Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ban chỉ đạo 138 và 389 tổng kết công tác năm 2018
Thứ ba: 09:33 ngày 22/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 21.1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình- Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138), Trưởng BCĐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban chỉ đạo 138 và 389.

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, thành viên BCĐ 138 và 389 tỉnh Tây Ninh tham dự hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng thành viên BCĐ 138 và 389 tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Theo báo cáo của BCĐ 138/CP, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 0,61% số vụ phạm pháp hình sự so với năm 2017. Tỷ lệ điều tra, khám phá án hình sự đạt 82,32% (cao hơn 1,9% so với năm 2017); đã điều tra khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, môi trường, được sư luận xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn ra phức tạp. Hệ thống các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội còn nhiều bất cập. Nổi lên nhiều vấn đề mới liên quan đến tín dụng đen, núp bóng doanh nghiệp, tội phạm sử dụng công nghệ cao, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép…

Theo BCĐ 389 quốc gia, số liệu sơ bộ năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 203.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 20.000 tỷ đồng, khởi tố 1.979 vụ (tăng 21% so với cùng kỳ 2017), 2.339 đối tượng (tăng 10% so với cùng kỳ 2017).

Công tác đấu tranh chống gian lận, thương mại và hàng giả năm 2018 đã được các bộ, ngành địa phương chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn; đã chú trọng tập trung công tác xây dựng lực lượng, xử lý vấn đề nóng, nổi cộm, đáp ứng cơ bản các mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả công tác năm 2018 cao hơn năm 2017; nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm được điều tra, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh kinh tế, trật tự xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, kết quả trên chưa tương xứng với tình hình thực tế, bởi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn ra phức tạp. Phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, “trước hết là do chúng ta chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc.

Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền ở một số địa phương chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Chưa sâu sát nắm bắt tình hình địa bàn, khu dân cư. Một bộ phận cán bộ công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật chưa cao, còn có biểu hiện bao che, thậm chí có cả những trường hợp bảo kê cho các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, buôn bán than, cát sỏi trái phép, chặt phá rừng, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc”.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, tới đây, Chính phủ sẽ tăng cường đánh giá công tác phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, trách nhiệm đối với chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả… đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương một cách nghiêm túc trong năm 2019.

Để công tác phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới có những chuyển biến căn bản hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, gồm:

Tiếp tục tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hoặc có cán bộ công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác đối với những người có vi phạm.

Làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Tổ chức phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay chính lực lượng chức năng (công an, hải quan, quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng, thuế…).

Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí, nhất là người dân trong việc theo dõi, giám sát hoạt động công vụ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục