Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 9.5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).


Tham gia góp ý đối với dự án Luật này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Thị Thanh Thuý– Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Tây Ninh có một số góp ý:
Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế (Điều 2), đại biểu Thuý cho biết mặc dù trong báo cáo giải trình tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có tiếp thu ý kiến ĐBQH để điều chỉnh lại khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật “Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế để phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và tổng hợp vào Báo cáo của Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Tuy nhiên, đại biểu Thuý vẫn còn băn khoăn với điều khoản này vì quyết định thay đổi đối tượng chịu thuế được quy định trong Luật là do Quốc hội quyết định, điều này bảo đảm tính hợp hiến và hợp pháp, việc giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đủ thẩm quyền thay đổi nội dung của Luật.
Tương tự, đại biểu Thuý cho rằng thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế được quy định tại khoản 5 Điều 3 dự thảo, thẩm quyền này không thể giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà thuộc Quốc hội quyết định.
Thứ hai, về hoàn thuế và khấu trừ thuế (Điều 9), tại khoản 2 Điều 9 dự thảo quy định: “Người nộp thuế sản xuất hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng nguyên liệu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu có chứng từ hợp pháp thì được khấu trừ số thuế đã nộp đối với nguyên liệu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp ở khâu sản xuất”.
Theo đại biểu Thuý, với quy định trên, để được khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: (1) hàng hoá đầu ra thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và (2) nguyên liệu đầu vào thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thực tế, phát sinh trường hợp các doanh nghiệp sản xuất ô tô chuyên dùng hiện đang không được khấu trừ thuế và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào. Thực tiễn sản xuất ô tô chuyên dùng, các doanh nghiệp thường sẽ dựa trên một số dòng xe thương mại phổ thông.

Ví dụ, xe cứu thương được sản xuất trên nền xe chở người 9 hoặc 12 chỗ; xe chở tiền được sản xuất trên nền xe chở người 7 chỗ; các loại xe chở phạm nhân, xe tang lễ, xe chạy trong khu vui chơi, xe chở học sinh, xe chuyên dụng khác đều được sản xuất từ những dòng xe thương mại phổ thông.
Quá trình sản xuất này có đầu vào là xe thương mại phổ thông, thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đầu ra là xe chuyên dùng, không thuộc diện chịu thuế. Như vậy, căn cứ vào khoản 2 Điều 9 dự thảo thì các doanh nghiệp này chỉ đáp ứng điều kiện (2) mà không đáp ứng điều kiện (1). Từ đó, các doanh nghiệp này không được khấu trừ thuế hay hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính sách tác động rất tiêu cực đến sản xuất và sử dụng ô tô chuyên dùng tại Việt Nam. Giá bán các loại phương tiện này trên thị trường bị đẩy lên cao do khoản thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào không được khấu trừ và hoàn.
Đơn cử trường hợp xe cứu thương, khoản thuế không được khấu trừ và hoàn thuế này khiến chi phí sản xuất xe cứu thương trong nước tăng, gián tiếp làm tăng chi phí y tế, giảm khả năng tiếp cận dịch vụ của người bệnh.
Trong khi hàng hoá tương tự sản xuất tại nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế, nên các doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu. Thậm chí, có trường hợp đưa ô tô thương mại trong nước ra nước ngoài để cải tạo thành xe chuyên dùng rồi nhập khẩu lại về Việt Nam nhằm tránh thuế.
Dự thảo mới chỉ quy định hoàn thuế đối với trường hợp sử dụng xăng khoáng để sản xuất xăng sinh học. Trong khi đó, mặt hàng ô tô chuyên dùng cũng sử dụng nguyên liệu đầu vào là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt lại chưa có quy định về khấu trừ và hoàn thuế.
Với các lý do đó, đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trường hợp khấu trừ và hoàn thuế đối với việc sử dụng xe ô tô thương mại để sản xuất xe ô tô chuyên dùng.
Thứ ba, về hiệu lực thi hành (Điều 11), đại biểu Thuý đề nghị Quốc hội cân nhắc lùi thời điểm hiệu lực thi hành của Luật sang ngày 1.1.2027. Bởi vì dự thảo Luật có nhiều thay đổi lớn (đối tượng chịu thuế mới, phương pháp tính thuế mới, lộ trình tăng thuế mạnh), hiện nay đã gần hết 6 tháng đầu năm 2025, do đó để bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, cần phải có đủ thời gian (ít nhất 1 năm sau khi Luật được thông qua) để chuẩn bị nguồn lực, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, cơ cấu sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn; đồng thời, giúp giảm thiểu cú sốc cho thị trường và bảo đảm tính khả thi của chính sách kinh tế vĩ mô và có tính toán đến mục tiêu tăng trưởng hai con số hiện nay.
Thứ 4, đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về “Điều khoản chuyển tiếp”. Theo đại biểu Thuý, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đang được triển thực hiện, hiện nay, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) thiếu điều khoản về quy định chuyển tiếp để xử lý các vấn đề phát sinh khi Luật có hiệu lực, cụ thể: (1) Xử lý đối với hàng hoá tồn kho đã nộp thuế theo luật cũ; (2) Áp dụng thuế suất mới đối với các hợp đồng cung cấp hàng hoá, dịch vụ dài hạn đã ký trước ngày Luật có hiệu lực; (3) thời hạn để doanh nghiệp điều chỉnh ghi nhãn, công bố thông tin (ví dụ: hàm lượng đường)…
KC (Lược ghi)