Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gửi niềm tin về cuộc “nội soi” trong Đảng
Bài cuối: Tẩy sạch quan liêu, được không?
Thứ bảy: 08:43 ngày 28/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ngày 25.10.2021 ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm”.

Xuất phát từ thực tế địa phương, bám sát tinh thần căn cốt của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết chuyên đề, Tây Ninh cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp.

Ông Phan Đình Trạc - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh 

Cần đánh giá đúng sự thật

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Tây Ninh cần rà soát lại các nghị quyết, chỉ đạo, hướng dẫn, đặc biệt Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 5.11.2021 của Tỉnh uỷ về “Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2021-2025”, nhiệm vụ chính trị của Ban Phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực đã thi hành thế nào? Cái gì làm được, làm tốt, nguyên nhân? Cái gì chưa làm được, khoảng trống, kẽ hở, nguyên nhân (chú trọng nguyên nhân chủ quan). Đánh giá thực trạng, rút ra bài học là cực kỳ quan trọng để cái gì làm tốt thì khẳng định, tiếp tục phát huy. Cái gì làm chưa tốt phải sửa chữa, khắc phục, cái gì còn thiếu chưa theo kịp tình hình mới thì bổ sung, cái gì cần phát triển thì phát triển. Muốn làm tốt thì phải đánh giá nhiệm kỳ vừa qua làm như thế nào, những gì làm tốt, có gì bất cập, có lỗ hổng, kẽ hở không? Quy hoạch rồi, được vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, vì sao một thời gian ngắn có cán bộ hỏng? Những chuyện này cần được làm hết sức riết ráo, thực chất với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật.

PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) trả lời phỏng vấn báo chí

Giáo dục chính trị, tư tưởng

Đây là câu chuyện không mới nên cách làm phải mới, phải sắc, có điểm nhấn. PGS.TS Bùi Đình Phong cho rằng, về giáo dục chính trị tư tưởng nên trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là nhiệm vụ số một, để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu thấu thế nào là tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và tác hại của nó. Phải chỉ ra được không thành công trong cuộc chiến chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực là mất lòng tin của Nhân dân vào Đảng và chế độ, vào cấp uỷ và chính quyền địa phương. Mất lòng tin là mất tất cả. Phải làm rõ được mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và xây dựng văn hoá, đạo đức, lối sống.

Tây Ninh cần tập trung công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, uy tín (tự giác tu dưỡng đạo đức, biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ, trách nhiệm nêu gương, trung thực kê khai tài sản, thu nhập…). Nhấn mạnh sự gương mẫu của người đứng đầu, tránh tình trạng “chân mình còn lấm bê bê/ lại cầm bó đuốc đi rê chân người” hay “cấp trên ở chẳng chính ngôi/ cho nên cấp dưới chúng tôi hỗn hào”. Tây Ninh cũng cần nghiên cứu sâu hơn, vận dụng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, hoàn thiện các mặt để “không dám, không thể, không muốn, không cần” tham nhũng trong điều kiện cụ thể của tỉnh.

Đổi mới cách làm

Cần đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Cần dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng, nhưng không “theo đuôi” quần chúng, chạy theo dư luận. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể thành phần dân cư Tây Ninh để làm tốt công tác phát huy vai trò của mọi tầng lớp nhân dân.

Tiến sĩ Phạm Đình Triệu- Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đề xuất, quán triệt tư tưởng của Đảng, gắn với việc học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Phạm Đình Triệu nêu tiếp, cần coi trọng hơn nữa việc nâng cao chất lượng sinh hoạt, “tự phê bình và phê bình”, phát huy dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí và nhân dân trong nêu gương người tốt việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến. Mặt khác, kịp thời phản ảnh các tiêu cực nảy sinh trong xã hội để lên án và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Phải phát huy tính tích cực, tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Muốn vậy, cần tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên và nhân dân được học tập, nghiên cứu, quán triệt về tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Không có chuyện “người đi, trà nguội”

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của nhân dân trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Tại thời điểm đó, Tổng Bí thư khẳng định, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc, tiếp thu cái đúng nhưng không chạy theo dư luận.

Hơn 60 năm trước, ngày 5.1.1960, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi nói chuyện tại một cuộc mít tinh trước đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân về lịch sử truyền thống của Đảng. Bài nói chuyện có đoạn: “Nhưng thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó hơn nhiều”.

Cuộc đấu tranh chống lại thói hư tật xấu, tham ô, tham nhũng, bần cùng, lạc hậu để “loại bỏ những gì hư hỏng, cũ kỹ” là cuộc chiến khổng lồ. “Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng đạn còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn đau xót”. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác nhắc nhở lần cuối: Sự nghiệp xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh là “một cuộc chiến đấu khổng lồ” để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.

Ngày 30.6.2022, phát biểu kết luận tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định “đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”.

Đổi mới là một quá trình, là một cuộc vận động cách mạng nhiều phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có định hướng đúng và có bước đi vững chắc, không thể nóng vội, giản đơn, cực đoan. Thực tế ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới cho thấy, đổi mới không thể tiến hành một cách chủ quan, bất chấp quy luật, bất chấp những nguyên tắc đã được thử thách. Khép lại loạt bài này, chúng tôi muốn nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, “sáng trong như ngọc một con người” đã vĩnh biệt chúng ta giữa lúc bao việc còn dang dở. Có không ít người bày tỏ sự lo lắng rằng “người đi thì trà nguội”. Thực tế chứng minh không hề có chuyện đó, vì cái gì đã thành xu thế, tất phải diễn ra, không thể đảo ngược.

Việt Đông - Phương Thuý

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục