BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban Dân nguyện trả lời kiến nghị của cử tri Tây Ninh

Cập nhật ngày: 13/11/2012 - 05:30

(BTNO) – Trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII, Ban Dân nguyện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời một số kiến nghị của cử tri Tây Ninh cùng các tỉnh, thành trong cả nước.

Cử tri Tây Ninh đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu đổi mới hình thức, phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tăng thời gian và có quy định cụ thể về cách thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (tiếp xúc cử tri của từng đại biểu, theo nhóm đại biểu, theo chuyên đề, đại biểu xuống tận cơ sở trực tiếp gặp những người dân nơi có nhiều bức xúc...) để tiếp nhận được nhiều thông tin hơn phục vụ hoạt động của đại biểu và kịp thời chuyển kiến nghị đến các cơ quan chức năng; đặt đường dây nóng để cử tri tham gia ý kiến với đại biểu Quốc hội, đồng thời giám sát chặt chẽ việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước.

Ông Hoàng Tuấn Anh- ĐBQH tỉnh Tây Ninh, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL (trái) trao đổi với cử tri huyện Châu Thành. Ảnh minh hoạ

Trả lời kiến nghị trên, Ban Dân nguyện cho biết, ngày 10.9.2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XI và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri kèm theo Nghị quyết liên tịch số 06/2004/NQLT/UBTVQH11-ĐCTUBTWMTTQVN (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 06). Thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đề án “Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”. Đề án đã hoàn thành và được Đảng đoàn Quốc hội xem xét, phê duyệt tại Kết luận số 444/KL-ĐĐQH12 ngày 20.10.2010.

Ngày 9.4.2012, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 477/NQ-UBTVQH về việc thành lập Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 06. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban soạn thảo sửa đổi Nghị quyết 06 đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 vào ngày 20.8.2012. Tiếp thu ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, hiện đang gửi xin ý kiến lần cuối để trình Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký ban hành.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, dự thảo Nghị quyết đã được sửa đổi bổ sung theo hướng nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động của đại biểu Quốc hội trong hoạt động tiếp xúc cử tri; quy định Đoàn đại biểu tổ chức để từng đại biểu tiếp xúc cử tri, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tổ chức để các đại biểu Quốc hội cùng tiếp xúc cử tri. Ngoài việc tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về việc đại biểu Quốc hội chủ động tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm, trong đó bổ sung quy định mới về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở địa bàn ngoài địa phương đại biểu Quốc hội ứng cử, trong từng loại hình tiếp xúc cử tri, Nghị quyết đã thể hiện cụ thể hơn về thành phần cử tri, nội dung tiếp xúc nhằm bảo đảm tính hiệu quả và sự chủ động của đại biểu Quốc hội trong các cuộc tiếp xúc cử tri; đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, bảo đảm các điều kiện cần thiết để phục vụ đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.

Về hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, kế thừa quy định tại Nghị quyết 06 và trên cơ sở thực tiễn thực hiện công tác này, điều 37 Dự thảo Nghị quyết quy định:

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở Trung ương; xem xét kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội về việc giải quyết kiến nghị của cử tri của địa phương; báo cáo Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội.

Ban Dân nguyện giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức và tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trên cơ sở kết quả hoạt động giám sát, báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, tổng hợp báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội; chuẩn bị báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp trước.

Căn cứ vào kết quả trả lời kiến nghị của cử tri, ý kiến, kiến nghị của cử tri, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Ban Dân nguyện giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội lựa chọn những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị nhiều lần nhưng việc giải quyết chưa được cử tri đồng tình tiếp tục kiến nghị để tiến hành giám sát.

2. Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội căn cứ vào kiến nghị và trả lời kiến nghị của cử tri, lựa chọn, tiến hành giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực Hội đồng, Uỷ ban phụ trách và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội để tổng hợp báo cáo Quốc hội.

3. Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

4. Đại biểu Quốc hội theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri và tham gia các hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

5. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân có trách nhiệm giúp Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

6. Ban thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và gửi báo cáo về Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Như vậy, so với Nghị quyết 06 thì dự thảo Nghị quyết đã bổ sung quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, nhất là hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đây là nội dung mới của Nghị quyết liên tịch về hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Về kiến nghị đặt đường dây nóng để cử tri tham gia ý kiến với đại biểu Quốc hội, theo Ban Dân nguyện, đây là vấn đề rất cần được quan tâm, nghiên cứu giải quyết. Tuy nhiên qua thảo luận tại các hội nghị, tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố thì thấy: Việc đại biểu Quốc hội liên hệ với cử tri qua điện thoại, thư điện tử là do đại biểu Quốc hội tự thực hiện, bảo đảm phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện hoạt động của từng đại biểu. Vì vậy, không nên đưa nội dung này vào Nghị quyết về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Cử tri cũng đề nghị trong thời gian tới, Quốc hội cần tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, nhất là giám sát các cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt đối với các vụ việc đã được chính quyền các cấp giải quyết nhưng người dân chưa đồng tình và gửi khiếu nại đến các cơ quan của Quốc hội.

Ban Dân nguyện cho biết, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nội dung đã được quy định trong Luật hoạt động giám sát của Quốc hội; là nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Thực hiện quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và căn cứ vào chương trình công tác, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thông qua các hình thức: xem xét báo cáo; tổ chức đoàn giám sát và lồng ghép hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vào các hoạt động giám sát chuyên đề. Năm 2012, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các Quyết định hành chính về đất đai, và tại kỳ họp thứ tư tới đây Quốc hội sẽ giám sát tối cao chuyên đề này; ban hành Nghị quyết số 474/NQ-UBTVQH về việc giao cho Ban Dân nguyện tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cụ thể gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong thời gian qua, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội cũng đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.

Nhìn chung, hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cơ quan của Quốc hội ngày càng quan tâm, một số Uỷ ban của Quốc hội đã có chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể, chất lượng giám sát ngày càng được nâng lên… Tuy nhiên, việc giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể đang còn là khâu yếu của các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đòi hỏi các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

HY UYÊN