Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh:
Ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ sáu: 11:07 ngày 19/11/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5.11.2021 về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao uy tín, năng lực và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và Nhân dân.

Vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế.

Theo BCH Đảng bộ tỉnh, những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng và các Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ.

Nhất là trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp về xây dựng chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, góp phần xây dựng đảng bộ trong sạch, vũng mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế; trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ và người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả chưa cao; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức, việc kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ tuy có chuyển biến nhưng kết quả còn rất hạn chế, còn xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ngay trong đội ngũ những người làm công tác phòng, chống tham nhũng; tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong một số cơ quan, đơn vị khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn và đẩy lùi, còn xảy ra một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, đất đai... ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, cũng như môi trường đầu tư phát triển của địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp uỷ, cơ quan, đơn vị, nhất là vai trò của người đứng đầu trong việc triển khai và chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa quyết liệt; việc cụ thể hoá nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện còn thiếu cụ thể; còn có tình trạng nói nhiều, làm ít, nói không đi đôi với làm; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa được thường xuyên; tính gương mẫu, tự giác trong việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, kể cả một số ít cán bộ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực; việc phát hiện, xử lý vi phạm có trường hợp chưa nghiêm, thiếu kiên quyết và kịp thời, có vụ việc kéo dài, dư luận bức xúc; cơ chế tiếp nhận thông tin, bảo vệ và khen thưởng người tố giác các hành vi tiêu cực, tham nhũng còn bất cập, chưa phát huy hiệu quả.

“Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”

Về quan điểm, Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh nêu rõ: Đảng lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung thống nhất công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế và hình sự, có trọng tâm, trọng điểm.

Đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đấu tranh không ngừng nghỉ, lấy phòng ngừa là chính, là cơ bản.

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực bảo đảm kịp thời, đúng người, đúng tính chất, mức độ vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm những người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; xem chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng là việc làm tiên quyết để bảo vệ Đảng và tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên trong sạch vững mạnh; phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng là quan trọng; đồng thời chú trọng việc đấu tranh phòng, chống các hành vi tiêu cực khác để ngăn chặn, loại trừ các mầm mống của tham nhũng.

Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vũng ổn định chính trị, nâng cao đời sống của Nhân dân, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Về mục tiêu, Nghị quyết nhấn mạnh: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn, khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đáp ứng yêu cầu xây dụng, chỉnh đốn Đảng.

Thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên trong phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương, tự giác chấp hành của người đúng đầu, cán bộ đảng viên đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, công khai, minh bạch về tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, tài chính công, các quy trình, thủ tục về hành chính và công tác cán bộ.

Tạo sự chuyển biến rõ rệt kết quả đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và các hành vi tiêu cực, “tham nhũng vặt”, “lợi ích nhóm”, góp phần xây dựng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như:

Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nêu cao tính tự giác, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung rà soát, cụ thể hoá kịp thời các chủ trương, quan điểm của Đảng và quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ, hiệu quả.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.

Tiếp tục xây dựng, kiện toàn tổ chửc bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và hiệu quả hoạt động các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng…

Hy Uyên

Tin cùng chuyên mục