Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Ban Dân nguyện Quốc hội làm việc với UBND tỉnh về quản lý, giải quyết khiếu kiện về đất đai
2012-09-21 05:39:00

Chủ tịch UBND tỉnh mong nhận được sự quan tâm của Quốc hội nhiều hơn nữa, để giúp đỡ, hỗ trợ Tây Ninh trong việc giải quyết những vấn đề đất đai còn tồn đọng.

(BTN)- Ban Dân nguyện - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa có làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh về việc giám sát công tác giải quyết khiếu kiện của cử tri, báo cáo tình hình quản lý và sử dụng đất ở các nông, lâm trường cũ. Đoàn giám sát do ông Hà Công Long - Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội làm Trưởng đoàn. Tiếp đoàn có bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch UBND tỉnh, các ông Huỳnh Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Thành Tâm - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Lâm Tấn Đông - Uỷ viên thường trực HĐND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở và các huyện có liên quan.

Ông Hà Công Long - Phó Trưởng Ban dân nguyện Quốc hội phát biểu tại cuộc họp.

Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ, từ năm 1993, thực hiện Quyết định số 327-CT ngày 15.9.1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước (gọi tắt là chương trình 327), Tây Ninh đã giải thể toàn bộ các lâm trường quốc doanh, chuyển thành các Ban quản lý dự án lâm nghiệp (sau này là các Ban quản lý dự án 661), cụ thể đã chuyển đổi 4 Ban quản lý rừng: Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (chuyển đổi từ Lâm trường Tân Bình, Hoà Hiệp), Ban quản lý Khu rừng Văn hoá - lịch sử Chàng Riệc (chuyển đổi từ Lâm trường Tân Biên), Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (chuyển đổi từ Lâm trường Tân Đông và Lâm trường Dương Minh Châu) và Ban quản lý Khu rừng Văn hoá - lịch sử Núi bà. Đến nay, tỉnh không còn lâm trường quốc doanh nào. Về nông trường, Tây Ninh đã chuyển đổi các nông trường thành 7 công ty nông nghiệp, trong đó có 1 Công ty cổ phần là Công ty cổ phần cao su Tây Ninh và 6 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH-MTV): cao su 30-4 Tây Ninh, cao su Tân Biên, TNXP Tây Ninh, Mía đường Tây Ninh, cao su 1-5 Tây Ninh và 22-12 Tây Ninh.

Sau khi nghe báo cáo, các thành viên trong đoàn đã nêu những ý kiến yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh giải thích rõ hơn hiệu quả trong việc giao đất, giao rừng; thực hiện các văn bản pháp luật về đất đai đạt kết quả đến đâu; giải quyết chính sách cho dân trong việc thu hồi đất; tình hình biến động rừng sau khi sắp xếp; vai trò của các nông, lâm trường cũ; vấn đề thuê đất của các công ty nông nghiệp; việc xác định cắm mốc, đo đạc dọc vành đai biên giới; giá thuê đất…Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở liên quan, đã giải trình cụ thể từng yêu cầu của đoàn. Qua đó cho thấy, các nông trường trước khi chuyển đổi đã làm ăn hiệu quả, chọn giống mới thích hợp, có chất lượng, đạt năng suất cao, đã xây dựng kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, hàng năm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Sau khi được chuyển đổi thành các công ty nông nghiệp, các công ty luôn giữ vững và phát huy thành quả đạt được, tăng giá trị xuất khẩu. Việc sắp xếp, chuyển đổi của các nông, lâm trường, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, tăng xuất khẩu. Giải quyết vấn đề đất lâm nghiệp bị bao, lấn chiếm đạt kết quả khả quan. Cụ thể, đã thu hồi 3.861 ha, đạt 92,69% so kế hoạch; kịp thời giải quyết 133 đơn xin cứu xét, khiếu nại từ cơ sở; hằng năm trồng rừng đạt và vượt chỉ tiêu; công tác quản lý đất lâm nghiệp được thực hiện chặt chẽ hơn.

Ông Hà Công Long - Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc Hội, đánh giá cao việc Tây Ninh sắp xếp các nông, lâm trường rất sớm, từ đó, Tây Ninh cơ bản đã giải quyết hợp lý đất lâm nghiệp. Đất nông nghiệp được quản lý rất tốt, đúng quy định, thực hiện đầy đủ tinh thần nghị quyết đề ra nên các công ty đều làm ăn hiệu quả. Phó Trưởng ban Dân nguyện tán thành việc tập trung xử lý những vấn đề liên quan đến đất đai nông, lâm trường của tỉnh và nhắc nhở, việc xử lý phải đúng theo Hiến pháp và pháp luật, tất cả vì lợi ích của người dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ tiếp thu những ý kiến của Ban Dân nguyện Quốc hội để điều hành tốt hơn trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh mong nhận được sự quan tâm của Quốc hội nhiều hơn nữa, để giúp đỡ, hỗ trợ Tây Ninh trong việc giải quyết những vấn đề đất đai còn tồn đọng. Đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiến nghị Trung ương cần xem lại kinh phí sử dụng, quản lý và bảo vệ rừng còn thấp. Trong quản lý, cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương, để việc thực hiện được dễ dàng, thuận lợi.

DUY ĐỨC

Từ khóa:
Tin liên quan