BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam đón nhận danh hiệu Anh hùng

Cập nhật ngày: 17/08/2013 - 04:53

Ngày 15.8, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng danh hiệu cao quý cho 
Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục Miền Nam (Ảnh:VL)

Tới dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và gần 1000 đại biểu, cán bộ, nhân viên Ban thông tin liên lạc, Ban Giao bưu Trung ương Cục miền Nam qua các thời kỳ.

Ngày 23.1.1961, Hội nghị Trung ương 3 (khóa III) đã quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam thay Xứ ủy Nam Bộ trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Ngay sau đó, Trung ương Cục miền Nam đã thành lập các ban chuyên môn phục vụ lãnh đạo kháng chiến, trong đó có Ban Thông tin liên lạc (năm 1961) và Ban Giao bưu vận (năm 1962), đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức, lực lượng của hai ngành Giao bưu vận và Thông tin. Trong suốt những năm chiến tranh, lực lượng giao bưu, thông tin đã không quản hy sinh, luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân; kiên cường, mưu trí, dũng cảm chiến đấu để giữ vững đường dây thông tin liên lạc luôn thông suốt từ Bắc vào Nam, từ Trung ương Cục miền Nam đi đến các chiến trường. Những chiến công của các chiến sĩ giao bưu, thông tin tuy thầm lặng nhưng rất đỗi anh hùng, từ việc xây dựng, bảo vệ các đường dây đưa người, vũ khí từ Bắc vào Nam đến việc chuyển công văn, tài liệu, chủ trương, nghị quyết của Trung ương Cục; tổ chức các phiên liên lạc của Trung ương Cục, mã dịch điện mật của đối phương…

Những chiến sĩ giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam còn mưu trí, sáng tạo viết tài liệu “tàng hình” bằng bạch chỉ; vận dụng hàng trăm cách ngụy trang để vận chuyển tài liệu, che dấu thiết bị điện đài; trong điều kiện thiếu thốn vẫn tự chế, lắp ráp được các thiết bị thu phát vô tuyến điện; tạo ra các cụm đài thật, tín hiệu giả (đài B6) để đánh lạc hướng đối phương… Để làm nên những chiến công ấy, đã có 5.000 cán bộ, chiến sĩ giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam anh dũng hy sinh, hàng nghìn người mang thương tật suốt đời.

Năm 1975, sau ngày đất nước được thống nhất, Tổng cục Bưu điện miền Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất các lực lượng cán bộ công nhân viên chức Ban Giao bưu vận, Ban Thông tin miền Nam và cán bộ viên chức của Tổng cục Bưu điện Trung ương vào chi viện. Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.

Với những đóng góp to lớn của lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam (nay trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam-VNPT), ngày 25.4.2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định 804/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin Trung ương Cục miền Nam.

Tiếp nối truyền thống đó, bước vào thời kỳ Đổi mới, ngành Bưu chính Viễn thông đã làm nên kỳ tích tăng tốc phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, xây dựng nên mạng lưới bưu chính viễn thông Việt Nam hiện đại, đồng bộ, ngang tầm thế giới, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận là ngành đi đầu trong sự nghiệp Đổi mới.

Còn nhớ năm 1996, Việt Nam mới chỉ có 1 triệu thuê bao điện thoại thì hết năm 2007, VNPT đã hoàn thành mục tiêu đưa điện thoại đến 100% số xã trên cả nước; 92% số xã có báo đọc trong ngày, đồng thời đẩy mạnh cung cấp dịch vụ Internet đến vùng sâu, vùng xa. Tháng 4.2008, VNPT thêm một lần nữa ghi dấu ấn của mình khi phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1 và chỉ 4 năm sau tiếp tục phóng thành công VINASAT-2, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia. Hiện VNPT là doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng rộng lớn với 93% thị phần mạng điện thoại cố định, gần 60% thị phần mạng di động, 75% thị phần Internet Việt Nam.

Tại buổi lễ, ông Huỳnh Văn Mai, nguyên là Ủy viên Ban Thông tin Trung ương Cục Miền Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Giao bưu thông tin miền Nam xúc động nói: “Tôi rất xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban ngành đoàn thể, của đồng chí đồng đội. Sau lớp chúng tôi còn có nhiều lớp trẻ tiếp bước, tiếp tục phát triển. Tôi tin tưởng và nhắn nhủ anh em tiếp tục giữ vững tinh thần học hỏi, để phát triển ngành vững chắc trong tương lai, xứng đáng với những người đi trước”.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông khẳng định: Lực lượng giao bưu, thông tin Trung ương Cục miền Nam đã không quản hy sinh, gian khổ, kiên cường, mưu trí, dũng cảm chiến đấu để giữ vững đường dây thông tin luôn thông suốt từ Bắc vào Nam, từ Trung ương Cục miền Nam đi đến các chiến trường; đã tổ chức tiếp nhận, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, trang bị, khí tài, hàng hóa phục vụ chiến trường; đưa đón hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ an toàn. Dù bom đạn chiến tranh khốc liệt, những con đường giao liên, những cánh sóng thông tin vẫn lan tỏa khắp các mặt trận chưa hề bị ngắt quãng.

"Những chiến công vẻ vang của Ban Giao bưu vận và Ban Thông tin liên lạc Trung ương Cục miền Nam đã góp phần hun đúc nên truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” của ngành Bưu điện. Tiếp nối truyền thống đó, bước vào thời kỳ Đổi mới, ngành Bưu điện và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã làm nên kỳ tích tăng tốc phát triển, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hoá và đa dịch vụ, xây dựng nên mạng lưới Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện đại, đồng bộ, ngang tầm thế giới. Danh hiệu được Nhà nước trao tặng hôm nay nhắc nhở chúng ta tiếp tục giữ gìn, phát huy hơn nữa để ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng lớn mạnh và phát triển, sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin, truyền thông" - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.

VL (Báo điện tử Đảng Cộng sản)