BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961-23.10.2021):

Bản hùng ca bất diệt 

Cập nhật ngày: 23/10/2021 - 22:09

BTNO - Sự ra đời của đường Hồ Chí Minh trên biển đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc; vừa bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, vừa đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn, thời gian di chuyển nhanh, phạm vi rộng khắp, đặc biệt là các tỉnh ven biển và đồng bằng Nam Bộ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Đường Hồ Chí Minh trên biển gồm 5 tuyến, có tổng chiều dài gần 12.000 hải lý (hơn 22.000km) là chiếc cầu nối giữa hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại với biết bao kỳ tích anh hùng, là bản hùng ca bất diệt, hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên mặt trận vận tải chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là niềm vinh quang, tự hào của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền biển, đảo và khơi dậy khát vọng chinh phục biển cả.

Quyết định chiến lược

Cách đây 60 năm, trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng miền Nam để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hoá chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ, trong khi vận chuyển đường bộ của Đoàn 559 trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới, ngày 23.10.1961, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759, làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường.

Có thể khẳng định, quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ngày 23.10 trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759, tiền thân Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 (Quân chủng Hải quân) ngày nay; đồng thời là Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Biểu tượng của niềm tin và khát vọng thống nhất đất nước

Sự ra đời của đường Hồ Chí Minh trên biển đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc; vừa bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, vừa đáp ứng yêu cầu vận chuyển khối lượng lớn, thời gian di chuyển nhanh, phạm vi rộng khắp, đặc biệt là các tỉnh ven biển và đồng bằng Nam Bộ.

Đường Hồ Chí Minh hình thành và phát triển chia thành 4 mốc thời gian gắn liền với lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Giai đoạn 1962 – 1965 là giai đoạn táo bạo - bí mật - bất ngờ vận chuyển chi viện chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của  đế quốc Mỹ.

Giai đoạn 1965 – 1972 là giai đoạn vượt qua thử thách ác liệt, khắc phục khó khăn, tiếp tục vận chuyển chi viện cho chiến trường, góp phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Giai đoạn 1973 – 1975 là giai đoạn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Giai đoạn 1975 đến nay là tiếp tục tham gia vận chuyển và chiến đấu, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của tổ quốc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.

Đường Hồ Chí Minh trên biển là bản anh hùng ca bất diệt, biểu hiện của niềm tin, khát vọng thống nhất đất nước; biểu tượng về tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo đúng đắng của Đảng đối với nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam, về phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân và xây dựng lực lượng vận tải quân sự đường biển ngày càng hiện đại; là biểu tượng niềm tin, lòng trung thành, tinh thần đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, vượt qua khó khăn thử thách, khơi dậy ý chí quật cường và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang

Năm tháng qua đi, nhưng Đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân đội, nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc. 

Hiện nay, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, quyết liệt hơn.

Đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với nước ta, đòi hỏi cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của đường Hồ Chí Minh trên biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tập trung mọi nguồn lực "Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP và kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn” mà Đảng ta đã khẳng định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Từ năm 1961 - 1975), đường Hồ Chí Minh trên biển đã huy động 1.879 lượt tàu thuyền, vận chuyển 152.876 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh, 80.026 cán bộ, chiến sĩ từ miền Bắc vào miền Nam; chiến đấu hàng trăm trận với máy bay, tàu chiến Mỹ và ngụy quân Sài Gòn, kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ; hoàn thành mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng Trường Sa và một số đảo trên vùng biển miền Trung và Tây Nam Tổ quốc, làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước.

Mai Tuấn Kiệt