịp, Người nói lại: “Nhân dân Việt Nam trong đó có cụ thân sinh ra tôi lúc này thường tự hỏi nhau rằng: Ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này thì nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người khác nữa nghĩ là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ”.
Như vậy, trước lúc đi ra nước ngoài, người thanh niên Nguyễn Tất Thành nhận thức một cách rõ ràng, cái dân tộc cần trước tiên là phương pháp đuổi giặc, cứu nước chứ chưa phải là súng đạn.
Điều này có nghĩa, cách tiếp cận vấn đề của Nguyễn Tất Thành khác hoàn toàn các bậc tiền bối. Lịch sử đặt ra những yêu cầu thì chính lịch sử tạo ra những điều kiện vật chất để giải quyết nó. Nguyễn Ái Quốc chính là sản phẩm của sự vận động lịch sử những năm 20 đó. Uy tín của Nguyễn Ái Quốc bắt đầu hình thành từ năm 1919 với yêu sách của nhân dân An Nam gửi hội nghị Versaille, báo chí Pháp gọi là “quả bom chính trị’’.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc 1954
Theo các nhà nghiên cứu, học giả, uy tín tuyệt đối của Nguyễn Ái Quốc được biểu hiện trong những vai trò mà Người đã thực hiện và thực hiện xuất sắc: tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc; truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin trong quần chúng bị áp bức, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nếu một con người có một trong những cống hiến trên cho dân tộc thì cũng đã xứng đáng được gọi là bậc vĩ nhân, huống chi một mình Nguyễn Ái Quốc thực hiện ba vai trò quan trọng và vĩ đại đó. Nguyễn Ái Quốc thực sự là một vĩ nhân, một bậc kỳ tài của dân tộc.
“Nay giản dị ra đi màu tóc trắng”
Từ tuổi thanh xuân cho đến lúc từ biệt cõi đời, Hồ Chí Minh đã cống hiến không mệt mỏi vì độc lập dân tộc. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã sống một cuộc đời oanh liệt”.
“Mang trên mình sứ mạng lịch sử vĩ đại, Hồ Chí Minh, nhà chiến lược thiên tài, người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân ta mang trong mình những đạo đức cao thượng. Bình sinh Hồ Chủ tịch là người giản dị, lão thực.
Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị. Vua Nghiêu, vua Thuấn, Chúa Giêsu là những người giản dị. Bậc đại khoa học, đại văn hào cũng vậy. Xem một đôi bức ảnh Hồ Chủ tịch, có người nói mắt Người có hai con ngươi, và tin rằng vì chỗ đó, Người là một ông thánh.
Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lắm đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những cái mọi người không nhìn thấy: hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to” - trích “Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng, là đề tài lớn trong thơ ca nhạc hoạ. Ngoài nhà thơ Tố Hữu viết nhiều về Bác, sẽ thiếu sót lớn nếu không nhắc đến nhà thơ Chế Lan Viên. Chế Lan Viên được giới phê bình nghệ thuật đánh giá, dù là nhà thơ nhưng ít khi ông để cảm xúc chi phối, ngược lại, thơ ông giàu tính trí tuệ, tính triết lý.
Mỗi bài thơ của ông như một áng văn chính luận, giàu chất suy tư, bố cục chặt chẽ, tính thuyết phục cao. Có ý kiến đánh giá, Chế Lan Viên là nhà thơ duy nhất thành công trên con đường nghệ thuật cả trước sau năm 1945. Như từng đề cập, ngày 2.5.2022, trang Fanpage có tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh” đăng bốn câu thơ viết về Bác Hồ, nguyên văn như sau:
“Bác nằm đó chỗ Ba Đình khai sáng nước
Người ngủ yên nơi người đã bắt đầu
Xưa Bác về một bộ áo quần nâu
Nay giản dị ra đi màu tóc trắng
Ngọn suối của một đời trong sáng
Nay kết tinh thành khối thuỷ thiên đăng”
Phía dưới, người ta đề tên tác giả là nhà thơ Tố Hữu. Đây thật ra là sự nhầm lẫn. Sáu câu thơ giàu chất trí tuệ nêu trên nằm trong bài thơ “Ta nhận vào ta phẩm chất của Người” do nhà thơ Chế Lan Viên sáng tác. Tinh thần của bài thơ này ngợi ca, đề cao những phẩm chất tốt đẹp, vĩ đại nhưng giản dị về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chế Lan Viên, chỉ bằng mấy câu thơ không dùng kỹ xảo ngôn ngữ nhưng vẫn cuốn hút người đọc bởi chất trí tuệ của nhà thơ khi ông viết về lịch sử đấu tranh của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngôi nhà sàn giữa vườn hoa mộc/ Khi sao lên có dáng con tàu/ Bác lên boong, trắng ngời râu tóc/ Gió trong vườn vỗ sóng lao xao” và “Việt Nam vứt xuống thềm lục địa này ba tên đế quốc/ Ngôi nhà sàn nằm yên trong hoa mộc hoa ngâu/ Nhưng kìa, trên mặt bể, chỗ Bác đi qua, sóng còn thao thức/ Như lan mãi, lan xa theo vệt sáng con tàu”.
Trong một bài khác, Chế Lan Viên viết những câu thơ về Bác giàu tính chính luận, khó ai qua được: “Một thế hệ Hồ Chí Minh ấy là lực lượng/ Một con đường Hồ Chí Minh ấy là phương hướng/ Một thành phố Hồ Chí Minh làm đích phía chân trời/ Người ký XYZ-CB như dân ký lúa, xoài/ Người không muốn trang sách hoá thần, nhân dân quỳ để doạ/ Dẫu tuyệt bút thi thư, cũng con đẻ cửa đời/ Ngọn suối reo! Nghe như tiếng Bác cười/ Và ta đi giữa con sông là trang viết của Người”. Con người vĩ đại ấy hiện lên sự gần gũi đến mức khó lý giải, đúng như Chế Lan Viên viết: “Ôi giữa lòng ta, Bác đến tự hồi nào? Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc”.
“Ba mươi năm ấy chân không nghỉ” và hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc nhưng hình ảnh quê hương lúc nào cũng hiển hiện trong con người của Bác, đúng như Chế Lan Viên thể hiện trong bài thơ “Nắm đất biên thuỳ” viết về hang Pác Bó - nơi Bác “tạm trú” trong những ngày đầu về nước: “Rừng thẳm, non xa, bể rộng, sông dài/ Một chút làng Sen đau ở cuối trời/ Giai cấp, giống nòi, nghìn xưa, hiện tại/ Một phút định hình, một phút hoài thai/ Phút kính cẩn hai tay nâng lấy đất/ Ba mươi năm đất ấy ở trong hồn/ Nay xương thịt, nay hình hài trước mặt/ Bác lặng nhìn và cúi ghé môi hôn”.
Trong bài thơ chính luận “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”, Chế Lan Viên viết: “Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời/ Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá/ “Những pho tượng chùa Tây Phương” không biết cách trả lời/ Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ/ Văn chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi/ Rồi với đôi tay trắng từ Đinh, Lý, Trần, Lê… Đảng làm nên công nghiệp/ Điện trời ta là sóng nước sông Hồng/ An Dương Vương hãy dậy cùng ta xây sắt thép/ Loa thành này có đẹp mắt Người chăng?”.
Tròn 55 năm trước, tại Hà Nội, ngày 2.9.1969, “ngừng đập một trái tim tột bậc con người”: Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời sau cuộc hành trình “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Trên ngực áo không một tấm huân chương.
Việt Đông