BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bản lĩnh và sự sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo phát triển kinh tế

Cập nhật ngày: 07/02/2017 - 16:59

Đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ chính thức với hơn 200 chính đảng trên thế giới. Việt Nam là nước đang phát triển nhiều tiềm năng, với tốc độ nhanh của khu vực; có quan hệ ngoại giao với hơn 185 nước, quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ; đã ký kết 12 FTA; tham gia hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 hiệp định chống đánh thuế hai lần, nhiều hiệp định hợp tác về văn hóa song phương với các nước và các tổ chức quốc tế; được 60 nước chính thức công nhận quy chế kinh tế thị trường… Đây vừa là kết quả, vừa là điều kiện và động lực củng cố sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế.

Là một chính đảng cầm quyền và lãnh đạo toàn diện mọi mặt của đời sống đất nước, sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế là một nội dung, trách nhiệm và thẩm quyền tất yếu của Đảng.

Coi phát triển kinh tế là trung tâm, Đảng lãnh đạo kinh tế thông qua xây dựng, thể chế hóa và chỉ đạo thực hiện các cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quản lý kinh tế; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, tư tưởng; tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, thực hiện giám sát, kiểm tra và xử lý các vấn đề về cán bộ các cấp… trong một chỉnh thể đồng bộ gắn liền với phát triển và quản lý xã hội, nhằm mục đích cao nhất là xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Năng lực, hiệu quả lãnh đạo kinh tế cũng là thước đo đánh giá năng lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng.

Bản lĩnh, sự sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo kinh tế thể hiện cao nhất và tập trung nhất ở sự phát động công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình phát triển, ngày càng coi trọng nguyên tắc cơ bản, nhất quán và xuyên suốt là kết hợp cơ chế thị trường với sự quản lý, điều hành của Nhà nước, bảo đảm việc ngày càng tuân thủ đầy đủ, đồng bộ, đúng quy trình các quy luật kinh tế thị trường hiện đại, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy nội lực, coi trọng khu vực kinh tế tư nhân và tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh thời đại với sức mạnh dân tộc, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế với kế hoạch, lộ trình hợp lý. Kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Phát huy dân chủ, sáng tạo và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài, giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước…

Bên cạnh những thành công, còn nhiều khó khăn, bất cập và hạn chế, nhất là công tác cán bộ quản lý kinh tế nói chung và quản lý khu vực doanh nghiệp nhà nước nói riêng, vì vậy, trong sự lãnh đạo về kinh tế của Đảng đã, đang và sẽ tiếp tục thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, để có định hướng đúng đắn, thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh tái cơ cấu, xã hội hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tổng thể nền kinh tế; gia tăng độ mở, sự cạnh tranh bình đẳng và tham gia chuỗi liên kết, cung ứng giá trị quốc tế sâu, vững chắc hơn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; trọng dụng người tài và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội.

Sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế luôn đòi hỏi sự sáng tạo cả về lý luận và thực tiễn, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, khắc phục tư duy giáo điều; có cách nhìn biện chứng về các quá trình kinh tế, xã hội của quốc gia, thế giới và thời đại; nâng cao năng lực dự báo, tầm nhìn, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế theo hướng không bao biện làm thay chính quyền. Đổi mới cơ chế đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ quản lý kinh tế; tăng cường kiểm tra giám sát, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Kiên quyết chống lợi ích nhóm, tăng cường dân chủ, sự thống nhất về mục tiêu, động lực hành động toàn xã hội, để mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển kinh tế!

Nguồn Báo Nhân dân


Liên kết hữu ích