Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Công tác hoà giải, đối thoại tại toà - Những kết quả đáng mừng
Bài cuối: Phát huy vai trò của hoà giải viên
Thứ hai: 09:58 ngày 06/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm 2022, sau khi được hướng dẫn của toà án các cấp, có gần 8.000 đơn người khởi kiện đồng ý tiến hành hoà giải, đối thoại. Kết quả có hơn 3.700 vụ việc được hoà giải thành.

Hoà giải viên là chủ thể trung tâm của Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án. Vai trò của hoà giải viên là hỗ trợ các bên tham gia hoà giải, đối thoại thoả thuận, thống nhất giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Đây là lực lượng quyết định sự thành công của cơ chế hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Do đó, ngoài các điều kiện theo quy định của luật, hoà giải viên cần phải có năng lực, tâm huyết thực sự, có khả năng thấu hiểu và thuyết phục các bên đang tranh chấp, xung đột về tâm lý đi đến kết quả thành công. Với tiêu chí trên, TAND tỉnh đã bổ nhiệm 43 hoà giải viên, phần lớn đều là cán bộ, công chức, thẩm phán hưu trí và hội thẩm nhân dân có kinh nghiệm nhiều năm công tác trong lĩnh vực hoà giải để phục vụ công tác hoà giải, đối thoại.

Năm 2022, TAND huyện Tân Châu có 5 hoà giải viên, đã nhận 984 đơn khởi kiện, yêu cầu. Tổng số đơn khởi kiện án các loại gồm dân sự 240 vụ; hôn nhân gia đình 738 vụ; kinh doanh thương mại 5 vụ; lao động 1 vụ. Số lượng vụ việc đã hoà giải thành là 533 vụ, đã ra quyết định công nhận kết quả hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Là một trong các hoà giải viên của TAND huyện Tân Châu, bà Nguyễn Thị Thay (sinh năm 1967) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, áp dụng pháp luật vào việc hoà giải các vụ án dân sự nói chung để giúp đương sự hiểu được những lợi ích của việc hoà giải tại toà như không tốn án phí, rút ngắn được thời gian… Trên cơ sở các quy định của pháp luật, bà đã góp phần cùng Toà án giải quyết, hàn gắn những mâu thuẫn trong xã hội, giảm tải áp lực cho Toà án.

Hoà giải viên Nguyễn Thị Thay.

Vào năm 2021, bà Nguyễn Thị Thay được bổ nhiệm làm hoà giải viên tại TAND huyện Tân Châu. Trong thời gian gắn bó với công việc, bà đã có nhiều cố gắng, tích cực tham gia công tác hoà giải tại toà. Năm 2022, bà tham gia hoà giải thành công 228 vụ việc, trong đó hoà giải thành cho thẩm phán ra quyết định 210 vụ việc, hoà giải đương sự rút đơn 18 vụ việc.

Hoà giải viên Nguyễn Thị Thay cho biết: “Trong quá trình tham gia hoà giải các vụ việc, tôi luôn xác định rõ trách nhiệm của mình, lấy kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống để nói cho đương sự hiểu, động viên và hàn gắn, đặc biệt là trong những vụ ly hôn. Một số trường hợp đương sự do nóng giận mà có lời lẽ chưa phù hợp với hoà giải viên nhưng chúng tôi vẫn kiên trì giải thích cho họ hiểu và chấp hành đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, áp dụng các quy định về tính linh hoạt của chế định hoà giải, đối thoại tại Toà án như hoà giải, đối thoại ngoài trụ sở Toà án để nâng cao số lượng, chất lượng các vụ, việc hoà giải, đối thoại thành”.

Trên địa bàn thị xã Trảng Bàng có các Khu công nghiệp Trảng Bàng, Thành Thành Công và Khu chế xuất- công nghiệp Linh Trung III đang hoạt động, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân được cải thiện.

Tuy nhiên, việc đô thị hoá nhanh, thu hút một số lượng lớn doanh nghiệp đến đầu tư, số lượng lao động nhập cư tăng mạnh, từ đó dẫn đến số lượng án thụ lý cũng ngày càng tăng. Do đó, việc hoà giải, đối thoại tại Toà án là một chế định hỗ trợ đắc lực cho công tác của Toà, bởi hoà giải, đối thoại do các hoà giải viên thực hiện sẽ giảm số lượng án phải giải quyết, giảm bớt áp lực cho các thẩm phán, thư ký; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước, góp phần giữ gìn ổn định trật tự xã hội.

Ngay sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của TAND tỉnh về việc thi hành Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, TAND thị xã Trảng Bàng nhanh chóng tiến hành xem xét, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn để đề nghị TAND tỉnh bổ nhiệm hoà giải viên cho đơn vị, chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác hoà giải, đối thoại cũng như trang, thiết bị làm việc cho hoà giải viên.

