BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam, là khu vực không có tranh chấp

Cập nhật ngày: 30/07/2019 - 17:14

BTN - Việt Nam dứt khoát không để Trung Quốc tiến hành khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Bãi Tư Chính hay bãi cạn Tư Chính, bãi ngầm Tư Chính là một cụm rặng san hô ở phía Nam Việt Nam và thuộc chủ quyền Việt Nam. Bãi ngầm này nằm ở trong giới hạn khoảng từ vĩ độ 07029’03’’N - 07033’20’’N và kinh độ 109037’730’’E - 109054’58’’E, cách bãi Quế Đường 55 hải lý về phía Tây Nam; nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.

Điểm nhô cao nhất của bãi Tư Chính sâu cách mặt nước khoảng 16m, vị trí cách Vũng Tàu khoảng 229 hải lý về phía Đông Nam. Bãi ngầm Tư Chính có vị trí rất quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế biển và công tác quản lý chủ quyền vùng biển trên khu vực DK1; phạm vi bãi ngầm trong khoảng độ sâu 16m đến độ sâu 200m có độ dài khoảng 57km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 13km, hướng phát triển chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam.

Tư Chính là bãi ngầm lớn, ở cạnh đường hàng hải quốc tế, nên có vị trí rất quan trọng đối với việc tổ chức lực lượng thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển và quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển của Tổ quốc. Không có bất kỳ quốc gia nào có chủ quyền ở khu vực này, kể cả Trung Quốc. 

Tại đây, Việt Nam đã triển khai hoạt động dầu khí từ gần hai chục năm qua, trong đó có Lô 06/1- nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động xây dựng các cụm dịch vụ mang tên Cụm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật (DK) với hoạt động đầu tiên từ năm 1989.  Việc đó phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 của UNCLOS (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế) và Điều 80 (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa). Đây không phải là khu vực có tranh chấp. 

Những ngày qua, Trung Quốc tạo cớ ép ta ngưng hoạt động tại Lô 06/1, gây sức ép để ta chấp nhận khai thác chung về dầu khí; trong đó có mở rộng phạm vi khu vực Trung Quốc gọi là “Vạn An Bắc” (Bãi Tư Chính của ta) và ngăn cản ta tiến hành khai thác ở mỏ Cá Voi Xanh (Lô 118); hòng tạo ra một sự kiện và khu vực tương tự như khu vực Vạn An Bắc trước đây; vô hiệu hoá phán quyết của Toà án trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc còn tuyên truyền Việt Nam cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía Nam thành đảo nổi và ghép chúng vào quần đảo Trường Sa.

Việc Trung Quốc cho tàu Hải Dương 8 cùng với các tàu hộ tống khảo sát dài ngày xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông là hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trước những hành động khiêu khích, tạo cớ đó, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam vẫn bình tĩnh bám sát, ứng phó kịp thời. Nhà nước ta quyết tâm triển khai hoạt động dầu khí của ta tại Lô 06/1 như đã tiến hành bình thường với các đối tác quốc tế trong gần 20 năm qua; kiên quyết, kiên trì giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước gắn liền với bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của Tổ quốc.

Việt Nam dứt khoát không để Trung Quốc tiến hành khảo sát trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này bằng biện pháp hoà bình trong giai đoạn vừa qua là phù hợp trên tất cả các mặt ngoại giao, thực địa, bảo đảm an ninh trật tự. Đồng thời, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hoà bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Việc duy trì trật tự, hoà bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Vì vậy, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp, nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung. Các tầng lớp nhân dân hãy tin tưởng vào quan điểm, chủ trương, biện pháp đấu tranh của ta; bình tĩnh, tỉnh táo trước sự lợi dụng tình hình của các thế lực thù địch đưa các thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động bài Hoa, gây chia rẽ, hận thù, mất an ninh trật tự và kích động trên mạng xã hội, gây mất an ninh chính trị. Toàn dân hãy đoàn kết một lòng xung quanh Đảng và Nhà nước để tăng thêm sức mạnh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo. 

Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình, Đảng ta chủ trương giải quyết mọi bất đồng bằng con đường hoà bình nhưng Nhân dân Việt Nam cũng có truyền thống bất khuất và Đảng ta là một đảng thông minh lãnh đạo một dân tộc anh hùng rất khôn khéo trong đấu tranh, bảo vệ và gìn giữ non sông, đất nước. Điều này đã, đang và sẽ tiếp tục được minh chứng.

Nguyễn Thị Thu Cúc

(Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ)