Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ấp Hội Tân, xã Tân Hội:

Bán nhà, bỏ đất vì tiếng ồn, mùi hôi từ nhà máy mì 

Cập nhật ngày: 15/04/2017 - 08:15

BTNO - Nhiều người dân ấp Hội Tân, xã Tân Hội, huyện Tân Châu lần lượt bán nhà đi nơi khác ở vì không thể thích nghi với môi trường sống bị ô nhiễm, nước giếng không thể sử dụng, và nhất là tiếng ồn đinh tai nhức óc từ một nhà máy ra rả suốt ngày đêm.

Ngành chức năng tiến hành lấy mẫu nước xả thải của nhà máy để kiểm tra, làm rõ.

NƯỚC MÀU ÐỤC CHẢY XUỐNG SUỐI NƯỚC ÐỤC

Sáng 11.4, chúng tôi có mặt tại khu vực mà người dân địa phương phản ánh tình trạng ngày đêm xả nước thải (màu đục, có mùi hôi, nghi là chưa qua xử lý) ra suối Nước Ðục suốt thời gian dài của doanh nghiệp tư nhân Phước Dân, chuyên sản xuất tinh bột mì tại ấp Hội Tân. Phía sau nhà máy có một miệng cống nằm lộ thiên trên bờ suối đang đổ nước thải ầm ầm như thác, sủi bọt trắng xoá kéo dài một đoạn.

Người dân địa phương cho biết, suối Nước Ðục chảy qua khu vực cầu Ðại Thắng rồi đổ ra đập Tha La dẫn đến hồ Dầu Tiếng. Mấy năm gần đây nhiều giếng khoan của người dân gần suối không thể sử dụng được vì nước chuyển sang màu đục kèm theo mùi hôi, khiến người dân càng hoang mang, bức xúc về tình trạng xả nước thải.

Sau khi “mục sở thị” hệ thống xả thải ra suối Nước Ðục của nhà máy chế biến khoai mì, nghi ngờ chưa qua hệ thống xử lý đạt chuẩn, chúng tôi báo thông tin này cho Bí thư Huyện uỷ Tân Châu Nguyễn Ðình Xuân (nguyên Giám đốc Sở TN-MT). Ông Xuân cho biết, theo quy định, tất cả các nhà máy chế biến tinh bột mì (sắn) hay cao su trên địa bàn tỉnh đều phải xử lý nước thải đạt chuẩn loại A, nhà máy mì Phước Dân cũng không ngoại lệ.

Ðối với phản ánh của người dân nơi đây, ông Xuân yêu cầu lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Châu phối hợp với các ngành có liên quan trực tiếp đến Nhà máy mì Phước Dân, lấy mẫu nước thải tại miệng cống xả thải trực tiếp xuống suối Nước Ðục để phân tích và xử lý theo thẩm quyền nếu doanh nghiệp vi phạm…

Sau hơn 10 phút từ cuộc trao đổi cùng Bí thư Huyện uỷ Tân Châu, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Châu Lại Thành Lộc đề nghị chúng tôi chờ ngành chức năng để phối hợp giải quyết vụ việc.

Khoảng hơn 20 phút sau, ông Lộc cùng cán bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường có mặt tại nhà một người dân gần khu vực nhà máy. Tại đây, ngành chức năng cùng phóng viên quan sát cống xả và đề nghị chủ doanh nghiệp này ngay lập tức có mặt để chứng kiến việc lấy mẫu nước xả thải có màu đục này để xét nghiệm. Ðồng thời, Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp Công an huyện Tân Châu, Công an xã Tân Hội tiến hành lập biên bản kiểm tra đột xuất nhà máy.

 Tại thời điểm kiểm tra, nhà máy đang hoạt động và xả nước thải có màu đục theo cống nước ra thẳng dòng suối. Ông Nguyễn Tấn Phước, chủ doanh nghiệp lý giải màu nước đục là do… “nhà máy vừa hoạt động lại sau thời gian dài bị cúp điện”. Chúng tôi nhận thấy bên trong nhà máy còn có sân phơi đổ đầy khoai mì đang phân huỷ để lộ thiên, không có mái che, có màu đen sẫm và có mùi hôi khó chịu.

Ông Lại Thành Lộc cho biết, hiện ngành chức năng đang tiến hành xét nghiệm mẫu nước thải của doanh nghiệp Phước Dân để có cơ sở xử lý theo quy định.

HÀNG CHỤC HỘ DÂN BÁN NHÀ, BỎ ÐẤT

Bà Nguyễn Thị Hương, tổ phó tổ tự quản số 7, ấp Hội Tân, xã Tân Hội cho biết, thời gian gần đây có nhiều hộ dân sống xung quanh Nhà máy mì Phước Dân đã bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống, vì không chịu nổi tiếng ồn và mức độ ô nhiễm nguồn nước do nhà máy này gây ra; trong đó có nhiều gia đình đã bán tháo đất của mình với giá rất thấp để lấy tiền đi nơi khác mua đất sinh sống.

Bà Hương nói thêm, tiếng ồn từ nhà máy mì phát ra suốt ngày đêm, nhất là lúc đêm khuya, khiến người cư ngụ ở gần nhà máy rất khó ngủ. Giếng nước của nhiều nhà bị ô nhiễm không thể sử dụng, mưa xuống thì gây hôi thối nên nhiều hộ phải bán nhà bỏ đi. Bà Hương khẳng định, tổ 7, ấp Hội Tân chỉ có 37 hộ dân, trong đó có khoảng 10 hộ đã phải bán nhà, đi nơi khác sinh sống.

Cũng theo bà Hương, nhiều người dân sinh sống tại khu vực này đã bán đất ở của mình cho nhà máy, nhưng nhà máy chỉ mua đất chứ không mua nhà. Hiện tại, đất tại khu vực này được nhà máy mua lại khoảng 20 triệu đồng/m ngang. Gia đình bà đang cố gắng chịu đựng được năm nào hay năm nấy, bởi kinh tế gia đình đang gặp khó khăn, nếu bán mảnh đất này thì không giải quyết được vấn đề định cư chỗ khác cũng như bảo đảm cuộc sống, nên “tới đâu thì tới”.

“Như gia đình tôi có gần 20m ngang nếu bán thì cũng chỉ được hơn 300 triệu đồng. Với số tiền này thì không thể di dời đến chỗ nào khác để vừa mua đất và vừa cất nhà” - bà Hương tính toán.

Nước xả thải ra môi trường của nhà máy có màu đục và nhiều bọt trắng xoá.

Một trường hợp khác chúng tôi tiếp xúc là ông Nguyễn Văn Sủn (SN 1936), gia đình sinh sống ổn định tại ấp Hội Tân đã gần 25 năm, ở ngay phía sau Nhà máy mì Phước Dân. Ông Sủn cho biết, Nhà máy mì Phước Dân mới chỉ xây dựng khoảng 10 năm trở lại đây, lúc trước hoạt động nhỏ lẻ nên chưa ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Tuy nhiên cách đây khoảng 3, 4 năm, nhà máy nâng công suất lớn hơn nhiều lần; và đó cũng là lúc cuộc sống của bà con ở ấp Hội Tân, xã Tân Hội bị đảo lộn hoàn toàn, mạch nước ngầm bắt đầu hư dần, tiếng ồn suốt ngày đêm.

Cụ thể, vài năm gần đây gia đình ông Sủn đã khoan lại nhiều giếng nước nhưng vẫn không thể sử dụng được vì bị ô nhiễm nặng, nguồn nước được bơm lên từ giếng có mùi hôi khó chịu, buộc gia đình ông phải mua nước bình về để sử dụng cho việc ăn uống, còn nước giếng khoan chỉ để tắm, giặt và tưới cây.

“Hiện tôi đang kêu người bán lại mảnh vườn cây ăn trái khoảng 1 ha này để đi nơi khác mua đất cất nhà sinh sống cho ổn định, thà chấp nhận bỏ mảnh đất đã gắn bó gần nửa cuộc đời của mình chứ không thể chịu đựng được nữa; tôi đã già rồi không lo gì bệnh tật, cái lo của tôi bây giờ là sức khoẻ các con, các cháu của mình”- ông Sủn than thở.

Ghi nhận khi thâm nhập thực tế bên trong khuôn viên của Nhà máy mì Phước Dân, chúng tôi thấu hiểu lý do vì sao người dân ở đây quyết liệt phản ứng hoạt động của nhà máy này. Miệng cống nước xả thải đặt phía sau nhà máy đang cuồn cuộn đổ dòng nước thải có màu “trắng đục” trực tiếp xuống con suối Nước Ðục với nhiều bọt khí trắng xoá quanh khu vực miệng cống xả thải; mùi hôi lan toả trong không gian.

Người dân cho biết, mùi hôi càng nồng nặc hơn khi trời mưa xuống. Thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp để bảo đảm cuộc sống của những người dân sinh sống tại khu vực này, vì họ là những người đã đến từ trước khi có sự hoạt động của Nhà máy mì Phước Dân.

Ðức An

Trước đó, qua nhiều ngày theo dõi, vào lúc 0 giờ ngày 20.5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường- Công an tỉnh đã bắt quả tang Nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn thuộc doanh nghiệp tư nhân Phước Dân, tại ấp Hội Tân, xã Tân Hội (huyện Tân Châu) đang xả nước thải chưa xử lý ra môi trường.

Theo cán bộ Cảnh sát môi trường tỉnh, nhà máy trên có công suất chế biến khoảng 100 tấn tinh bột sắn/ngày. Tuy doanh nghiệp có xây dựng đầy đủ hệ thống xử lý nước thải đạt loại A, được cơ quan chức năng nghiệm thu, xác nhận nhưng tại thời điểm kiểm tra, hệ thống xử lý nước thải không hoạt động mà toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất, có màu đen đục (khoảng 300m3/ngày đêm) được nhà máy xả thẳng ra suối Nước Ðục. Con suối này dẫn ra sông Tha La rồi đổ về hồ Dầu Tiếng. 

Ðội kiểm tra thuộc Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu doanh nghiệp ngưng ngay việc xả thải chưa xử lý ra môi trường; đồng thời lấy mẫu nước thải, gửi Trung tâm kiểm nghiệm về môi trường tại thành phố Hồ Chí Minh phân tích mức độ ô nhiễm để xử lý. Ông Phan Thanh Giản, người quản lý của nhà máy khai nhận đã lén lút xả thải chưa qua xử lý ra môi trường nhiều lần và ký vào biên bản vi phạm.