Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 12.1, Ban chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) tỉnh họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong - Phó trưởng Ban thường trực. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Toàn cảnh phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo CCHC tỉnh.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Long Giang công bố quyết định của UBND tỉnh về việc kiện toàn Ban chỉ đạo CCHC tỉnh và dự thảo quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo CCHC.
Theo quyết định của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng Ban chỉ đạo CCHC tỉnh; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh là Phó trưởng Ban thường trực; Giám đốc Sở Nội vụ là Phó trưởng Ban.
Các Uỷ viên thường trực gồm: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và 30 uỷ viên là lãnh đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Sở Nội vụ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chủ tịch UBND tỉnh nghiên cứu, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương triển khai thực hiện công tác CCHC theo chương trình, kế hoạch CCHC của UBND tỉnh.
Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; Ban chỉ đạo họp định kỳ hằng quý, họp bất thường khi cần thiết; các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin sơ bộ về tình hình thực hiện trả lời phiếu khảo sát điều tra xã hội học do Bộ Nội vụ tổ chức; thông tin việc tổ chức tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của tỉnh trên phần mềm của Bộ Nội vụ.
Theo đó, thực hiện tự đánh giá trên phần mềm với 8 nội dung thuộc trách nhiệm của 6 cơ quan (Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư) thời gian tự chấm điểm từ 15.12.2023 đến 18.1.2024. Đến nay 6/6 cơ quan đã cơ bản thực hiện nhập liệu, tự đánh giá, cung cấp tài liệu kiểm chứng.
Qua đánh giá sơ bộ, Tây Ninh có những hạn chế, sẽ bị trừ điểm ở một số tiêu chí như: công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC; tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình; thực hiện thanh toán trực tuyến…
Riêng hai chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường; mức độ thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH do HĐND tỉnh giao đạt 0 điểm.
Các thành viên Ban chỉ đạo và lãnh đạo các sở, ban ngành dự họp thảo luận làm rõ nguyên nhân các chỉ tiêu bị đánh giá thấp và giải pháp cải thiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, thảo luận về dự thảo kế hoạch CCHC năm 2024; đề xuất của cơ quan thường trực về việc điều chỉnh quy định xác định Chỉ số CCHC năm 2024 đối với các Sở, Ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2024) trên địa bàn tỉnh.
Kết luận hội nghị, ông Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo CCHC tỉnh đề nghị ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch CCHC năm 2024, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố Tây Ninh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với ngành, địa phương ngay trong quý I.2024. Kế hoạch này phải lồng ghép với nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp đề ra của kế hoạch thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế yếu kém trong công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư và nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS, ICT INDEX (DTI) năm 2023 và các năm tiếp theo của UBND tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Lê Long Giang trao đổi về việc thực hiện khảo sát và đưa nội dung chỉ số SIPAS vào quy định đánh giá chỉ số CCHC các sở, ban ngành, huyện, thị, thành phố.
Phó Chủ tịch thường trực UBND Võ Đức Trong giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành và địa phương trong công tác CCHC. Về chuẩn bị nội dung tự đánh giá kết quả chỉ số CCHC (PAR Index) của UBND tỉnh Tây Ninh gửi Bộ Nội vụ trên phần mềm, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở KH&ĐT, Sở TT&TT, Sở Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp Sở Nội vụ thực hiện tự đánh giá, cung cấp tài liệu kiểm chứng phục vụ tốt công tác này theo quy định của Bộ Nội vụ; các ủy viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm phối hợp theo yêu cầu của cơ quan thường trực ban chỉ đạo.
Về dự thảo Quy chế làm việc Ban chỉ đạo và kế hoạch CCHC năm 2024, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục góp ý gửi lại cho cơ quan thường trực hoàn chỉnh để lãnh đạo UBND tỉnh ký ban hành.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu kết luận hội nghị.
Thống nhất đề xuất của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về việc thực hiện khảo sát, điều tra xã hội học đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - chỉ số SIPAS và đưa nội dung chỉ số SIPAS vào quy định về đánh giá chỉ số CCHC các sở, ban ngành, huyện, thị, thành phố.
Về thi đua CCHC, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo nghiên cứu nâng mức điểm đối với các chỉ tiêu khó và sớm ban hành bảng điểm thi đua CCHC trong quý I để thực hiện.
Phương Thuý