TAND thị xã Trảng Bàng chọn được 4 hoà giải viên đủ tiêu chuẩn và được TAND tỉnh ký quyết định bổ nhiệm, bảo đảm đủ số lượng hoà giải viên được phân bổ theo quy định. Tất cả các hoà giải viên của đơn vị đều là những người có thâm niên công tác trong ngành Toà án, nhiều kinh nghiệm trong công tác thực thi pháp luật và vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân, tham gia chương trình tập huấn trực tuyến về công tác hoà giải, đối thoại tại Toà do TAND tối cao tổ chức, được cấp phát đầy đủ các tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác hoà giải, đối thoại.

Từ tháng 8.2022, trụ sở mới của đơn vị được đưa vào hoạt động với đầy đủ các phòng chức năng, trong đó có phòng hoà giải, đối thoại với diện tích 30m2, được bố trí một bộ bàn tròn theo đúng tinh thần hoà giải, đối thoại, một bộ máy vi tính cho hoà giải viên soạn thảo văn bản trong quá trình hoà giải. Ngoài ra, các hoà giải viên cũng được trang bị phòng làm việc riêng, mỗi hoà giải viên đều có máy vi tính, bàn làm việc và tủ đựng hồ sơ, bảo đảm thuận tiện trong quá trình công tác.

Bà Hồ Thị Mối- Chánh án TAND thị xã Trảng Bàng cho biết: “Toà án có 4 hoà giải viên, từng làm việc trong ngành pháp luật trước khi làm hoà giải viên nên rất có kinh nghiệm trong giải quyết án. Trong quá trình giải quyết tạo thuận lợi để các đương sự hoà giải thành, góp phần giảm lượng án thụ lý, đưa ra xét xử. Từ đó giảm áp lực cho các thẩm phán, thư ký cũng như tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức đi lại của đương sự”.

Hoà giải viên Phạm Thị Nghện.

Với kinh nghiệm 37 năm công tác trong ngành Toà án, nhiều năm làm thẩm phán, sau khi có quyết định nghỉ hưu, bà Phạm Thị Nghện được bổ nhiệm làm hoà giải viên tại TAND thị xã Trảng Bàng từ giữa tháng 1.2021. Từ đó đến nay, bà đã tham gia hoà giải 616 vụ, việc các loại. Kết quả đã có 506 vụ, việc được hoà giải thành, chiếm hơn 82%.

Bà Phạm Thị Nghện cho biết: “Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm tham gia giải quyết án, đặc biệt là án hôn nhân gia đình, đây được coi là “thế mạnh” làm hoà giải viên. Tôi nhận thấy muốn làm tốt công tác hoà giải, hoà giải viên phải thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến các sự việc thường gặp như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai… và các tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hoà giải, đối thoại.

Sự am hiểu về pháp luật sẽ giúp cho quá trình hoà giải, tư vấn, khuyên giải các đương sự ở góc độ pháp lý được cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu hơn. Từ đó, các đương sự có những cách nhìn nhận thấu đáo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”.

Theo bà Nghện, hoà giải viên phải dùng sự chân thành để hoá giải mâu thuẫn, có năng lực, uy tín nghề nghiệp, kinh nghiệm sống phong phú, nhiệt tình, kiên trì, quyết tâm cao thì mới đạt kết quả tốt nhất. Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn, đặc biệt là ở những cặp vợ chồng trẻ đang ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, việc hoà giải đoàn tụ cho các cặp vợ chồng là nhiệm vụ hết sức quan trọng của hoà giải viên, góp phần duy trì, phát triển cho gia đình - tế bào của xã hội.

“Trong quá trình hoà giải cho các cặp vợ chồng, tôi thường chọn thời điểm gặp riêng vợ, chồng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người. Phân tích đúng sai, thiếu sót, dùng kinh nghiệm sống của bản thân để đặt ra những tình huống xảy ra khi một cuộc hôn nhân tan vỡ.

Nếu một trong hai vợ chồng sai sẽ phân tích đến cùng cái sai, đồng thời khích lệ, động viên người đó đứng ra nhận lỗi và xin lỗi. Đối với người còn lại, tôi cũng khơi gợi để họ mở lòng, rộng lượng cho đối phương cơ hội sửa chữa. Sau đó tiến hành mời hai bên lên để có một buổi làm việc chính thức. Để hoà giải đoàn tụ thực sự khó, đặc biệt là các trường hợp đã ly thân, càng đòi hỏi hoà giải viên phải bỏ công, kiên trì mới mong đạt hiệu quả”- bà Nghện nói.

Trên địa bàn toàn tỉnh, tính trong năm 2022, sau khi được hướng dẫn của toà án các cấp, có gần 8.000 đơn người khởi kiện đồng ý tiến hành hoà giải, đối thoại. Kết quả có hơn 3.700 vụ việc được hoà giải thành, chiếm gần một nửa số đơn được tiến hành hoà giải, đối thoại. TAND hai cấp rất phấn khởi trước những hiệu quả mà công tác hoà giải, đối thoại tại toà mang lại. Bởi khi một vụ việc được hoà giải thành cũng có nghĩa là một gia đình được hàn gắn, hàng xóm láng giềng thấu hiểu nhau hơn, trở nên gắn bó hơn khi mâu thuẫn được giải toả, các mối quan hệ lại trở nên hài hoà, xã hội cũng từ đó mà phát triển.

Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục