Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ban Chỉ đạo 138 và 389 quốc gia tổng kết công tác năm 2017
Thứ hai: 22:00 ngày 29/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 29.1, Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138/CP và Trưởng BCĐ 389 Quốc gia chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Tây Ninh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì hội nghị. Tham dự có các thành viên của các BCĐ 138 và 389 tỉnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn ra phức tạp

Theo BCĐ 138 Chính phủ, năm 2017 phạm pháp hình sự xảy ra 52.947 vụ. Hoạt động của các loại tội phạm vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nổi lên ở tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, vi phạm pháp luật về môi trường, tội phạm về ma túy.

Trong năm 2017, cả nước đã điều tra, khám phá 42.577 vụ phạm pháp hình sự; bắt, xử lý 83.475 đối tượng, đạt tỷ lệ 80,41%; phát hiện 17.159 vụ phạm tội về kinh tế (nhiều hơn 2% so với năm 2016); 185 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ (ít hơn 24%); 3.945 vụ buôn lậu; phát hiện, xử lý 19.403 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; bắt giữ 21.471 vụ, 32.950 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.087 kg heroin, 1.047 kg và 1.003.718 viên ma túy tổng hợp, 10.702 kg thuốc phiện…

BCĐ 138 đánh giá, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quan tâm triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và BCĐ 138/CP về phòng chống tội phạm ngay từ những tháng đầu năm.

Theo đó, đã kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 3,02% số vụ phạm pháp hình sự. Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 80,41%, cao hơn 2,47% so với năm 2016.

Hầu hết, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ. Đặc biệt đã khởi tố, điều tra đưa ra xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, dù các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều nỗ lực chỉ đạo triển khai công tác đấu tranh chống tội phạm, song tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn ra phức tạp.

Một số nơi còn để tội phạm gây rối trật tự công cộng diễn ra phức tạp; có vụ  phạm tội hoặc vi phạm pháp luật xảy ra kéo dài nhưng chậm được giải quyết như tình hình xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc (giữa) chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả gia tăng ở các tỉnh biên giới

Theo BCĐ 389 quốc gia, trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra chủ yếu tại khu vực biên giới các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Đối tượng buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới chủ yếu là các chủ phương tiện vận tải, lái xe vận chuyển chuyên tuyến đường bộ từ Việt Nam sang các nước có chung đường biên giới và ngược lại, cư dân biên giới.

Ở tuyến cảng hàng không, bưu điện quốc tế, mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu là các hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: vũ khí, ma túy, vàng, các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục CITES (sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê, điện thoại, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá ngoại…).

Trong nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương.

Chủ yếu đối với nhóm các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao như rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Theo số liệu sơ bộ năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện 225.837 vụ việc vi phạm (tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016); thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 23.101 tỷ đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ); khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với năm 2016), 2.118 đối tượng (tăng 13,69% so cùng kỳ).

Tiêu huỷ thuốc lá ngoại nhập lậu- Ảnh minh hoạ.

Tìm giải pháp chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, những kết quả trên đã góp phần làm giảm tội phạm, tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những thành tích mà cả 2 BCĐ cùng các bộ, ngành, địa phương đạt được trong năm 2017.

Phó Thủ tướng cũng nêu lên các tồn tại, hạn chế, qua đó nhấn mạnh những nguyên nhân chính để khắc phục trong thời gian tới.

Năm 2018, mặc dù có những thuận lợi nhất định nhưng còn không ít khó khăn thách thức, do đó, nhiệm vụ cũng hết sức nặng nề, đòi hỏi các thành viên Ban chỉ đạo phải tiếp tục nỗ lực, triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cho năm 2018 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tập trung tìm giải pháp cho những vấn đề, lĩnh vực nóng, được nhân dân, dư luận quan tâm như phòng, chống tội phạm mua bán người, tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng, các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, tội phạm có tổ chức kiểu “xã hội đen”, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, vấn đề môi trường và khai thác cát sỏi trái phép, lâm tặc phá rừng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các mặt hàng như: Xăng, dầu, gas, thuốc lá, động vật hoang dã, phân bón, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc tân dược...

Theo báo cáo của BCĐ 389 Tây Ninh, năm 2017, trên tuyến biên giới tỉnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tập trung ở các mặt hàng: rượu ngoại, thuốc lá điều ngoại, hàng điện tử đã qua sử dụng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, gỗ, phế liệu, ngoại tệ, tiền Việt Nam, động vật hoang dã, một số hàng nông sản nhập lậu từ Campuchia…

Trong năm, lực lượng chức năng, các Đoàn kiểm tra liên ngành và BCĐ 389 các huyện, thành phố phát hiện, bắt giữ 1.788 vụ vi phạm, giảm 30,07% so cùng kỳ năm trước; tang vật vi phạm trị giá khoảng 60.177 triệu đồng, tăng 39,52% so cùng kỳ.

Các lực lượng đã xử phạt vi phạm hành chính khoảng 1.200 vụ (giảm 38,94% so cùng kỳ); tiền phạt tổng cộng khoảng 32.166 triệu đồng (tăng 114,8% so cùng kỳ); truy thu thuế và phạt thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế 70,99 tỷ đồng.

 

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục