Ông Nguyễn Văn Bênh - Phó Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban KTNS tỉnh nhận xét, trong thu hút đầu tư phải có chủ trương đúng đắn, có chiến lược lâu dài.
(BTN) - Ngày 22.11.2012, Ban Kinh tế - Ngân sách (KTNS) - HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực thu hút đầu tư. Phó Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Văn Bênh chủ trì buổi làm việc.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Từ năm 2009 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã triển khai và tổ chức thực hiện cải cách quy trình, thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư, cấp phép đầu tư, theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các nghị định của Chính phủ có liên quan, công bố bộ thủ tục hành chính ngành Kế hoạch và Đầu tư ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã, quản lý trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh; thực hiện chuyển đổi quy trình hệ thống quản lý chất lượng từ TCVN 9001:2000 chuyển sang TCVN 9001:2008. Hiện nay, Sở KH&ĐT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thu hút đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư theo 2 bước: Quy trình cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh và tham mưu UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư thuộc thẩm quyền đối với các dự án đầu tư ngoài địa bàn khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Đối với các dự án thuộc diện đăng ký đầu tư, theo quy định giải quyết trong 15 ngày, Sở KH&ĐT giải quyết theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 nên thời gian hoàn thành là 10 ngày, rút ngắn được 5 ngày so với quy định. Đối với dự án thuộc diện thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư, theo quy định giải quyết hồ sơ là 38 ngày, Sở KH&ĐT giải quyết trong 25 ngày, rút ngắn được 13 ngày so với quy định. Đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp nhận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, quy định 55 ngày, Sở giải quyết 50 ngày. Quy trình tổ chức luân chuyển hồ sơ, tổ chức lấy ý kiến các ngành liên quan đến dự án đầu tư, mối quan hệ phối hợp trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đáp ứng được yêu cầu đề ra, giúp cho Sở KH&ĐT tổng hợp đầy đủ ý kiến, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh đúng thời gian quy định. Nhân buổi làm việc, Sở KH&ĐT kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy trình cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn tỉnh; quy định về suất đầu tư tối thiểu/ha đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; quy chế phối hợp quản lý Nhà nước trong việc cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Ban quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị: BQL các khu công nghiệp, BQLKKT cửa khẩu Mộc Bài và BQLKKT cửa khẩu Xa Mát. Từ ngày thành lập, BQLKKT đã triển khai rà soát và xây dựng lại bộ thủ tục hành chính (TTHC), thực hiện đơn giản hoá theo đề án 30 (giảm 30% các nội dung liên quan quy trình giải quyết TTHC), có điều chỉnh, thay thế, huỷ bỏ những TTHC không còn phù hợp. BQLKKT đã niêm yết công khai bộ TTHC theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, từ đầu năm đến nay, không có trường hợp nào giải quyết trễ hạn. Quy trình giải quyết. luân chuyển hồ sơ của các dự án đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh, được thực hiện trong nội bộ BQLKKT, với đầu mối tiếp nhận là bộ phận “một cửa”, chủ trì giải quyết là Phòng Quản lý Đầu tư, lãnh đạo BQL quyết định cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đối với dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, BQL phải lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, trước khi phản hồi kết quả cho nhà đầu tư. Một số cơ quan không đảm bảo thời hạn cho ý kiến, gây khó khăn cho BQL về thời hạn giải quyết theo quy định.
Tại buổi làm việc, đại biểu các sở, ngành liên quan có ý kiến: Cần xem xét lại chủ trương đầu tư; nên giao cho một đầu mối là Sở KH&ĐT thẩm định đầu tư; các ngành cần có quy hoạch triệt để, không được tuỳ tiện thay đổi; cần có quy định cụ thể ngành nghề nào phải vào khu công nghiệp; cải cách thủ tục hành chính chỉ là một phần trong thu hút đầu tư, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của nhiều cơ quan và người đứng đầu phải có tầm nhìn chiến lược; cần thống kê để biết TTHC nào còn phù hợp, TTHC nào không phù hợp, bao nhiêu doanh nghiệp từ chối đầu tư vào tỉnh nhà do vướng TTHC; ảnh hưởng môi trường dân phản ánh, ngành đi kiểm tra không phát hiện vi phạm, dân tiếp tục phản ánh, ngành nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa Sở KH&ĐT, BQLKKT và TTXTĐT; việc hướng dẫn thủ tục đầu tư thuộc cơ quan nào; cần cải tiến hơn nữa quy trình thẩm định đầu tư; cần cải thiện môi trường đầu tư; việc kiểm tra, thanh tra quá nhiều trong năm, sự phối hợp chưa tốt, còn chồng chéo, gây tâm lý không thuận lợi cho doanh nghiệp.
Giải trình một số những ý kiến đóng góp của đại biểu, Sở KH&ĐT và BQLKKT nhìn nhận bức tranh đầu tư vào tỉnh nhà trong năm qua chưa được sáng sủa. Tây Ninh chưa quảng bá hình ảnh của mình một cách chuyên nghiệp đối với các nhà đầu tư, thậm chí… họ chưa biết Tây Ninh ở đâu. Nếu không có tầm nhìn chiến lược về thu hút đầu tư, Tây Ninh sẽ mãi mãi đi sau so với các tỉnh bạn. Nhà nước nên có sự đồng cảm với doanh nghiệp, để giúp đỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bênh - Phó Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban KTNS tỉnh nhận xét, trong thu hút đầu tư phải có chủ trương đúng đắn, có chiến lược lâu dài. Tính chiến lược trong đầu tư đòi hỏi bản lĩnh của người tham mưu và cách giải quyết vấn đề của người đứng đầu, thực trạng hiện nay giải quyết còn quá chậm. Phải gắn đầu tư với phát triển xã hội, trong khi hiện tại sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, chưa chặt chẽ, chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề, chưa chủ động giải quyết những mâu thuẫn trong phát triển kinh tế - xã hội. Trưởng Ban KTNS ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu và cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo Thường trực HĐND để có những chuyên đề để bàn sâu hơn về lĩnh vực thu hút đầu tư.
DUY ĐỨC