Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bạn chia sẻ và phẫn nộ, liệu đã đủ?
Thứ hai: 09:32 ngày 20/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cũng như những bạn trẻ 19, 20 tuổi khác, ngoài bày tỏ sự phẫn nộ với kẻ thủ ác và lòng cảm thông sâu sắc với các nạn nhân, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về những gì giới trẻ có thể đi tiếp.

Những ngày qua, từ khóa “ấu dâm” được nhắc đến trên các mặt báo lẫn các trang mạng xã hội với mật độ và tốc độ lan truyền chóng mặt. Điều này, một mặt đánh thức được sự chú ý của dư luận, nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng và là tín hiệu đáng mừng so với quá khứ không mấy được quan tâm trước đây.

Tuy nhiên, quan sát kỹ hơn các ý kiến trên mạng xã hội và trong thảo luận giữa giới trẻ chúng tôi với nhau, tôi thấy rằng không phải ai cũng hiểu rõ và có ý kiến/thái độ đúng đắn về chủ đề này.

Ví dụ với vụ bé gái lớp 1 ở Thủ Đức, các bạn trẻ đều bày tỏ sự phẫn nộ và bất bình trước sự việc, nhưng khi được hỏi về tính xác thực của thông tin được đề cập trong các bài viết, rất nhiều bạn không đưa ra một nguồn tin đáng tin cậy nào.

Hơn thế nữa, khi được hỏi về “ấu dâm”, nhiều bạn vẫn nhầm lẫn giữa các khái niệm về bệnh lý hay xu hướng tính dục; hay khi vấn đề danh tính “hung thủ” (vốn chưa được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào xác nhận) được đăng tải tràn lan, vẫn có bạn cho rằng “Đăng để biết mà tránh”, “Share cho chết mặt”... mà không hề hay biết bản thân đang vi phạm Luật bảo vệ danh tính.

Sự quan tâm quá đà như thế một mặt sẽ làm rối vấn đề, mặt khác sẽ gây bất lợi cho việc hồi phục, chữa lành sau sang chấn của trẻ em bị xâm hại.

Các nội dung được chia sẻ bao gồm hình ảnh, tên tuổi cũng như nơi ở chi tiết của “hung thủ” lẫn nạn nhân sẽ dễ dàng dẫn đến sự xâm phạm riêng tư của đứa trẻ, có khả năng gây chấn thương tinh thần lớn cho các em, để lại hậu quả khó lường về sau.

Những nghiên cứu xã hội học về vấn đề này đã từng cảnh báo về một hệ quả nghiêm trọng: những rối loạn tâm lý lớn nhất của nạn nhân bị xâm hại tình dục lại đến từ những KÝ ỨC về cách xã hội phản ứng đối với họ!

Cũng như những bạn trẻ 19, 20 tuổi khác cùng lứa, tôi tự hỏi sự quan tâm của mình về vấn đề này liệu có thể đi xa tới đâu, ngoài bày tỏ sự phẫn nộ với kẻ thủ ác và lòng cảm thông sâu sắc với các nạn nhân.

Tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về những gì giới trẻ - với lợi thế của thế hệ này - có thể đi tiếp. Và tôi cho rằng điều nên làm đầu tiên là cố gắng kiểm chứng sự việc và đưa tin, chia sẻ thông tin về nó một cách có trách nhiệm, tỉnh táo và minh mẫn trước khối lượng thông tin khổng lồ và phức tạp trên mạng.

Kế tiếp, những buổi tọa đàm dành cho giới trẻ - nơi các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như tâm lý, luật sư và các chuyên gia về bảo vệ quyền trẻ em cung cấp kiến thức phổ quát cũng như kỹ năng xử lý tình huống - cần được tổ chức rộng rãi trong khu vực trường học, đặc biệt là đại học, nhằm giúp sinh viên có hiểu biết đầy đủ về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, biết cách tiếp cận vấn đề đúng mực và lành mạnh.

Ở trường đại học của tôi, chúng tôi đang chuẩn bị cho một cuộc tọa đàm tương tự và hi vọng sẽ có nhiều sinh viên tới tham dự.

Tôi tin rằng không ít người lớn - với tư cách cha mẹ - gặp không ít khó khăn khi tiếp cận vấn đề này một cách khách quan, khoa học (do những vướng víu về quan niệm sống, định kiến xã hội, sự cập nhật thông tin, kiến thức, phương pháp và khoảng cách thế hệ), các sinh viên lại ở trong một độ tuổi thích hợp và có nhiều cách thức linh hoạt hơn để tiếp cận, giúp đỡ các nạn nhân nhỏ tuổi về lâu dài.

Nếu được trang bị kiến thức và phương pháp tốt, các bạn trẻ sẽ là những người góp phần tạo cơ hội thay đổi cuộc đời các nạn nhân theo hướng tích cực hơn, tránh gây những hậu quả tâm lý nghiêm trọng về lâu dài cho các em.

Cùng quá trình ấy, chính giới trẻ sẽ là người thay đổi nền giáo dục cũng như tham gia cải thiện hiệu quả luật pháp, sự lành mạnh trong truyền thông xung quanh vấn đề xâm hại tình dục trẻ em - tất cả vì một tương lai lành mạnh, an toàn cho trẻ em.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục