Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc: Nhiều tiềm năng, thách thức
Bài cuối: Thực hiện nghiêm các quy định xuất khẩu nông sản
Thứ năm: 23:17 ngày 23/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt giúp các cơ quan quản lý, người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất và được ví như “hộ chiếu” cho xuất khẩu nông sản.

Thu hoạch bưởi da xanh ở xã Long Khánh, huyện Bến Cầu.

Mã số vùng trồng: “Hộ chiếu” cho nông sản xuất khẩu

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian qua, Chi cục phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trồng trọt đăng ký, xây dựng quy trình sản xuất để được cấp mã số vùng trồng. Đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, đôn đốc bà con ghi chép đầy đủ thông tin, quá trình chăm sóc, thu hoạch vào sổ nông hộ; khuyến cáo người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, bảo đảm đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Nhãi- thành viên HTX cây ăn trái Bàu Đồn cho biết: “Để trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, người trồng phải đăng ký mã số vùng trồng, duy trì mã số vùng trồng và tuân thủ nguyên tắc sử dụng phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng với liều lượng và theo danh mục quy định để trái sầu riêng đạt chất lượng cao, không có lượng hoá chất tồn đọng. Mã số vùng trồng giúp người trồng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá nông sản, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu”.

HTX cây ăn trái Bàu Đồn có 62 thành viên, diện tích sản xuất hơn 100 ha. Sản lượng sầu riêng ước tính trong năm nay khoảng 2.500 tấn. Sản phẩm sầu riêng Ri6 của HTX được công nhận OCOP 4 sao. Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc HTX cây ăn trái Bàu Đồn cho biết: “Đó là những tiêu chuẩn chứng minh sản phẩm của HTX an toàn, chất lượng khi đưa đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, HTX đã có 3 mã vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và có những hợp đồng liên kết với doanh nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều loại nông sản ở nước ta, do đó, tạo thuận lợi cho hàng hoá nông sản, đặc biệt là trái sầu riêng “xuất ngoại”, địa phương khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, coi đây là “hộ chiếu” để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường quốc tế. Địa phương tăng cường tuyên truyền người dân sản xuất sạch, VietGAP, bảo đảm sản phẩm xuất khẩu đạt uy tín, chất lượng; vận động người dân trồng sầu riêng đăng ký thêm mã số vùng trồng để có hướng xuất khẩu bền vững. Việc xây dựng mã số vùng trồng giúp thay đổi nhận thức, hành động của người dân, doanh nghiệp và cán bộ quản lý tại địa phương về sản xuất nông nghiệp, hướng đến mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần xây dựng nền kinh tế nông nghiệp phát triển trong tương lai. Để cây sầu riêng phát triển lâu dài, địa phương kiến nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện hỗ trợ người sản xuất trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.

Sầu riêng ở Tây Ninh là một trong những loại cây ăn trái được đánh giá cao về chất lượng. Năm 2023, Công ty TNHH nông sản thương mại Thiện Tâm, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có kế hoạch liên kết với nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu. Ông Lê Minh Tâm- Giám đốc Công ty cho biết, chính sách của công ty là hỗ trợ nông dân làm mã số vùng trồng, tập huấn cho nông dân để làm đúng kỹ thuật, doanh nghiệp sẽ liên kết thu mua sản phẩm. Ngoài ra, Công ty sẽ thưởng thêm 1.000 đồng/kg nếu nông dân thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật.

Cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nông sản

Theo ông Đặng Ngọc Quý- Giám đốc Công ty TNHH thương mại - sản xuất - chế biến - xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên chi nhánh 2 (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu), công ty đang đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm trái cây, rau củ quả cấp đông sang thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức bằng đường tiểu ngạch với sản lượng 30 tấn/tháng. Tất cả các sản phẩm của công ty đều xuất khẩu 100%. Để đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu, công ty phải tuyển chọn vùng nguyên liệu kỹ càng; áp dụng công nghệ sản xuất mới, tiên tiến, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường quốc tế; đầu tư về cơ sở hạ tầng; có chiến lược marketing phù hợp.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1 vùng trồng xoài Thái (10,6 ha) tại thành phố Tây Ninh đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đang giai đoạn cho trái và dự kiến thu hoạch vào khoảng tháng 5 - tháng 6.2023; 2 vùng trồng chuối (khoảng 174 ha) có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng số lượng không nhiều. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số xuất khẩu sang thị trường châu Âu cho 2 vùng trồng chanh không hạt (23 ha) tại huyện Tân Biên, chờ kết quả phản hồi của Cục Bảo vệ thực vật.

Công nhân sên cùi bưởi tại Công ty TNHH Eco Green Việt Nam, thị trấn Châu Thành

Thời gian qua, Sở NN&PTNT hỗ trợ người sản xuất cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ cấp mã số cơ sở đóng gói đáp ứng theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Cụ thể: hỗ trợ các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản có nhu cầu xuất khẩu nắm được các quy định về xuất khẩu của Việt Nam và yêu cầu của thị trường nhập khẩu; hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản đã được cấp mã số xuất khẩu bảo đảm duy trì được việc đáp ứng các quy định về xuất khẩu của Việt Nam và nước nhập khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12/12 vùng trồng cây ăn trái đã được cấp mã số đáp ứng các quy định về xuất khẩu.

Sở cũng kết nối một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đến Tây Ninh để trao đổi, ký kết hợp đồng thu mua nông sản của bà con nông dân trồng các loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như sầu riêng, xoài… Tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu chính ngạch theo quy định của Việt Nam và các thị trường nhập khẩu như Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ… Kiểm tra thường xuyên và hướng dẫn vùng trồng, cơ sở đóng gói quản lý các đối tượng kiểm dịch thực vật được các nước nhập khẩu quan tâm, góp phần giúp vùng trồng, cơ sở đóng gói bảo đảm duy trì được việc đáp ứng các quy định về xuất khẩu của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Trước những thách thức của việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản nói chung, ngành Nông nghiệp khuyến cáo các vùng trồng, cơ sở đóng gói cần nắm vững, tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định về xuất khẩu nông sản của Việt Nam và nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, cụ thể: tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh, các loại thuốc BVTV có nguồn gốc thảo mộc, thuốc ít độc; bảo đảm thời gian cách ly trước thu hoạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo uy tín, thương hiệu cho nông sản của các nhân/tổ chức/doanh nghiệp; cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm để thu hút người tiêu dùng và thân thiện với môi trường… Mặt khác, chủ động, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nông sản để không chịu ảnh hưởng, phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Bên cạnh việc tiêu thụ xuất khẩu, cần quan tâm kênh tiêu thụ nội địa- nhất là thông qua các hình thức bán hàng, phân phối bán lẻ online.

Ông Xuân cho biết thêm, nhằm kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng bảo đảm về sản lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm, Sở NN&PTNT đang tập trung thực hiện các giải pháp:

Một là, đầu tư hạ tầng nông thôn (điện, đường, thuỷ lợi) phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Dự án Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông có khả năng đáp ứng cho 17.000 ha cây trồng đang được triển khai thực hiện.

Công nhân cắt cùi bưởi tại Công ty TNHH Eco Green Việt Nam, thị trấn Châu Thành.

Hai là, sớm hoàn thành các thủ tục pháp lý về các diện tích đất của công ty nông nghiệp giao về địa phương quản lý để tạo quỹ đất công nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; định hướng các vùng sản xuất có tiềm năng phát triển thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp để làm cơ sở thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất tiên tiến trên địa bàn tỉnh.

Ba là, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để tạo sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn- nhất là trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bốn là, triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch trọng điểm như: Đề án vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tây Ninh, Đề án vùng nuôi trồng chuyên canh thuỷ sản gắn với công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng, Chiến lược phát triển chăn nuôi, Kế hoạch phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi.

Nhi Trần - Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục