Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tinh gọn tổ chức bộ máy - không chỉ làm từ dưới lên
Bài cuối: Từ dưới lên hay từ trên xuống?
Thứ hai: 09:49 ngày 18/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy thời gian qua thực hiện từ dưới lên, tức chỉ mới tinh gọn, sáp nhập ở cấp cơ sở (xã, huyện).

Thực tế tổ chức bộ máy nhà nước (nói khái quát) cho thấy, bên trên có cái gì, bên dưới có cái đó, trung ương có bộ, ban, ngành nào, địa phương cũng có sở, ngành tương ứng, theo hệ thống chiều dọc.

Chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy thời gian qua thực hiện từ dưới lên, tức chỉ mới tinh gọn, sáp nhập ở cấp cơ sở (xã, huyện). Có nhiều ý kiến bình luận rằng, để bộ máy thật sự tinh gọn theo đúng nghĩa, không phải sáp nhập kiểu cơ học, phải làm từ trên xuống, vì bên trên không có tổ chức, bên dưới cũng sẽ không có.

Không có bộ sẽ không có sở

Trong bài nói chuyện hàm súc, giàu tính trí tuệ, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ý, nghiên cứu, đẩy mạnh việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; sớm đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp; bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý, phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, hôm 21.10

Tổng Bí thư chỉ rõ, hiện nay, 70% ngân sách dùng để nuôi bộ máy, trong khi đó công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn bất cập.

Một bộ phận còn cồng kềnh, chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin, cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn thiếu triệt để.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Chủ trương chiến lược, theo Tổng Bí thư, tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa người quản lý và người lao động. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao khả năng tự chủ, tự cường của các địa phương.

Trong buổi thảo luận tổ của kỳ họp Quốc hội (đang diễn ra), Tổng Bí thư Tô Lâm được báo chí dẫn lời, nói rằng: “Trung ương gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Không có bộ nữa thì làm sao tỉnh có sở.

Không có sở nữa thì làm sao huyện có phòng. Cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn. Đây là nghị quyết của Trung ương nói mấy nhiệm kỳ rồi và đã đánh giá như thế thì phải xem xét.

Đến làm 8 tiếng có đúng, đủ, cống hiến, đóng góp, có xứng đáng để nhận đồng lương đó không? Tất cả mọi người đều phải làm, có trách nhiệm trong việc này và mình làm không đạt được yêu cầu đó phải xấu hổ...”.

Ông chỉ rõ việc ở đâu cũng phải làm và tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. Đồng thời, phải rất thẳng thắn, mạnh dạn, nhìn nhận vào các chỉ số này và nếu không làm sẽ không phát triển được. “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”- Tổng Bí thư lưu ý.

Như vậy, rõ ràng ý của Tổng Bí thư là, để tinh gọn bộ máy, phải thực hiện từ trên xuống chứ không chỉ từ dưới lên.

Đa ngành, đa lĩnh vực và kiêm nhiệm?

Năm 2020, khi mới triển khai Nghị quyết 18 và 19, có khá nhiều ý kiến đề xuất, đối với cấp tỉnh, có thể sáp nhập một số cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ gần giống nhau.

Ví dụ, sáp nhập Uỷ ban Kiểm tra cấp tỉnh với Thanh tra Nhà nước, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ với Sở Nội vụ.... Tại thời điểm đó, có ý kiến nhìn nhận, không nên làm như vậy, vì Uỷ ban Kiểm tra là do cấp uỷ Đảng bầu ra, phải tồn tại độc lập để thực hiện chức năng kiểm tra theo đúng quy định của Đảng.

Vì thế, để Uỷ ban Kiểm tra của Đảng làm thay việc của Thanh tra Nhà nước là chưa hợp lý. Trên cơ sở đó, nếu sáp nhập cơ quan cấp tỉnh thì sáp nhập Thanh tra Nhà nước với Sở Tư pháp sẽ hợp lý, khoa học hơn.

Đối với ngành Nội vụ và Tổ chức, có ý kiến này bày tỏ, hoàn toàn có thể sáp nhập được, vì chức năng, nhiệm vụ, cơ bản không khác nhau bao nhiêu.

Khi đó, ngành Nội vụ (cấp sở) sẽ thành lập Ban Cán sự Đảng thực hiện chức năng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và tham mưu cho cấp trên về công tác cán bộ. Nếu ý tưởng này thành hiện thực, theo ước tính, có thể giảm 40% tổng biên chế của hai ngành vừa nêu, đồng thời chọn được những người giỏi làm công tác tổ chức.

Tất nhiên, việc thực hiện cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình và bước đi phù hợp. Về việc thí điểm sáp nhập một số sở như Kế hoạch - Đầu tư với Tài chính, Xây dựng với Giao thông, nhiều người bình luận, chủ trương này hợp lý.

Thời gian cho thấy, nhiều ý tưởng đề xuất được đưa ra nhưng chỉ mới dừng lại ở đó. Triển khai nghị quyết của Trung ương, thực ra chờ nghị định chưa phải là tất cả, có khi còn phải sửa cả luật.

Trước tình hình đó, nên chăng hạn chế việc thí điểm sáp nhập, vì ngoài tính thiếu đồng bộ, còn phải kể đến sự bền vững, ổn định của bộ máy sau khi sáp nhập. Chuyện nhập rồi tách sau một năm thí điểm đối với 3 văn phòng (Quốc hội, HĐND và UBND) tỉnh là một ví dụ.

Thực hiện Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 ngày 18.9.2020 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kể từ ngày 1.1.2021, Tây Ninh đã tổ chức lại Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh.

So với thời điểm trước khi thực hiện thí điểm sáp nhập (ngày 30.6.2017) và thời điểm hiện nay, số lượng lãnh đạo và phòng chuyên môn của Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được bố trí giữ nguyên như trước khi thực hiện sáp nhập, không làm tăng số lượng lãnh đạo, phòng chuyên môn.

Một số mô hình khác (tuỳ theo từng địa phương) cũng đang có những đánh giá khác nhau. Có ý kiến nói, mô hình Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tạo sự thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp cán bộ, đảng viên, quần chúng, nhân dân và các hội, đoàn thể; giảm số lượng lãnh đạo, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách…

Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình này mang lại hiệu quả không cao, do người đứng đầu phải thường xuyên tham dự các cuộc họp của cả hai cơ quan, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ có lúc chưa kịp thời.

Mô hình sáp nhập Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện vào Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, mô hình này phù hợp về chức năng, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, gắn với công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, khoa giáo; hiệu quả cao trong việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm biên chế, tiết kiệm ngân sách.

Mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu phố, ấp hoặc bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận khu phố, ấp, mô hình này thực hiện thời gian qua cơ bản được thực hiện nghiêm túc, góp phần giảm số người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp, tiết kiệm chi ngân sách cho việc chi trả phụ cấp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mô hình này không mang lại hiệu quả cao, do phần lớn những người hoạt động không chuyên trách ở khu phố, ấp là do được vận động tham gia, người lớn tuổi, hạn chế về sức khoẻ, việc đảm nhận 2 chức danh gặp nhiều khó khăn, tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ hạn chế, chế độ chính sách chưa thật sự thoả đáng, việc sáp nhập sẽ thật sự có tính khoa học chứ không phải cơ học.

Đối với đề xuất thành lập tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực cần xem xét thận trọng, vì mô hình này nhìn bên ngoài tinh gọn nhưng thực chất lại phình bộ máy bên trong.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục