Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
An toàn vệ sinh thực phẩm - Việc không của riêng ai
Bài cuối: Nước uống đóng bình - Liệu có an toàn?
Thứ sáu: 10:25 ngày 24/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá tinh khiết là những mặt hàng được tiêu thụ mạnh trên thị trường. Hầu hết các sản phẩm này đều có bao bì, nhãn mác công bố tiêu chuẩn chất lượng bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP). Mặc dù các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhưng đến nay, tình trạng mất an toàn vệ sinh trong sản xuất mặt hàng này vẫn còn diễn ra.

Khu vực bơm hút, sản xuất nước uống đóng bình của một cơ sở tại huyện Bến Cầu.

Nước tinh khiết là nước chỉ gồm hai thành phần là oxy và hydro, là nước không dẫn điện, không dẫn nhiệt, không mùi vị, trong suốt, thường được dùng trong thí nghiệm hoặc trong những điều kiện nhất định.

Nước “tinh khiết” có thật sự tinh khiết?

Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Hường (75 tuổi, phường 2, TP. Tây Ninh) thường xuyên đặt mua nước đóng bình loại 21 lít để sử dụng cho gia đình. Trung bình một tuần, đại lý sẽ chở đến nhà 5 bình nước, số tiền cho mỗi đợt là 60.000 đồng, không tính phí vận chuyển.

Cách đây khoảng 3 tháng, sau nhiều lần phát hiện nước trong bình có mùi hôi tanh, đóng cặn dưới đáy, vòi chiết rót sờn mốc, hư hỏng, dính bụi đất, bà phản ánh với đại lý và quyết định không mua nước nhãn hiệu này nữa mà đổi sang nhãn hiệu khác, cũng trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Số nước bình mua về, bà Hường đun sôi để sử dụng. “Tôi phản ánh tình trạng này với đại lý, họ ậm ờ bảo sẽ đổi loại khác cho tôi. Cũng 3 lần đổi rồi mà vẫn không thay đổi gì, nước vẫn có mùi tanh hôi nên tôi đổi loại khác. Tuy nhiên, tôi chỉ dùng nó sau khi đã đun sôi kỹ. Họ bảo là nước tinh khiết, nhưng tôi vẫn không thể tin tưởng, vì nếu một bình nước 21 lít mà bán ra chỉ với giá 12.000 đồng, lấy gì để bảo đảm tinh khiết?”- bà Hường bày tỏ.

Tương tự, chị Thanh Hoa (35 tuổi, ngụ phường 2) cũng nhiều lần phản ánh với đại lý cung cấp nước uống đóng bình rằng nguồn nước của nhà sản xuất không đạt tiêu chuẩn, kém chất lượng so với ban đầu. “Mỗi lần tôi mua 6 bình nước, giá mỗi bình 15.000 đồng- cao hơn so với các loại thông thường, vì họ bảo sản phẩm của công ty này tốt. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nước trong bình có mùi tanh, vòi bám bẩn, chúng tôi cảm thấy rất bất an”- chị Hoa phàn nàn.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều nhãn hiệu nước đóng bình, đóng chai tinh khiết, tuy nhiên, không phải cơ sở sản xuất nào cũng có quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh. Sau khi bán cho người tiêu dùng, đại lý thường thu lại vỏ bình để tiếp tục đóng nước mới. Theo ghi nhận của phóng viên, một số cơ sở sản xuất nước uống đóng bình không có trang thiết bị hoặc có nhưng đã cũ kỹ, gỉ sét; khâu xử lý vỏ bình không đúng quy định. Có cơ sở chỉ xử lý nguồn nước “qua loa” rồi chiết thẳng vô bình. Có nơi súc rửa bình sơ sài rồi để dưới sàn nhà, không kê trên pallet, phần đáy bình và vòi nước dính đầy bụi đất.

Ron được thay thế chống nhểu bằng bọc ni-lông, vòi chiết rót gỉ sét, oxy hoá... là môi trường dễ phát sinh khuẩn E.coli, khuẩn mũ xanh (Pseudomonas)

Chớ ham rẻ

Ghi nhận tại một cơ sở sản xuất nước uống đóng bình ở huyện Bến Cầu. Từ nguồn nước giếng khoan được bơm hút lên bồn chứa, cơ sở xử lý lắng lọc “sơ sài” qua hệ thống, chiết rót vào từng chai nhựa có dung tích 500ml, sau đó được xử lý tiếp bằng nhiều cách để tiệt trùng, đóng nút chai, dán nhãn, đóng gói (loại 24 chai/lốc) và cung cấp ra thị trường. Theo chủ cơ sở, mỗi chai nước uống loại 500ml được bán với giá 1.000 đồng, trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 100-150 lốc, cao điểm mùa nắng từ 300-400 lốc, chủ yếu phân phối cho các hộ dân và quán ăn trên địa bàn. Sau khi khấu trừ các khoản nhân công, vật tư, trung bình mỗi tháng cơ sở thu lãi 5-6 triệu đồng. Chủ cơ sở cho biết thêm, hầu hết vỏ chai nhựa được mua tại Trung tâm thương mại Long Hoa, với giá 550 đồng/vỏ, mua số lượng càng lớn, chi phí sẽ càng giảm nhiều hơn so với mua lẻ. “Đã có nhiều cơ sở phải đóng cửa sản xuất. Cơ sở này chúng tôi đã đầu tư gần 8 năm rồi nhưng không thể thu hồi vốn. Thị trường càng rộng, buộc giá bán phải càng rẻ, nhưng nếu vậy thì không có lợi nhuận”- chủ cơ sở này cho biết.

Về lý thuyết, nước đóng chai, đóng bình là nước thông thường được lấy từ nguồn thuỷ cục do công ty cấp nước cung cấp hoặc nguồn nước ngầm. Nước này được đưa vào xử lý qua các hệ thống lọc thô, lọc tinh bằng nhiều phương pháp khác nhau như dùng áp suất, thẩm thấu hay thẩm thấu ngược, để loại thải những chất không có lợi cho sức khoẻ con người; sau đó, được xử lý tiếp bằng cách sục ozone hay dùng tia cực tím để tiệt trùng. Một lãnh đạo ngành Y tế cho biết, một số cơ sở chỉ bơm hút nước từ giếng khoan, lọc qua than hay sỏi, chiết rót vào bình rồi chiếu tia cực tím, vậy là trở thành nước “tinh khiết”, đóng bình rồi bán ra thị trường. Một điều đáng lo ngại, các vòi nước dùng để chiết rót do sử dụng lâu ngày nên gỉ sét, oxy hoá, ron xử lý đóng bợn, ố vàng, nhão... nhưng cơ sở không thay mới sẽ là môi trường dễ phát sinh khuẩn E.coli, khuẩn mũ xanh (Pseudomonas).

Nước uống đóng bình do một cơ sở trên địa bàn thành phố Tây Ninh cung cấp.

Cần quản lý chặt chẽ hơn

Theo quy định, nếu sử dụng nước giếng để sản xuất nước uống đóng bình, bước đầu phải kiểm định 14 chỉ tiêu lý, hoá, vi sinh. Bước tiếp theo, sau khi nước được xử lý bằng thiết bị lọc thì phải bảo đảm 28 chỉ tiêu trước khi chiết vào bình. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình không thực hiện đầy đủ; các thủ tục, giấy phép, giấy chứng nhận hầu như chỉ mang tính “đối phó, cầm chừng”. Hoặc khi có đoàn kiểm tra, nhiều cơ sở ngưng hoạt động, nếu có hoạt động cũng chỉ lác đác vài nhân công làm công việc dọn dẹp vệ sinh nhà xưởng, khu vực sản xuất.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 125 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, 94 cơ sở sản xuất nước đá thực phẩm được cấp giấy chứng nhận ATVSTP. Năm 2023, Chi cục ATVSTP đã tiến hành kiểm tra 45 cơ sở, trong đó có 20 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình; 25 cơ sở sản xuất nước đá dùng liền (đá viên) và nước đá dùng trong chế biến thực phẩm. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện và xử phạt hành chính 3 cơ sở vi phạm (2 cơ sở sản xuất nước đá, 1 cơ sở sản xuất nước uống đóng bình) đối với hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ đồ bảo hộ lao động theo quy định trong khu vực sản xuất thực phẩm; buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm có chỉ tiêu an toàn không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng... Ngoài ra, trong 16 mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu hoá lý và vi sinh, có 2 mẫu không đạt chỉ tiêu.

Trong Tháng hành động về ATVSTP (từ 15.4 đến 15.5.2024), qua kiểm tra 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Vân An Khang (nước uống đóng chai nhãn hiệu Sài Gòn Water, xã Tân Đông, huyện Tân Châu) số tiền 17 triệu đồng, do không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất theo quy định. Trước đó, tại đợt kiểm tra ATTP phục vụ Hội Xuân núi Bà Đen năm Giáp Thìn 2024, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt đối với DNTN Hồng Thắng (TP. Tây Ninh) do có hành vi buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm (nước đá viên) không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.

Để chủ động bảo đảm ATTP, phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm phù hợp, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8. Cục ATVSTP đề nghị các đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).

Tâm Giang

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục